Giúp phụ nữ nghèo có "cần câu cơm"

15/08/2022 - 09:57

PNO - Trải qua nhiều gian nan, vất vả, đến nay chị Mai đã ít nhiều thành công. Chị sẵn sàng giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn học nghề, có việc làm để vươn lên thoát nghèo.

Ngày 6/8, Hội LHPN P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, TP.HCM ra mắt tổ dạy nghề may miễn phí - tạo việc làm cho hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn, khuyết tật. Hoạt động nằm trong chương trình giúp phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo. Trực tiếp đứng lớp là chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, 45 tuổi, một hội viên phụ nữ ở địa phương. Tổ may đặt tại nhà chị Mai với năm máy may công nghiệp. Nhận lãnh trách nhiệm, chị Mai sẽ mất thời gian làm việc và thu nhập, nhưng chị nói: “Mình rất vui và luôn sẵn lòng nếu có thể giúp chị em cải thiện kinh tế”. 

Sau nhiều năm kiên trì bám trụ với nghề may, giờ đây chị Mai (trái) đang nỗ lực truyền nghề cho nhiều chị em và hy vọng giúp họ có công việc ổn định
Sau nhiều năm kiên trì bám trụ với nghề may, giờ đây chị Mai (trái) đang nỗ lực truyền nghề cho nhiều chị em và hy vọng giúp họ có công việc ổn định

Hơn 30 năm trước, vì cha mất sớm nên mẹ đưa bốn chị em chị Mai rời quê nhà ở H.Đức Hòa, tỉnh Long An, lên TP.HCM tá túc nhà người chú. 13 tuổi, chị Mai đã đi xe nhang thuê. Sau vài năm tích cóp được ít tiền, chị Mai quyết định học nghề may. Học ra nghề nhưng không có vốn mở tiệm nên chị xin vào xí nghiệp làm công nhân may, vài năm sau thì lập gia đình. Chồng chị cũng là công nhân nên phải sau nhiều năm tích góp họ mới mua được mảnh đất 52m2 ở khu phố 7, P.Bình Trị Đông A, rồi xây tạm bợ để ở. Cũng vào thời điểm này, chị có mang con gái lớn nên nghỉ làm công nhân, ở nhà mở tiệm tạp hóa kiến tiền chợ. Nhớ nghề cũ, chị Mai vay mượn mua chiếc máy may, nhận sửa quần áo và may khẩu trang loại liền mũ để bán cho bà con đi làm ruộng. Rồi tình cờ, chị Phạm Thị Thủy ở cùng khu phố ghé tiệm tạp hóa thì chị Mai có nghề may. Hai chị rủ nhau đi tìm hàng về gia công. Chị Mai kể: “Tôi với Thủy đi từ Bình Tân qua Bình Chánh, Tân Bình, Tân Phú, thấy chỗ nào có nhiều máy may, đông người làm là vô hỏi. Ban đầu, thấy mình lạ nên người ta e dè, cũng đâu biết có may vá gì được không. Thế là chúng tôi xin may thử cho họ xem. Ban đầu, vì mình không có tiền để thế chấp nên họ chỉ giao ít hàng cho mình mang về gia công”. 

Chị Mai và chị Thủy đã từng bước cùng nhau gầy dựng việc làm ăn ngày càng khởi sắc. Một thời gian sau, chị Thủy tự đứng ra mua vải về cắt các loại váy, đồ bộ, còn chị Mai gia công thành phẩm rồi đem bỏ mối cho tiểu thương chợ Tân Bình. Hiện tại, trung bình mỗi tháng chị Thủy bỏ sỉ gần 70.000 bộ đồ, chủ yếu cho các shop bán online. Tổ may của chị Mai là một trong mười nhóm may đang cộng tác với chị Thủy. Từ một máy may gia đình ban đầu, chị Mai mua dần được năm máy may công nghiệp và “rủ rê” chị em tới làm chung, thu nhập bình quân mỗi người khoảng 5.000.000 - 6.000.000 đồng mỗi tháng. Hầu hết các chị đều đã biết may nên bắt nhịp khá dễ dàng. 

Sau thời gian dài dịch bệnh, nhiều chị em rơi vào khó khăn, nhiều chị em bất đắc dĩ trở thành trụ cột gia đình vì chồng mất. Thấy được vấn đề này, chị Mai nhắn gửi chị Nguyễn Thị Lén - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 7, P.Bình Trị Đông A - rằng: Ai có nhu cầu học may thì tới nhà, chị sẽ dạy miễn phí. Biết được thông tin này, Hội Phụ nữ P.Bình Trị Đông A đã kết hợp thành lập tổ dạy nghề may nhằm kết nối chị em học nghề và tạo việc làm. 

Trịnh Thị Đua, 53 tuổi, một trong những học viên đầu tiên của chị Mai, nói: “Cô Mai rất nhiệt tình, chỉ tôi từng bước, từ cách sử dụng máy đến lắp ráp vải may thành phẩm. Chị em trong tổ cũng chuyện trò, động viên nên tinh thần mình cũng khuây khỏa (chồng chị Đua vừa mất vì COVID-19). Tôi đã tự may được rồi, thu nhập mỗi tháng khoảng 6.000.000 đồng”. 

Chị Mai cho biết, khi tổ dạy nghề đi vào hoạt động, nếu đông học viên, chị sẵn sàng nhường máy may cho chị em học và làm ban ngày, còn mình tranh thủ làm đêm. Những chị có điều kiện sắm máy thì chị giao đồ về nhà làm. Trường hợp quá ngặt nghèo, chị sẽ đề xuất Hội LHPN phường hỗ trợ máy. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI