GS Huỳnh Văn Sơn nói gì về đề xuất chia năm học thành 4 kỳ?

22/02/2020 - 06:00

PNO - GS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, cho rằng: học sinh có nhiều kỳ nghỉ trong năm có thể thích hợp với xã hội Việt Nam và một số nội dung triển khai của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống viêm phổi cấp do COVID-19 chiều 14/2, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố xây dựng kế hoạch đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo chia năm học thành bốn kỳ; trong đó kỳ nghỉ hè khoảng 35 ngày, nghỉ tết 30 ngày, hai kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ hai tuần...

GS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, đã có những đóng góp xung quanh đề xuất mới này.

* Phóng viên: Quan điểm của giáo sư về đề xuất trên như thế nào?

- GS Huỳnh Văn Sơn: Tôi cho rằng đây là vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng; cần có ý kiến phân tích, đánh giá trên cơ sở khoa học chứ không hẳn là ủng hộ hay không.

GS Huỳnh Văn Sơn cho rằng vấn đề chia năm học thành 4 kỳ cần xem xét kỹ lưỡng
GS Huỳnh Văn Sơn cho rằng vấn đề chia năm học thành 4 kỳ cần được xem xét kỹ lưỡng

Thật ra, nhiều quốc gia đang áp dụng năm học có nhiều kỳ. Tuy nhiên, cần phân tích chuyên biệt như sau: 

Việc có nhiều học kỳ sẽ đảm bảo tính chủ động của người học và tránh các hạn chế về áp lực học tập liên tục. Người học có nhiều cơ hội trải nghiệm, rèn luyện và hoàn thiện bản thân thông qua nhiều bối cảnh.

Việc nghỉ hè hay nghỉ học quá lâu sẽ làm cho học sinh trôi kiến thức, giảm hứng thú học tập. Có nhiều kỳ nghỉ sẽ có thể thích hợp với xã hội Việt Nam và một số nội dung triển khai của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Những đánh giá và nghiên cứu về chất lượng giáo dục nếu có các kỳ học vừa sức từ 2,5-3 tháng tỏ ra có ưu thế nhất định so với kỳ học quá dài khoảng 4,5-5 tháng.

Tuy nhiên, vẫn có những thách thức và vài vấn đề cần xem xét: Mối quan hệ gắn kết giữa cha mẹ và con cái rất chặt và rất đặc biệt ở Việt Nam nên chưa đảm bảo nếu vấn đề nghề nghiệp, công việc của phụ huynh chưa được đảm bảo. Vấn đề nảy sinh như: chăm sóc trẻ, quản lý trẻ, các môi trường gắn kết và rèn luyện cần chú ý để đảm bảo tính khả thi.

Cần thừa nhận với bối cảnh mới, có thể nhận thấy chương trình giáo dục phổ thông mới cần có các hoạt động riêng, các hoạt động trải nghiệm, các dạng thức hoạt động để phát triển năng lực học sinh nên phương thức này tỏ ra có những ưu điểm nhất định.

Ngoài ra, xin nhấn mạnh khi xã hội có nhiều tác động nguy cơ như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thời tiết bất thường... việc xem xét các phương án này sẽ là vấn đề cần quan tâm.

Quan điểm của tôi, vẫn cần quan tâm hiệu quả dạy học và mục tiêu phát triển người học. Và đây là quan điểm cần được ủng hộ, xem xét, nghiên cứu bài bản.

Giả định áp dụng phương án trên tại nước ta, việc sắp xếp, bố trí chương trình hiện có theo những mốc thời gian mới gặp thuận lợi/ khó khăn gì, thưa ông?

- Về mặt thuận lợi, học sinh có thể tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực và đảm bảo thời gian vừa sức với các kỳ học không quá dài, các kỳ nghỉ có thể gây cảm xúc tích cực. Bên cạnh đó, vấn đề bố trí chương trình sẽ có nhiều chặng và tỏ ra khả thi nhất là với chương trình giáo dục phổ thông mới trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, đây cũng có thể là phương án tác động thuận lợi cho giảng viên, giáo viên về nhu cầu học tập, nguyện vọng nâng cao trình độ.

Tuy vậy, vẫn có những khó khăn cần quan tâm. Đó là sự lo lắng, căng thẳng của phụ huynh vì những biến đổi về kỳ học, kỳ nghỉ; sự xáo trộn và thay đổi mang tính xã hội, nhóm cộng đồng. Do đó, việc phân tích tác động có liên quan với đề xuất này là điều cần làm.

Đặc biệt, sự chuyển đổi mang tính hệ thống của nhiều ngành nghề và các ban ngành trong xã hội là thách thức cần quan tâm, giải quyết...

* Chúng ta có giải pháp nào để khắc phục khó khăn như GS đã phân tích?

Giải pháp tổng thể cho thấy cần có định hướng và quán triệt mang tính đồng bộ; các chủ trương mang tính tổng thể mới đảm bảo ý tưởng triển khai từ thực tế. Cụ thể, các ban ngành cần điều nghiên để điều chỉnh nếu các tác động được phân tích. Quan trọng là sự thay đổi hoạt động học của học sinh theo lịch trình cần được đảm bảo sự ổn định của xã hội nhất là cha mẹ, ngành nghề - công việc và lối sống.

Song song đó, các giải pháp truyền thông và tâm lý xã hội rất quan trọng bởi không thể triển khai một loạt mà thiếu sự truyền thông về phương án mới này cũng như tác động tích cực và ảnh hưởng của nó đối với đời sống xã hội, nhất là học sinh.

Theo tôi, sự chỉ đạo hệ thống, sự tán đồng mang tính tương tác mới có thể triển khai ý tưởng này.

* Đề xuất này cần đặt trong vấn đề bố trí thời gian nghỉ ngơi của học sinh hiện nay và việc học tập, cân bằng cuộc sống của các em. Vậy ý kiến của GS thế nào?

Tôi đánh giá về tính triển vọng của chương trình giáo dục phổ thông mới. Tôi cho rằng đó là sản phẩm có sự thay đổi và khuynh hướng sáng tạo mang cơ sở thực tiễn, dù còn một số vấn đề phải quan tâm, tiếp tục hoàn thiện.

Các công tác đã và đang đầu tư của ngành giáo dục có định hướng rất căn cơ. Cụ thể như vấn đề chỉ số phát triển tâm sinh lý của học sinh đang được nghiên cứu, vấn đề tâm lý học trường học và tư vấn học đường đã được triển khai như những nhiệm vụ để đảm bảo các yêu cầu về chất lượng giáo dục. Vấn đề bố trí thời gian nghỉ ngơi của học sinh là một trong những giải pháp mà ngành đã quan tâm cũng như có những chiến lược đáp ứng từng phần...

Chúng ta có thể quan tâm đến số học kỳ học, số kỳ nghỉ theo đề xuất mới nhưng cần quan tâm đến hiệu quả học tập, nhu cầu của học sinh, các điều kiện pháp lý, các yêu cầu có liên quan về chương trình học, bối cảnh và tính khả thi... Đây là vấn đề cần xem xét bài bản và khoa học cũng như cần có những nghiên cứu hệ thống, sự tác động của đề xuất. 

Vấn đề bối cảnh dịch hiện nay hay các tác động khác có thể là các căn cứ xem xét nhưng cần đảm bảo tính biện chứng, tính khả thi để có thể thử nghiệm thay vì sự đồng thuận chưa đầy đủ các cơ sở cần thiết.

Một số cách bố trí kỳ nghỉ cho học sinh của các nước

Hiện nay, xu hướng học 3 học kỳ hay 4 học kỳ được nhiều nước áp dụng. Đơn cử như: năm học ở Nhật Bản bắt đầu từ tháng 4 cho đến tháng 3 năm sau. Kỳ nghỉ hè kéo dài khoảng 6 tuần, nghỉ đông và xuân khoảng 2 tuần. Ngày học thường bắt đầu từ 8g30 sáng đến 15g chiều. Một tuần học 5 ngày, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Sau giờ học, phần lớn học sinh ở lại tham gia các câu lạc bộ thể thao hoặc các hoạt động khác. 

Học sinh ở các nước bắt đầu năm học mới không giống nhau. Nếu ở Úc năm học bắt đầu từ cuối tháng 1 kéo dài đến giữa tháng 12 thì Trung Quốc từ tháng 9 đến giữa tháng 7 năm sau. Năm học ở Costa Rica bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 12. Học sinh có kỳ nghỉ trong khoảng hai tháng, từ tháng 12 đến tháng 2 và một vài tuần trong tháng 7.

Vì Úc ở Nam bán cầu nên mùa hè ngược với các nước ở Bắc bán cầu. Kỳ nghỉ hè của học sinh Úc kéo dài từ giữa tháng 12 đến cuối tháng 1 năm sau. Năm học được chia thành 4 kỳ, mỗi kỳ kéo dài 9-11 tuần. Học sinh có hai tuần nghỉ giữa mỗi học kỳ. Thời gian ở trường bình thường là từ 9g sáng đến 15g30 chiều.

Từ đó cho thấy xu hướng 2 học kỳ, 2 kỳ nghỉ; 3 học kỳ 3 kỳ nghỉ, 4 học kỳ 4 kỳ nghỉ vẫn đang tồn tại. Nhưng xu hướng 3 hay 4 kỳ dần phổ biến. Ngoài ra, ở một số nước, ngoài kỳ nghỉ chính, mỗi tháng hay 45 ngày, học sinh sẽ có 1 đến 3 ngày nghỉ. Dĩ nhiên, số ngày nghỉ này cần đặt trong bối cảnh ngày lễ trong năm, chương trình học, biên chế năm.

* Xin cảm ơn ông.

Trương Quốc Phong (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI