Đứt dây tơ chùng và thông điệp về giữ gìn nghệ thuật dân tộc

10/12/2024 - 07:17

PNO - Trong các vở diễn tại sân khấu kịch Hồng Vân, Đứt dây tơ chùng (kịch bản: Lê Hoàng Long, đạo diễn: Hoàng Hải) mang màu sắc rất riêng, là tác phẩm thể hiện nỗ lực giữ định hướng dòng kịch văn học cho kịch Hồng Vân giữa dòng xoáy thị trường.

Với thành tích lẫy lừng trong các kỳ hội diễn trước đây của sân khấu kịch Hồng Vân, có vẻ chiếc Huy chương Bạc của Đứt dây tơ chùng tại Liên hoan sân khấu TPHCM lần thứ nhất vừa qua khá khiêm tốn. Thế nhưng, với Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân, đây là dấu ấn khó quên của một ê kíp đặc biệt: 1 tác giả mới, 1 đạo diễn trẻ và dàn diễn viên không phải ngôi sao nhưng đầy nhiệt huyết.

Sự hiện diện của Đứt dây tơ chùng tại liên hoan càng có ý nghĩa khi đây là kịch bản đầu tiên được dàn dựng tại sân khấu của Lê Hoàng Long - con trai nhà viết kịch Lê Duy Hạnh. Không chỉ là một tác giả lớn của nền sân khấu nước nhà, trong nhiều năm lãnh đạo Hội Sân khấu TPHCM, ông Lê Duy Hạnh đã để lại di sản quan trọng là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của sân khấu xã hội hóa TPHCM mà liên hoan lần này là một thành quả. “Điều tôi nuối tiếc nhất là không kịp làm để anh Hạnh xem được Đứt dây tơ chùng trước khi ra đi” - Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân chia sẻ.

Đứt dây tơ chùng tái hiện sinh hoạt trong một gánh hát cải lương vào những năm 1990
Đứt dây tơ chùng tái hiện sinh hoạt trong một gánh hát cải lương vào những năm 1990

Lê Hoàng Long hiện là tiến sĩ, giảng dạy đại học ở Mỹ. Anh tập tành viết kịch bản để thỏa niềm đam mê nghệ thuật vẫn luôn cuộn chảy trong mình. Lê Hoàng Long viết Đứt dây tơ chùng với đầy ắp nỗi niềm về những thăng trầm của sân khấu cải lương mà anh từng chứng kiến khi theo chân cha đến các đoàn hát.

Đứt dây tơ chùng kể câu chuyện xoay quanh gánh hát Giang Phụng nổi tiếng miền Tây vào những năm 1990. Giai đoạn cải lương thoái trào, gánh hát gặp khó khăn, cùng những bi kịch chồng chéo từ sai lầm cá nhân đã tạo nên biến cố bất ngờ cho đoàn hát. 18 năm sau, gánh Giang Phụng không còn, nhưng những đứa trẻ từng được sinh ra trong đoàn hát, dù lớn lên khi cải lương đã là dư âm xa xôi, vẫn cảm thấy sự kết nối mãnh liệt, mong muốn tìm về mạch nguồn văn hóa mà cha mẹ mình từng dấn thân, cống hiến.

Đứt dây tơ chùng còn đi xa hơn việc thể hiện tấm lòng của người trẻ đối với nghệ thuật cải lương khi gửi gắm thông điệp: văn hóa dân tộc là nền tảng nâng bước người làm nghệ thuật. “Trong kịch bản gốc, tác giả Lê Hoàng Long chỉ đề cập riêng việc chấn hưng sân khấu cải lương. Tôi và đạo diễn Hoàng Hải nhận thấy nên mở rộng thông điệp để vở gần gũi hơn. Chúng ta giữ gìn nghệ thuật truyền thống nhưng cũng ghi nhận những người trẻ theo đuổi các loại hình nghệ thuật hiện đại mà vẫn kết nối sâu sắc và phát huy chất liệu văn hóa dân tộc. Từ việc cập nhật, tiếp thu cái mới, họ sẽ quay lại làm mới, giữ gìn tinh hoa nghệ thuật của cha ông. Qua trao đổi, ý tưởng này được tác giả Lê Hoàng Long ủng hộ để có được phiên bản Đứt dây tơ chùng trên sân khấu hôm nay” - Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân cho biết.

Sau liên hoan, Đứt dây tơ chùng trở lại sân khấu kịch Hồng Vân vào mỗi cuối tuần với những điều chỉnh, bổ sung nhằm tăng sức hấp dẫn với khán giả đại chúng, nhất là các bạn trẻ. Hơn ai hết, người làm sân khấu luôn trân trọng nghệ thuật dân tộc mà Đứt dây tơ chùng đã nói lên tiếng lòng đó của họ.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI