Giáo viên TPHCM muốn nâng chuẩn phải ra tận Vinh

14/09/2022 - 17:11

PNO - Câu chuyện được bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM đưa ra trong buổi làm việc với UBND quận Gò Vấp về tình hình thực hiện NQ số 88 và NQ số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2022.

Cụ thể, bà Văn Thị Bạch Tuyết cho hay, trong quá trình khảo sát tại quận Tân Phú và quận 6, nhiều trường cho biết trong quá trình nâng chuẩn giáo viên để đáp ứng Chương trình GDPT 2018 thì ở nhiều môn, giáo viên tìm hoài không có nơi nào dạy để nâng chuẩn. Thậm chí, muốn nâng chuẩn giáo viên phải ra tận Vinh để học. 

"Không có chỗ dạy nâng chuẩn thì giáo viên không thể nâng chuẩn đào tạo từ cao đẳng lên đại học, trong khi những môn học này lại đang thiếu giáo viên mà tuyển không được, gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo theo chương trình" - bà Văn Thị Bạch Tuyết nói. 

Ngoài ra, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM cũng đặt vấn đề, thực trạng thiếu giáo viên tại TPHCM hiện nay, nhất là ở các bộ môn đặc thù thực hiện Chương trình GDPT 2018 như tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc..., có phải do chế độ chính sách còn hạn chế, nên chưa thu hút được đội ngũ. Trên thực tế, ở nhiều địa phương có môn cần đến 70 giáo viên song chỉ có 35, 40 giáo viên đăng ký dự tuyển. 

Giáo viên TPHCM không có chỗ để học nâng chuẩn, muốn nâng chuẩn phải ra tận Vinh, rất khó khăn
Giáo viên TPHCM không có chỗ để học nâng chuẩn, muốn nâng chuẩn phải ra tận Vinh, rất khó khăn

Ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp thông tin, hiện nay trên toàn quận, bậc tiểu học thiếu 24 giáo viên trong đó tiếng Anh là 20, tin học là 4; THCS thiếu cục bộ tiếng Anh, nhạc, họa, mỹ thuật. Lý do thiếu giáo viên được ông Thanh đưa ra là do lương quá thấp nên không có ứng viên tham gia dự tuyển. Ngoài ra, nhiều giáo viên trường công lập nghỉ chuyển sang trường dân lập do sức hút ở đồng lương cao hơn. Tính trên toàn quận, 98,7% cán bộ quản lý và 86,4% giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn. Trên chuẩn là 43,3% cán bộ quản lý và 26% ở giáo viên. 

Thông tin thêm về công tác nâng chuẩn trình độ giáo viên đáp ứng với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, SGK mới, ông Thanh thừa nhận giáo viên hiện nay đang gặp khó trong việc tìm nơi học để nâng chuẩn vì các trường đại học tại TPHCM như ĐH Sài Gòn, ĐH Sư phạm TPHCM chưa mở các khóa học nâng chuẩn. Giáo viên ở nhiều môn muốn nâng chuẩn phải ra tận ngoài Vinh học, rất khó khăn và tốn kém...

"ĐH Vinh mà còn "thò" tay lên tận TPHCM để thực hiện công tác này thì các trường đại học tại TPHCM cần phải suy nghĩ để có hướng hỗ trợ giáo viên học tập nâng chuẩn, tạo thuận lợi cho thầy cô và đáp ứng kịp thời yêu cầu, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, SGK mới", ông Thanh đề xuất. 

Cô Hoàng Thị Thu - Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp) cho biết, thiếu giáo viên mà không tuyển dụng được đang là vấn đề nóng bỏng. Hiện nhà trường vẫn thiếu 6 giáo viên ở các bộ môn ngữ văn, lịch sử, toán, nhạc, thể dục, sinh học.

"Vấn đề này quá dễ hiểu. Đó là do các chế độ chính sách, thu nhập chưa thực sự hấp dẫn giáo viên. Giáo viên học 4 năm, ra trường hưởng mức lương 2,34 tương ứng với hơn 2 triệu đồng/tháng. Với cuộc sống tại TPHCM thì mức lương như vậy giáo viên không thể sống nổi, chưa kể nhiều giáo viên còn phải thuê nhà. Tại TPHCM dù còn có hỗ trợ từ Nghị quyết 03 của HĐND song giáo viên vẫn còn quá nhiều vất vả, cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa", cô Hoàng Thị Thu tâm tư.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI