Gợi ý 6 loại kem chống nắng cho da nhạy cảm

21/04/2021 - 08:27

PNO - Sản phẩm chống nắng với thành phần phù hợp giúp bảo vệ da hiệu quả, đồng thời giảm thiểu nguy cơ bị kích ứng.

Những người mang làn da nhạy cảm thường gặp khó khăn trong việc chọn mỹ phẩm. Vì da dễ bị kích ứng hoặc nổi mụn, bạn có thể ngại thoa kem chống nắng lên người, đặc biệt là da mặt. Tuy nhiên, chống nắng là bước chăm sóc da rất quan trọng, không thể bỏ qua.

Sử dụng kem chống nắng quanh năm, đặc biệt vào mùa hè nhằm ngăn ngừa lão hóa sớm và duy trì làn da tươi trẻ - Ảnh: @jangjina_
Sử dụng kem chống nắng quanh năm, đặc biệt vào mùa hè nhằm ngăn ngừa lão hóa sớm và duy trì làn da tươi trẻ - Ảnh: @jangjina_

Da nhạy cảm nên dùng kem chống nắng nào?

Hiệp hội Da liễu Mỹ (American Dermatology Association) khuyến nghị sử dụng kem chống nắng phổ rộng (broad-spectrum). Kem chống nắng phổ rộng giúp chống lại tia UVA và UVB. Cụm từ "broad-spectrum" thường xuất hiện trên bao bì kem chống nắng do hãng mỹ phẩm Mỹ và một số nước châu Âu sản xuất.

Còn ở Nhật hay Hàn Quốc, kem chống nắng dùng chỉ số SPF và ký tự PA kèm theo các dấu cộng phía sau. Bạn nên sử dụng kem chống nắng có SPF 30 trở lên, PA +++ hoặc PA ++++. Nếu tập thể thao ngoài trời hoặc bơi lội, hãy chọn loại kem chống nắng chống thấm nước (water resistant).

Theo bác sĩ da liễu Marisa Garshick tại trung tâm Medical Dermatology & Cosmetic Surgery (New York, Mỹ), có vài loại kem chống nắng dễ gây kích ứng cho da nhạy cảm. Nguyên nhân đến từ một số thành phần chống nắng hóa học, hương liệu, tinh dầu hoặc chất bảo quản trong kem chống nắng.

Các biểu hiện kích ứng thường gặp như mẩn đỏ, khô, bong tróc hoặc dị ứng.

Chọn lựa và kiểm tra kỹ lưỡng bảng thành phần của mỹ phẩm nếu bạn có da nhạy cảm, dễ kích ứng - Ảnh: Lucky Sanders
Chọn lựa và kiểm tra kỹ lưỡng bảng thành phần của mỹ phẩm nếu bạn có da nhạy cảm, dễ kích ứng - Ảnh: Lucky Sanders

Bạn cũng có thể chọn kem chống nắng với cụm từ "non-comedogenic" (không gây dị ứng) in trên bao bì. Các sản phẩm "non-comedogenic" chứa công thức thành phần không làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

Ngoài ra, cần chú ý đến kết cấu đặc, lỏng của kem chống nắng. Sản phẩm dạng gel hay sữa thường tạo cảm giác nhẹ nhàng, thấm nhanh, ít gây bí da hay nặng mặt.

Một số kem chống nắng hướng đến da nhạy cảm còn được bổ sung nhiều dưỡng chất tốt. Các chiết xuất thực vật giúp chống oxy hóa, làm dịu da như rau má, lô hội, hoa cúc… góp phần giảm tình trạng kích ứng khó chịu.

Luôn thử một chút kem chống nắng lên cơ thể trước khi bôi lên mặt. Lấy một lượng nhỏ kem chống nắng và thoa lên phần cánh tay trong. Sau 1-2 ngày, bạn có thể dùng nếu làn da không xuất hiện dấu hiệu bất thường.

Gợi ý kem chống nắng cho da nhạy cảm

EltaMD UV Clear Facial Sunscreen Broad-Spectrum SPF 46 (830.000 đồng):

Ảnh: @karyi12

Sản phẩm có công thức dịu nhẹ, lành tính với niacinamide, acid hyaluronic và acid lactic. Đây là những dưỡng chất thúc đẩy làn da khỏe mạnh. Chất chống nắng bao gồm zinc oxide 9%, và octinoxate 7,5%, mang lại hiệu quả chống tia UVA và UVB. Nếu bạn thích dùng kem chống nắng có màu, hãy chọn sản phẩm được in chữ "tinted" trên bao bì.

Anessa Perfect UV Sunscreen Mild Milk SPF 50+ PA ++++ (60 ml, 685.000 đồng):

Ảnh: Anessa
Ảnh: Anessa

Sữa chống nắng dịu nhẹ có thể dùng trên da trẻ em. Nó được thiết kế công nghệ Aqua Booster giúp chống nước, mồ hôi và hạt bụi mịn. Sản phẩm chứa thành phần 5 không: Không màu, không mùi, không cồn, không dầu khoáng và không paraben. Các thành phần chống nắng: Zinc oxide, titanium dioxide, hydroxybenzoyl hexyl benzoate… Dễ gây trắng mặt nếu thoa sữa chống nắng quá nhiều.

Make P:rem UV Defense Me Blue Ray Sun Fluid SPF 50+ PA++++ (200 ml, 700.000 đồng):

Ảnh: @makeprem
Ảnh: @makeprem

Kem chống nắng vật lý dạng sữa. Kết cấu lỏng, thấm tương đối nhanh song cũng dễ để lại vệt trắng nếu thoa nhiều. Thành phần bên trong bổ sung chiết xuất hạt chia, rau má giúp làm dịu da khi ra nắng. Sản phẩm với dung tích lớn lý tưởng để dùng cho mặt và toàn bộ cơ thể.

CeraVe Tinted Hydrating Sunscreen Broad Spectrum SPF 30 (350.000 đồng):

Ảnh: CeraVe
Ảnh: CeraVe

Kem chống nắng vật lý có màu phù hợp làm lớp lót trang điểm. Sản phẩm ngăn cản tia UVA, UVB với titanium dioxide và zinc oxide. Kết cấu không nhờn dính, an toàn khi dùng trên da nhạy cảm. kem chống nắng không chứa chất tạo mùi và paraben. Mặt khác, nó còn cung cấp một số thành phần có lợi cho hàng rào bảo vệ da như hyaluronic acid, niacinamide và ceramide.

Blue Lizard Australian Sunscreen Sensitive SPF 30+ (48 ml, 450.000 đồng):

Ảnh: @bluelizardsunscreen
Ảnh: @bluelizardsunscreen

Đây là kem chống nắng vật lý, không có mùi thơm. Sản phẩm chứa zinc oxide, titanium dioxide bảo vệ da khỏi tia UV, đồng thời không gây kích ứng. Nó mang đến khả năng chống nắng phổ rộng cùng chỉ số SPF 30. Bên cạnh đó, vỏ chai sẽ thay đổi màu sắc khi tiếp xúc với tia UV. Điều này giống như lời nhắc nhở rằng bạn nên thoa kem chống nắng thường xuyên.

La Roche-Posay Anthelios Mineral Zinc Oxide Sunscreen SPF 50 (840.000 đồng):

Kem chống nắng chứa zinc oxide kèm chỉ số SPF 50 ngăn cản sự tấn công từ tia UVA và UVB. Sản phẩm sử dụng công thức không nhờn rít, không để lại vệt trắng trên da. Nó cũng chứa vài chất chống oxy hóa giúp bảo vệ da, chống lại tác hại của gốc tự do.

Sự khác biệt giữa kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học:

Có 2 nhóm thành phần chống nắng bao gồm chất chống nắng vật lý và chất chống nắng hóa học.

Chất chống nắng vật lý hoạt động giống như một lá chắn. Chúng ngăn cản tia UV xâm nhập vào da. Hai loại chất chống nắng vật lý hiện nay là titanium dioxide và zinc oxide. Cả 2 chất này có màu trắng. Vì vậy, khi thoa kem chống nắng vật lý, da mặt dễ bị trắng nhìn thiếu tự nhiên.

Chất chống nắng hóa học hấp thụ tia UV và chuyển hóa thành nhiệt. Oxybenzone, avobenzone, octisalate, octocrylene và homosalate là những thành phần chống nắng hóa học thường gặp. Kem chống nắng hóa học dễ tạo cảm giác nóng rát trên da nhạy cảm hoặc cay mắt nếu bôi gần mắt.

Lạc Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI