Giá mà tiết học nào thầy cô cũng dạy như thi giáo viên giỏi

17/02/2020 - 07:55

PNO - Tiết học đạo đức, tự nhiên và xã hội, khoa học, lịch sử và địa lý… nào thầy cô cũng dạy như thi giáo viên giỏi thì học sinh sẽ có rất nhiều kiến thức. Chưa kể “học thi” với máy chiếu, giáo cụ trực quan, học sinh hào hứng vô cùng.

Đỗ An là học sinh lớp Một trên địa bàn TP.Hà Nội. Vừa rồi, cháu là một trong 20 bạn được “nhặt” ra từ các lớp khác nhau, để làm học sinh trong tiết thi giáo viên giỏi. Cô giáo đi thi đến từ trường khác, nên cô và trò phải có mấy buổi để làm quen nhau. 

Chia bánh kẹo để học sinh hợp tác

Trẻ con hồn nhiên và thật thà, An nói: “Mấy hôm đó, cô chỉ dạy cháu một bài thôi”. Hỏi: “Cháu có thích không?”. An trả lời: “Cháu thích, vì buổi nào cũng được cô cho bánh kẹo”.

Hỏi tiếp: “Buổi cô giáo thi, cháu thấy khác những ngày học bình thường như thế nào?”. Đôi mắt cô bé sáng lên, giọng nói phấn chấn đầy thích thú: “Cô mang con ốc, mang đôi guốc đến lớp. Vì hôm đó, cháu học vần “ốc”, vần “uốc”. Còn rất nhiều hình ảnh trên tường (cháu chưa biết máy chiếu và cũng chưa mô tả được hoạt động của máy chiếu - PV) nữa. Chỉ hôm đó có thôi, những hôm đi học bình thường thì không có”. 

Một buổi thi giáo viên giỏi (Ảnh minh họa)
Một buổi thi giáo viên giỏi (Ảnh minh họa)

Cô giáo của Minh Nhật (lớp Bốn) thì có lợi thế thi giáo viên giỏi tại “trường nhà”. Thay vì buổi chiều học phụ đạo như mọi ngày, Minh Nhật và các bạn học môn thể dục, trong suốt một tuần, do cô giáo thi giáo viên giỏi môn thể dục.

Thấy con trai đi dép, chị Hà - mẹ cháu nhắc: “Cô dặn con đi giày thì con nên hợp tác với cô”. Nhật đáp: “Từ đầu năm cô dạy, con vẫn đi dép mà. Ngày chính cô thi, con đi giày là được”. Tôi hỏi: “Cả tuần chỉ học thể dục, cháu có thấy chán không?”. Nhật chỉ cười, không trả lời.

Chị Hà nói ngay: “Cháu hợp tác giúp cô. Cô cho mấy cái kẹo, mấy cái bánh gạo là vui ngay”. Chị Hà là viên chức giáo dục của TP.Hà Nội nên không xa lạ gì với những cuộc thi trong ngành. Chị cười: “Cô giáo cháu thi “trường nhà”, cháu lại là học sinh của cô nên cô chỉ cần “nịnh” các cháu buổi chính thôi. Còn các cô trường khác đến thi, hôm nào cũng phải có bánh kẹo “nịnh” thì học sinh mới dễ bảo”.

Chị Hà tiết lộ: “Thi giáo viên giỏi cấp huyện, có trường còn mang cả học sinh về nhà luyện. Các trường đến trường A dự thi, thường sẽ có một buổi tiếp xúc với học sinh từ hôm trước. Mỗi cô được phân công dạy một nhóm 20 học sinh. Có cô dạy học ở trường khác, nhưng sống trên địa bàn xã có trường A đóng, nên cô nhờ phụ huynh chở các bạn trong nhóm đó đến nhà để rèn thêm”.

Thước đo năng lực giáo viên là sự tiến bộ của học sinh

Chứng kiến những tiết học thường và những tiết thi giáo viên giỏi các môn phụ ở bậc tiểu học, chị Hà bảo, toán hay tiếng Việt còn đỡ, chứ các môn phụ còn khác xa nhau.

“Giá mà tiết học đạo đức, tự nhiên và xã hội, khoa học, lịch sử và địa lý… nào thầy cô cũng dạy như thi giáo viên giỏi thì các em sẽ có rất nhiều kiến thức. Chưa kể, “học thi” với máy chiếu, giáo cụ trực quan, học sinh hào hứng vô cùng”, chị thốt lên.

Khi tôi chia sẻ, rằng mình thực sự không hiểu vì sao cùng con người đó, cùng cơ sở vật chất đó, mà dạy lúc thi và dạy ngày thường lại có thể khác nhau một trời một vực như vậy. Rõ ràng, giáo viên không muốn làm tốt chứ không phải là không có khả năng làm tốt.

Chị Hà cười như mếu: “Tôi đã từng thắc mắc với các cô và được nhận lại câu hỏi khác: chị có biết chúng tôi chuẩn bị một tiết dạy đó vất vả như thế nào không?”.

Cô giáo H.A. không giấu giếm việc các tiết dạy thử không chỉ một lần, không chỉ mình giáo viên đi thi dạy thử, mà còn có hiệu trưởng, hiệu phó, các tổ trưởng chuyên môn, các giáo viên dạy giỏi… đều được huy động hỗ trợ người đi thi. “Đội quân” ấy sẽ dự giờ, góp ý để người thi xây dựng được một giáo án tốt nhất. Và giáo viên đi thi phải dạy đi dạy lại đến khi đại đa số người dự đồng ý. 

Tôi nhớ một phó giáo sư của Trường đại học Sư phạm Hà Nội từng đề xuất, nếu ngành giáo dục vẫn muốn làm, muốn giữ danh hiệu giáo viên giỏi thì phải có cách làm khác, đảm bảo khách quan. Bởi thước đo năng lực giáo viên là sự tiến bộ, phát triển của học sinh sau một thời gian nhất định. Sự tiến bộ, phát triển của học sinh càng lớn, thì càng chứng tỏ giáo viên đó giỏi. Ngành giáo dục vinh danh giáo viên không chỉ vì giáo viên, mà chủ yếu là vì học sinh, bởi học sinh là người được “thụ hưởng” trực tiếp năng lực của các thầy cô giáo. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI