Gác cổng hôn nhân

22/05/2025 - 06:00

PNO - Có khi nào chị tự hỏi đã thật sự yêu thương chồng, biết anh cần gì, hay chị chỉ tin vào bản thân, cho cái tôi được thỏa mãn, cho cảm xúc được đủ đầy?

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chị họ tôi gả con gái. Quỳnh - con gái chị - tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định. Nhà trai cũng môn đăng hộ đối. Cuộc hôn nhân được coi là vừa đẹp. Trước ngày Quỳnh về nhà chồng, chị căn dặn con rằng muốn hôn nhân bền lâu phải lo giữ chồng, đừng để chồng nhậu nhẹt bê tha, đừng để chồng đi sớm về muộn. Điện thoại, tiền nong của chồng phải quản chặt. Những mối quan hệ bạn bè khác phái của chồng cũng phải quản…

Quỳnh hồn nhiên: “Mẹ nói giống như con phải là người gác cổng hôn nhân, đề phòng người ta giật mất chồng. Thời nay, giữ chồng kiểu đó ảnh bỏ con sớm”. Chị gắt: “Con không nghe lời mẹ, sau này sẽ hối hận. Con có nhớ cha con đã bỏ mẹ con mình ra sao không?”.

Chị nhắc Quỳnh những ngày chị đầu tắt mặt tối lo bán buôn. Chị nghĩ cách giữ hôn nhân hạnh phúc là kiếm thật nhiều tiền. Thỉnh thoảng, chị mang về hàng cọc tiền để khoe với chồng rằng chị giỏi giang, có thể gánh vác gia đình. Chị nghĩ tiền có thể thay thế chị trong nhiều vai trò khác. Bé Quỳnh lúc nhỏ có người giúp việc chăm sóc, lớn lên có xe ôm đưa đón đi học.

Chồng chị như người đi lạc trong ngôi nhà vắng nữ chủ nhân. Anh thường xuyên cơm hàng cháo chợ, bệnh thì nhờ đồng nghiệp mua thuốc giùm. Cơ quan anh tổ chức cho gia đình nhân viên cùng đi du lịch, chị bận kiếm tiền nên từ chối đi cùng. Chị nói đợi vài năm nữa kiếm đủ tiền chị sẽ ở nhà, lúc đó vợ chồng tha hồ sớm tối có nhau. Nhưng “vài năm” là khi nào, chị không biết.

Anh không đợi được, anh lạc lòng với người phụ nữ khác. Lúc tới tận nơi bắt ghen, chị chưng hửng vì người phụ nữ kia nhan sắc bình thường, cũng không giàu. Chị nói với Quỳnh: “Đợi tới lúc cha con thiếu thốn sẽ quay về tìm mẹ”. Chồng chị sau đó quay về nhưng chỉ để thăm Quỳnh, anh không có ý định hàn gắn với chị.

Tôi gặp chị sau 2 năm ly hôn. Kể với tôi về cuộc hôn nhân thất bại, chị nhận hết lỗi về mình. Tôi mừng vì chị đã tỉnh ngộ, biết mình sai ở đâu. Người biết sai sẽ sáng suốt ra nhiều điều, sẽ nhẹ nhõm hơn vì biết tha thứ cho mình và cho người khác.

Nhưng liền sau đó, chị khiến tôi chưng hửng. Chị nói hôn nhân tan vỡ là do chị không biết giữ chồng, để anh tự do như cánh chim trời. Cánh chim đó bay là bay luôn. Lẽ ra chị phải giữ anh bên cạnh, không để anh đi làm. Chị mua bán thì anh phải phụ khuân vác, giao hàng. Tiền nong của anh lẽ ra chị phải quản chặt vì đàn bà giật chồng người khác chỉ nhìn vào túi tiền… Theo chị, đàn bà phải là người gác cổng hôn nhân, chịu trách nhiệm cho những mất mát, thiếu sót và cả sai lầm…

Tôi thấy thương chị, lẽ nào vết thương lòng năm xưa khiến chị đi vào ngõ cụt, bi quan khi ngoái nhìn quá khứ? Chị không nhận thức được rằng bước vào hôn nhân không phải bước vào nhà tù mà cần người canh gác. Hôn nhân là cả hai cùng tự nguyện, cùng yêu thương, tôn trọng và chia sẻ. Sao có thể giữ chân đàn ông bằng cách giữ chặt họ sau cánh cổng? Có khi nào chị tự hỏi đã thật sự yêu thương chồng, biết anh cần gì hay chị chỉ tin vào bản thân, cho cái tôi được thỏa mãn, cho cảm xúc được đủ đầy?

Các nhà tâm lý học vẫn thường nói những tổn thương tâm lý không được chữa lành ở người mẹ sẽ ảnh hưởng đến cách nuôi dạy con. Từ khi Quỳnh còn nhỏ, chị vẫn dạy con rằng cha là người có lỗi, cha không yêu thương Quỳnh. Giờ Quỳnh lấy chồng, chị truyền cho con bài học giữ chồng dựa theo những tổn thương chị từng nếm trải.

Thay vì dạy con giữ lửa hôn nhân, chăm chút cho tình yêu thăng hoa, chị lại khiến con gái lo lắng, sợ hãi người đàn ông bên cạnh sẽ phản bội, rời đi bất cứ lúc nào. Cuộc sống bất an như thế còn gì là vui?

Bước vào hôn nhân, hãy tự hỏi mình thật sự muốn nhận được yêu thương như thế nào, người bên cạnh hẳn cũng mong muốn điều tương tự. Hãy chăm sóc hôn nhân như chăm một cái cây: hằng ngày tưới tắm, yêu thương thì cây sẽ đơm hoa và kết thành trái ngọt.

Thùy Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI