Giám thị trường học: Cứ như… “làm chui”!

12/09/2013 - 07:48

PNO - PN - Đội ngũ giám thị rất cần thiết trong các trường học nhưng không có chức danh cụ thể và chế độ rõ ràng nên việc tuyển dụng gặp khó khăn.

edf40wrjww2tblPage:Content

THẠC SĨ TOÁN LÀM… GIÁM THỊ!

Thầy Nguyễn Tiến Tuần và thầy Nguyễn Minh Tú được Sở GD-ĐT TP.HCM tuyển dụng và phân công về Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú) vào đầu năm học 2011- 2012. Trong giấy giới thiệu ghi hai thầy là giáo viên (GV) môn toán làm công tác giám thị (GT) được tuyển dụng viên chức ngạch GV trung học. Một tháng sau, Sở GD-ĐT ra quyết định tuyển dụng viên chức đối với hai thầy, trong đó ghi hai thầy là “GV môn toán, được xếp vào nhóm viên chức loại A1, ngạch GV trung học”. Sau một năm thử việc, Sở ra quyết định bổ nhiệm ngạch viên chức cũng ghi hai thầy là “GV môn toán, nhóm ngạch viên chức A1, ngạch GV trung học”.

Tính đến nay, thầy Tuần và thầy Tú đã có hai năm làm GT tại Trường THPT Tân Bình, đồng thời được nhà trường phân dạy một lớp. Cũng trong thời gian đó, hai GV này đã thi tuyển, đậu và theo học lớp thạc sĩ toán. Nghịch lý là, khi trình độ chuyên môn của họ được nâng lên thì công việc lại càng xa rời chuyên môn. Cụ thể là vào đầu năm học 2013- 2014 này, nhà trường đã cắt giờ dạy của hai thầy, khiến họ rất bức xúc.

Không chỉ có thầy Tuần và thầy Tú, tại Trường THPT Tân Bình hiện còn năm thầy cô giáo khác cũng có chung hoàn cảnh, phải làm GT hoặc GV tư vấn từ một - hai năm nay. Thực tế GV bị phân công làm GT đang phổ biến ở nhiều trường học. Đặc biệt là trong những năm gần đây, khi nhiều giáo sinh không trúng tuyển GV đã được Sở GD-ĐT giải quyết cho làm GT.

Về việc cắt lớp của thầy Tuần, thầy Tú, thầy Nguyễn Phạm Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình cho biết: trong thời gian tập sự, trường phân công họ đứng lớp là để có cơ sở đánh giá để tuyển dụng chính thức. Năm nay không phân công là để các thầy chuyên tâm vào công việc GT, đồng thời để cho những GV khác có đủ tiết dạy theo quy định. Việc phải bổ nhiệm hai thầy này ngạch GV là vì hiện nay chưa có chức danh GT trong biên chế.

Giam thi truong hoc: Cu nhu… “lam chui”!

Công việc hàng ngày của giám thị rất cần đến nghiệp vụ sư phạm để xử lý các tình huống - Ảnh: P.Huy

CẦN NHƯNG KHÓ TUYỂN

Trước yêu cầu thực tế, tại TP.HCM, đội ngũ GT trong các trường học đã xuất hiện từ trước năm 1990. Đầu năm học 1991- 1992, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có Quy định tạm thời về nhiệm vụ, quyền hạn của công tác GT trong nhà trường phổ thông. Đến 22/8/2008, UBND TP.HCM lại có văn bản 5344/UBND-VX chấp thuận đề nghị của Liên Sở GD-ĐT và Nội vụ về định biên ở mức sáu lớp học/một GT. Nhưng, cho đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa xác định chức danh GT trong khung biên chế trường học, chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác GT cũng không rõ ràng, việc tuyển dụng người vào làm công tác này vì thế gặp nhiều khó khăn.

Trường THCS Bạch Đằng (Q.3) hiện có ba GT, nhưng hai trong số đó là tổng phụ trách Đội và GV môn giáo dục công dân kiêm nhiệm, người còn lại hưởng lương ngạch cán sự ở mức thấp. Cô Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng - cho biết, theo quy định sáu lớp/một GT thì hiện trường còn thiếu nhiều, nhưng không tuyển được. Tại sao? Cô Huệ giải thích: Theo quy định, GT phải được đào tạo trong các trường sư phạm, nghĩa là phải có nghiệp vụ sư phạm. Nhưng, các trường sư phạm hiện chỉ đào tạo GV. Khi đã được đào tạo làm GV thì không ai muốn làm GT. Đã vậy, về giờ giấc, GT phải làm việc suốt tuần, sáng đến trường trước HS, chiều rời khỏi trường sau HS, lại không được hưởng các chính sách phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên như GV, nên vị trí này không hấp dẫn cũng dễ hiểu.

“Những người chấp nhận làm GT hầu hết là những thầy cô giáo từng có thời gian bỏ nghề muốn quay trở lại. Cả bảy GT đang làm việc tại Trường THPT Hàn Thuyên (Q.Phú Nhuận) đều từng là GV các cấp. Các thầy cô này ký hợp đồng làm GT cho trường, hưởng lương khoán (khoảng bốn triệu đồng/tháng)” - thầy Lê Minh Đức - Hiệu trưởng Trường THPT Hàn Thuyên, cho biết.

Thầy Nguyễn Phạm Đại than thở: “Khi tuyển GV về làm GT chúng tôi biết sẽ gặp khó khăn, vì đã là GV thì họ luôn có xu hướng muốn đứng lớp và làm việc không toàn tâm toàn ý. Tôi cũng hiểu, về tâm lý, cả sáu GT của trường đều đang nhấp nhổm muốn được đứng lớp. Nếu trở thành GV họ sẽ được hưởng thêm 30% phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên và có thể dạy thêm được. Nhưng, trường lại đang thừa GV”.

Cô Phạm Thị Huệ đề nghị: “Bộ GD-ĐT cần có quy định về chức danh, để những thầy cô giáo làm công tác GT cảm thấy những đóng góp của họ được xã hội ghi nhận”. Còn thầy Lê Minh Đức kiến nghị: “Bộ GD-ĐT cần có cơ cấu biên chế chức danh GT cho trường học. Vì không có chức danh biên chế, nên đội ngũ GT hiện vẫn không chính danh, cứ như làm chui”.

 Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI