GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng: Nhiều lần từ chối trời Âu để làm nên lịch sử ghép tay cho y học Việt Nam

26/02/2020 - 20:02

PNO - Sau khi tham gia kíp mổ ghép 2 tay cho một bệnh nhân tại Đức, GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng một lần nữa làm nên lịch sử cho ngành y học Việt Nam.

Tham gia ghép tay trên thế giới để làm bước đệm cho y học Việt Nam

Thông tin lần đầu tiên, các bác sĩ Việt Nam ghép tay thành công từ người cho còn sống (cũng là trường hợp đầu tiên trên thế giới) đã làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay thêm ý nghĩa. Ca ghép đặc biệt được thực hiện cho bệnh nhân nam may mắn tên Phạm Văn Vương (31 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) bị cụt 1/3 dưới cẳng tay trái vào năm 2016, sau tai nạn.

Người góp phần tạo nên lịch sử cho y học Việt Nam chính là GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng - Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (gọi tắt Bệnh viện 108 - Hà Nội). 

Các bác sĩ Bệnh viện 108 chuẩn bị thời gian dài từ pháp lý đến chuyên môn để thực hiện ca ghép tay đầu tiên tại Việt Nam
Các bác sĩ Bệnh viện 108 đã chuẩn bị thời gian dài từ pháp lý đến chuyên môn để thực hiện ca ghép tay đầu tiên tại Việt Nam

Để Việt Nam có thể ghép tay người như hôm nay, bác sĩ Nguyễn Thế Hoàng phải tham gia ghép tay cùng các bác sĩ nước ngoài.

Vào tháng 7/2008, tại thành phố Munich (Đức), bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được nhận 2 cánh tay bằng công nghệ cấy ghép từ người cho đã chết. Ca mổ lịch sử này có công sức của một bác sĩ người Việt, đó là GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng – Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 bây giờ. Ông là một trong 5 phẫu thuật viên chính thực hiện việc cấy ghép năm đó cho bệnh nhân Karl Merk tại Bệnh viện ngoại khoa Rechts der Isar ở Munich. Đây chính là bước đệm cho thành công của ca ghép tay tại Việt Nam. 

Năm 2013, GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng nhận được giải thưởng Humboldt của Đức (dành cho các nhà khoa học, học giả nổi tiếng thế giới có những đóng góp lớn) với đề tài "Tân tạo tuần hoàn". Ông còn được trao học hàm GS và mời làm giảng viên chính thức tại Đại học Tổng hợp Munich, Đức, nhưng ông quyết định trở về nước với trăn trở phải làm điều gì đó cho người bệnh Việt Nam. Đặc biệt, cơ duyên để bác sĩ Hoàng đến với ngành chấn thương, chỉnh hình là do ông thấy nhiều thương binh bị vết thương cắt cụt chi nhưng chưa biết làm thế nào để cứu chữa. Ông trăn trở: "Cắt cụt chi bệnh nhân thì ai cũng làm được".

12 năm sau, ông quyết ứng dụng kỹ thuật ghép tay cho bệnh nhân Việt Nam và một lần nữa, bác sĩ Hoàng đã làm nên lịch sử cho y học nước nhà. Tuy nhiên, để Việt Nam có thể thực hiện được các ca ghép tay đòi hỏi phải xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng, bảo vệ sự minh bạch cho đội ngũ y, bác sĩ.

3 năm, 18 ngày và 8 tiếng, đó là những mốc thời gian kể từ khi chuẩn bị, cho đến khi tìm được người hiến và cuối cùng là thời gian mổ ghép tay được Bệnh viện 108 thực hiện. 

3 năm, đó là khoảng thời gian Bệnh viện 108 chuẩn bị cơ sở pháp lý, khoa học, kỹ thuật và các thủ tục cần thiết liên quan đến việc cấy ghép, điều trị sau ghép và cả vấn đề liên quan đến y đức. Thời gian này, các bác sĩ cũng liên tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện những ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ như: tái sinh những phần tay của chính bệnh nhân bị đứt rời; ứng dụng kỹ thuật vi phẫu hoặc cấy ghép tay ở trình độ đỉnh cao với độ chính xác tuyệt đối. Những năm tháng này, Bệnh viện 108 cũng tăng cường sửa chữa cơ sở hạ tầng, mua sắm thêm máy móc ngang tầm quốc tế để có thể thực hiện ca ghép tay thành công.

Bệnh viện 108 là một trong những bệnh viện lớn nhất Việt Nam
Bệnh viện 108 là một trong những bệnh viện lớn nhất Việt Nam

18 ngày, đó là thời gian các bác sĩ của Bệnh viện 108 chiến đấu với tinh thần “còn nước còn tát” để cứu chữa cho một bệnh nhân 51 tuổi bị tai nạn lao động do băng chuyền của máy tải gạch cuốn, đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay đến sát nách.

Qua khám xét chuyên khoa tại phòng cấp cứu cho thấy, bệnh nhân trong tình trạng bị sốc nặng do mất máu. Vết thương đã gây đứt bó mạch cánh tay sát vùng nách, kèm theo nhổ giật cả 3 dây thần kinh (quay, trụ, giữa). Đây là những dây thần kinh chi phối cho chức năng vận động và cảm giác của tay. Đáng buồn hơn, bệnh nhân bị sai khớp vai kèm theo gãy xương và sai khớp khuỷu, bị dập nát và mất nuôi dưỡng toàn bộ khối cơ vùng mặt trước cánh tay, cẳng tay. Tuy nhiên 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái còn tương đối bình thường.

"Cuối cùng, kíp trực quyết định đưa bệnh nhân đi mổ cấp cứu để giữ tính mạng, nắn chỉnh sai khớp, nối lại động mạch, cắt lọc cơ hoại tử… Dù thoát chết nhưng đáng tiếc các khối cơ vùng cẳng tay và cánh tay vẫn tiếp tục hoại tử và bội nhiễm. Bệnh nhân được hội chẩn nhiều lần, cuối cùng phải cắt cụt ngang mức 1/3 trên cánh tay là chỉ định tuyệt đối vì không còn khả năng bảo tồn.

Khi thống nhất chỉ định cắt cụt ngang mức 1/3 trên cánh tay, các bác sĩ cũng nhận thấy phần thừa của cánh tay bị cắt cụt còn tương đối bình thường và có thể được sử dụng để ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng. Khi chúng tôi đề cập, bệnh nhân và gia đình đã đồng ý tuyệt đối, đó là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp và nhân văn” - GS.TS Nguyễn Việt Hoàng nhớ lại.

8 tiếng, đó là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời anh Phạm Văn Vương (31 tuổi, ở Hà Nội) khi trải qua ca ghép tay lịch sử của nền y học Việt Nam.

Anh Vương kể lại, ngày 11/7/2016 là dấu mốc kinh hoàng khi anh bị tai nạn lao động từ máy đột lỗ kim loại bằng thủy lực khiến toàn bộ 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái dập nát, biến dạng hoàn toàn. Dù anh được đưa ngay tới bệnh viện cấp cứu, nhưng sau khi thăm khám kỹ lưỡng, các bác sĩ buộc phải ra chỉ định cắt cụt tay do vết thương dập nát nặng nề và hoàn toàn không còn khả năng bảo tồn. Việc mất tay khiến anh Vương suy sụp tinh thần, mất sức lao động và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.

“Năm 2016, tôi đăng ký vào danh sách chờ hiến chi thể. Do không hy vọng nhiều về việc có người hiến nên khi nhận được điện thoại của Bệnh viện 108 vào đầu ngày 26 Tết vừa rồi, thông báo đã có người hiến khiến tôi vô cùng vui mừng và hồi hộp…” - anh Vương chia sẻ.

Ghép hay không ghép?

GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện chụp ảnh cùng a P.V.V trước mổ
GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện 108 cùng bệnh nhân Vương chuẩn bị vào ca mổ ghép tay

Đó là câu hỏi được các bác sĩ của Bệnh viện 108 đặt ra vào những ngày cận Tết Nguyên đán, khi nhận thấy phần tay của người cho đang đối diện với nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Sau khi cân nhắc cẩn thận, kỹ lưỡng mọi tình huống, ban giám đốc Bệnh viện 108 và kíp phẫu thuật quyết định thực hiện ca mổ ghép tay cho anh Vương.

Theo GS.TS Mai Hồng Bàng – Giám đốc Bệnh viện 108 - từ chiều 27 tháng Chạp, khi người dân còn chuẩn bị đón tết thì các bác sĩ của Bệnh viện 108 lại liên tục thực hiện nhiều cuộc hội chẩn để thực hiện ca phẫu thuật. “Nếu không ghép, có lẽ không bao giờ có thể làm được”, đó là nhận định của các bác sĩ khi cho rằng đã đúng thời điểm.

Dưới sự quan tâm và chỉ đạo đặc biệt của Bệnh viện 108 cũng như hội đồng y đức và các chuyên ngành liên quan, ngày 21/1/2020, bệnh nhân Vương đã được phẫu thuật ghép 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay, được lấy từ người cho sống.

Ca phẫu thuật do GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng trực tiếp cùng các bác sĩ khoa Chi trên và Vi phẫu thuật, Bệnh viện 108 thực hiện.

Sau 8 tiếng phẫu thuật với sự hỗ trợ hiệu quả của nhiều chuyên khoa khác nhau, cuối cùng tất cả các cấu trúc giải phẫu chức năng của phần tay được ghép như da, cân cơ, xương, khớp, mạch máu, thần kinh... đã được phục hồi hoàn chỉnh và đầy đủ. Phần tay sau ghép "sống" tốt và được máu tới nuôi giống như cánh tay lành của anh Vương. Bệnh nhân sau đó được cách ly và chăm sóc theo chế độ đặc biệt 24/24 giờ dưới sự phối hợp của rất nhiều chuyên khoa.

Ngay sau mổ, anh Vương có thể tự vận động nhúc nhích được các ngón tay của bàn tay ghép. Cho đến nay, chỉ hơn 1 tháng sau ghép, anh đã có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số các đồ vật thô.

Các bác sĩ kiểm tra lại phần tay sau ghép cho anh Vương
Các bác sĩ kiểm tra lại phần tay sau ghép cho anh Vương
Anh V vui mừng vì bàn tay mới hoà hợp. Anh gửi lời tri ân đến các thầy thuốc, đến người chú đã đồng ý để bàn tay của chú tiếp tục sống trên cơ thể anh, giúp anh có một cuộc sống bình thường
Anh Vương vui mừng vì "bàn tay mới" hoà hợp. Anh gửi lời tri ân đến các thầy thuốc, đến người đã đồng ý hiến tặng bàn tay cho mình.

Thành công của ca ghép mở ra hướng điều trị mới trong tương lai, không chỉ ghép tay từ người hiến chết não mà còn từ người sống cho những người không may mắn.

GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng cho biết ghép tay là dạng phẫu thuật đỉnh cao, hết sức phức tạp. Ghép chi thể khó khăn hơn ghép tạng (thận, tim) do mức độ thải ghép rất cao, cùng lúc phải ghép nối nhiều phần: da, dây thần kinh, mạch máu, cơ, gân… và mức độ thải ghép rất mạnh, đặc biệt là thải ghép da. Hiện thế giới đã thực hiện 89 ca trong 22 năm qua, nhưng đều là ghép từ người hiến chết não.

Ca của bệnh nhân Vượng chính là dấu ấn lịch sử khi thực hiện thành công ca ghép tay đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là ca ghép tay đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống được thực hiện tại Bệnh viện 108.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI