Hỗ trợ trị chứng ho đàm do COVID-19

14/03/2022 - 06:31

PNO - Tình trạng đau, nóng rát họng kèm ho có thể kéo dài trong thời kỳ dương tính đến hậu COVID-19, khiến người bệnh mệt mỏi, mất ngủ, suy nhược cơ thể. Người bệnh có thể tận dụng các món ăn hằng ngày, các thảo dược quen thuộc để làm giảm triệu chứng này.

Ho khan

1 - 2 quả chuối (chuối tiêu, chuối già, chuối lùn), đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy đến chín. Ngày ăn 1 - 2 quả, ăn nhiều ngày liên tục, giúp thanh nhiệt, giảm ho.

120 - 150g cà rốt, 10 - 15 quả táo tàu; thái nhỏ cà rốt, táo tàu và đổ vào nồi, sắc nhỏ lửa với ba bát nước. Khi còn khoảng một bát nước thì lọc bỏ xác, lấy nước, chia làm ba lần, uống trong ngày. Uống 3 - 5 ngày liền; giúp mát phổi, giảm ho.

Mật ong, kim ngân hoa, mỗi loại 30g. Kim ngân hoa đem sắc nhỏ lửa với 500ml nước, còn khoảng 300ml, hòa với mật ong uống trong ngày; giúp mát phổi, giảm ho.

Gừng thái lát và ít muối, mỗi khi cảm thấy ngứa họng muốn ho thì lấy một miếng gừng muối nhai và nuốt chậm. Mỗi ngày chỉ nên nhai ba lần, trước khi ngủ dùng thêm một lần. Dùng vài ngày sẽ thuyên giảm.

Củ cải trắng: gọt vỏ, rửa sạch và ăn sống giúp mát họng, hết ho. Hoặc 250g củ cải trắng thái nhỏ, cho nước vào đun sôi, uống khi còn ấm, uống liên tục mỗi buổi tối trong một tuần.

Bột nấm linh chi 15 - 20g, thịt heo nạc 100g, trộn chung, đem chưng cách thủy, nêm muối, dầu ăn vừa khẩu vị; ăn với cơm; giúp tiêu viêm, giảm ho.

Một quả lê, rửa sạch, gọt vỏ, 10g xuyên bối mẫu (nếu không mua được thì chỉ dùng lê), đường phèn vừa đủ. Thái nhỏ lê, cho vào chén cùng xuyên bối mẫu, hấp cách thủy khoảng 60 phút, cho đường phèn vào hấp tiếp cho tan. Ăn lê, uống nước. Dùng mỗi ngày/lần, năm ngày liên tục, giúp mát phổi, giảm ho.

10 - 15g mộc nhĩ trắng lẫn đen, đường phèn vừa đủ. Ngâm và rửa sạch mộc nhĩ, trộn với đường phèn, hấp cách thủy từ 2 - 3 tiếng. Ăn mộc nhĩ và uống nước. Dùng mỗi ngày/lần, năm ngày liên tục.

Để giúp kháng khuẩn và tăng cường khí lực cho hệ thống hô hấp, nên uống thêm một số loại thuốc đông y thành phẩm như: Si-rô ho, hoàn chỉ khái tiêu viêm, si-rô bổ phế, cao bổ phổi, bổ phế… 

Ho kèm theo đờm 

Một số món ăn sau sẽ giúp làm mát phổi, tăng cường khí lực cho hệ thống hô hấp, tiêu hóa, thông khí, tiêu đờm và giảm ho:

Phục linh 15g, ý dĩ 60g, đem nấu nhừ thành cháo, thêm muối, ăn khi còn nóng, nhiều ngày liên tục.

Tía tô 15g, giã nát, gạo tẻ 100g. Đem gạo nấu nhừ thành cháo, cho tía tô vào, nêm đường vừa ăn.

Hoàng kỳ 20g, gạo tẻ 60g. Gạo tẻ đem nấu cháo, hoàng kỳ sắc nhỏ lửa, lọc lấy nước, đổ vào cháo, nêm đường trắng vừa ăn. Ăn khi còn nóng, nhiều ngày liên tục. 

Hạt sen 30g, bách hợp 30g, thịt nạc 200g đem ninh nhừ, nêm vừa ăn, ăn khi còn nóng. 

Táo đỏ 10 quả, bí đỏ 200g, đường đỏ vừa đủ. Táo và bí đem nấu nhừ thành cháo, nêm đường vừa ăn. Ăn khi còn nóng, nhiều ngày liên tục. 

Táo đỏ 6 quả, cam thảo 6g, đổ hai bát nước, sắc còn một bát, uống nóng. 

30g mộc nhĩ trắng, đường phèn và nước vừa đủ, đem hấp cách thủy. Ăn khi còn nóng, một lần/ngày, nhiều ngày liên tục. 

Rau cải ngọt 500g, gừng tươi 10g. Sắc với bốn bát nước, còn hai bát, thêm ít muối, uống nóng, dùng hai lần/ngày. 

Lưu ý: Nếu ho khan hoặc ho có đờm loãng trắng, kèm nghẹt mũi, chảy mũi nước trong, hắt hơi, gai rét, không hoặc ít đổ mồ hôi… cần tránh gió, tránh lạnh. Nên xông, vận động để cơ thể toát mồ hôi và bổ sung đủ nước. Nếu ho kèm đờm vàng dính, khát, họng đau, chảy nước mũi đục, cơ thể nóng, ra mồ hôi, sợ gió cần bổ sung các loại trà từ hoa cúc, lá dâu tằm, uống nước dừa, nước sắn dây, nước đậu xanh… 

Đông y sĩ Mộc Nguyên (Hội Đông y quận Phú Nhuận)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI