Giấc mơ chỗ ở của người thu nhập thấp vẫn chập chờn

18/09/2019 - 09:51

PNO - TP.HCM hiện có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chưa có nhà ở; 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội...

Ngày 17/9, hội thảo quốc tế về giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng đà gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TP.HCM giai đoạn 2021-2035 do UBND TP.HCM tổ chức đã thu hút sự quan tâm của khá đông chuyên gia trong và ngoài nước. Điều mà nhiều người muốn nghe là các giải pháp giải quyết chỗ ở cho đối tượng thu nhập thấp, trung bình.

Nạn đầu cơ làm mất cơ hội có nhà của người nghèo 

Ngay bên vệ đường dẫn vào khu phức hợp sang trọng Landmark 81, Q.Bình Thạnh - nơi hội thảo diễn ra - vợ chồng bà Hương bán nước giải khát cho biết, gần 30 năm tần tảo nắng sớm mưa khuya, vẫn phải ở thuê trong căn phòng ọp ẹp ngang 2m, dài chưa đầy 3m. Tối, bà Hương ngủ trên chiếc giường kê cao, chồng bà nằm dưới đất. Một căn hộ giá rẻ là điều họ chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Cơ hội để người có thu nhập thấp tiếp cận với quỹ nhà ở xã hội là rất nhỏ nhoi, thậm chí không có. Trong khi đó, nhiều người thu nhập cao vẫn mua được nhà ở xã hội. 

Giac mo cho o cua nguoi thu nhap thap van chap chon
Tại TP.HCM, người ta thoải mái rao bán nhà ở xã hội - Ảnh: Quốc Ngọc

Trao đổi với chúng tôi bên lề hội thảo, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - nói: “Khi đã chấp nhận nền kinh tế thị trường, chúng ta phải chấp nhận tất cả hình thái của nó, trong đó có nhu cầu thật của xã hội về nhà ở. Chúng ta phải cố gắng tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu thật đó. Nhưng người có nhu cầu thật sự luôn bị các nhà đầu tư, trong đó có một số nhà đầu cơ, cạnh tranh hoặc tranh giành”.

Hiện nay, về phía tư nhân, theo ông Châu, một số doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu ý thức kiểm soát lượng nhà đầu tư thứ cấp vốn luôn chiếm số lượng rất lớn. Có công ty cho biết, không bán cho một khách hàng từ hai căn hộ trở lên. 

“Tất nhiên, nhà đầu tư có thể chuyển cho người A, B, C gì đó đứng tên thay, nhưng điều đó cũng đã hạn chế được sự đầu cơ trong bối cảnh quá nhiều doanh nghiệp chủ trương bán hàng càng nhanh càng tốt bằng mọi giá. Có nơi bán cả sàn hoặc 5-10 căn cho chỉ một người”.

Về phía nhà nước, ông Châu cho rằng, có ba giải pháp chính để kiểm soát đầu cơ, đó là thuế, tín dụng và kiểm soát nguồn cung bằng quy hoạch. 

“Chúng ta đang thảo luận Luật Thuế tài sản, đánh thuế người có nhiều nhà, dự kiến ban hành sau năm 2020. Giải pháp tín dụng là tạo ra các chính sách thích hợp khi cho vay để mua nhà nhằm hạn chế đầu cơ. Ở Trung Quốc, họ điều tiết bằng cách nếu cần tiền mua căn nhà thứ nhất, có thể vay được 70%, nhưng từ căn thứ hai, chỉ được vay 30%. Ta hiện chưa làm được như thế. Bắc Kinh còn có một giải pháp nữa là kiểm soát nguồn cung qua quy hoạch” - ông Châu nói.

Giac mo cho o cua nguoi thu nhap thap van chap chon
Ông Bình An, ngoài 90 tuổi, sống trong một căn nhà do hàng xóm hảo tâm cho trú nhờ ở quận 8, TP.HCM - Ảnh: Hồng Hạnh

Tại hội thảo, tiến sĩ David Koh - Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng Việt Nam - cho biết, tại Singapore, có đến 90% quyền sở hữu nhà là nhà ở xã hội. Chính phủ hào phóng hỗ trợ cho chủ sở hữu căn hộ đầu tiên và đánh thuế khi tặng cho, bán lại. 

Các căn hộ xã hội vừa phản ánh điều kiện thị trường, vừa ổn định thị trường bất động sản vì luôn có sự thay thế rẻ hơn. Với những quy định nghiêm ngặt về quyền sở hữu chú trọng công bằng xã hội, rất khó để đầu cơ bất động sản ở đất nước này.

Phát triển nhà đi đôi phát triển cộng đồng

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - xác định, vấn đề nhà ở là cấp bách, bức xúc và thu hút sự quan tâm của mọi người dân. Đặc biệt, với tình trạng nhập cư đông, cứ 5 năm tăng 1 triệu người, việc giải quyết bài toán nhà ở không hề đơn giản.

Để giải quyết bài toán này hiệu quả, không thể dừng lại ở tầm nhìn hoặc cách nhìn phiến diện, riêng lẻ mà phát triển nhà ở phải gắn liền với phát triển kinh tế, hạ tầng và gắn với phát triển vùng. 

“TP.HCM không chỉ lo cho mình mà còn phải hỗ trợ các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TP.HCM rất chú trọng phát triển nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, trung bình” - ông Hoan cho hay.

Theo giáo sư Yap Kioe Sheng (Viện Công nghệ châu Á), thu nhập thấp là đối tượng thường không có thu nhập ổn định, ngôi nhà của họ không chỉ để ở mà còn tạo ra thu nhập (vừa ở, vừa làm cửa hàng, cho thuê phòng chẳng hạn). Đồng thời, họ chọn vị trí có thể đi bộ đến những nơi thiết yếu, vì không thể trang trải chi phí đi lại. 

“Dù chất lượng thấp, cơ sở hạ tầng không ổn định, quyền sử dụng đất bấp bênh, nhà ở tạm bợ, nó vẫn phù hợp với nhu cầu của người dân có thu nhập thấp hơn là nhà ở chính thức. Bất chấp luật pháp, quy định và tiêu chuẩn, các hộ gia đình vẫn sử dụng nhà tạm bợ theo ý muốn, thích ứng với nhu cầu thay đổi của mình” - ông Yap Kioe Sheng nói. 

Những phân tích mang tính phát triển cộng đồng của giáo sư Sheng là những vấn đề chưa mấy được chú trọng tại Việt Nam liên quan đến kế hoạch phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Lê Hoàng Châu, hiện có một điểm tích cực là, chương trình nhà ở của TP.HCM vừa được điều chỉnh lại, với chủ trương đưa ra mô hình ưu tiên số một là tái định cư tại chỗ, thứ hai là ở địa điểm khác nhưng phải cùng quận huyện, và nếu không được nữa thì phải quận huyện liền kề. 

“Người dân đang ở quận 1 mà đưa ra huyện Bình Chánh tái định cư là không phù hợp. Sắp tới, quận 3 phá 12 chung cư cũ, xây lại hai cụm mới tại đường Nguyễn Thiện Thuật và Lê Văn Sỹ. Có 3 nơi được tái định cư tại chỗ, còn 9 điểm khác dời về chỗ mới nhưng vẫn ở quận 3” - ông Châu thông tin. 

143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội

TP.HCM hiện có 8.993.082 người thường trú (kể cả người có đăng ký tạm trú trên 6 tháng). So với năm 2009 (có 7.162.864 người), dân số TP.HCM đã tăng 1.830.218 người, trung bình tăng 183.000 người/năm trong 10 năm gần đây. Hằng năm, TP.HCM có thêm khoảng 60.000 trẻ sơ sinh và khoảng 50.000 cặp kết hôn mới.

Theo khảo sát của Sở Xây dựng, TP.HCM có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm 23,46% tổng số hộ). Trong đó, có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chưa có nhà ở; 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội; khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch; khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư.

Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong các đối tượng khảo sát, có 65-94% có nhu cầu thuê mua (mua trả góp dài hạn) nhà ở xã hội.

Người có thu nhập thấp chiếm khoảng hơn 50% dân số TP.HCM, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, lao động, người nhập cư. Trong đó, có 274.622 công nhân, lao động đang làm việc tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất. Số lượng công nhân ngoại tỉnh là 189.489 người, chiếm 69% tổng số lao động. 

Số lượng công nhân làm việc trong các doanh nghiệp có vốn nước ngoài là 194.757 người, chiếm tỷ lệ 71%. Hằng năm, TP.HCM có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới, có hơn 500.000 sinh viên đại học, cao đẳng. 

Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ, nhất là loại căn hộ 1-2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn và được trả góp tối thiểu 15 năm.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI