Du lịch đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ... Hội An: Nếu khác biệt, sẽ thắng!

08/01/2019 - 06:00

PNO - Hãy thử vận động doanh nghiệp mở tour du lịch ngủ một đêm trên sông Tiền, sông Hậu, ăn sản phẩm, thả hoa đăng, nghe cải lương, thả lưới trên sông, mở chợ quê trên sông, không phải rúc vô nhà hàng, khách sạn...

Năm 2018, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam - được Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp mời về nói chuyện làm du lịch với lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp và nông dân. Ông chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM:

- Nói rõ là mình trao đổi, nói cái được và chưa được ở Hội An khi làm du lịch để anh em, bà con trong đó biết, đối chiếu với địa phương mình, nhìn nhận cái mạnh và yếu, được và chưa được mà tìm hướng đi tốt hơn. Nói thiệt, mình không có điều kiện tiếp cận nhiều, nhưng từ Đồng Tháp, mình có cái nhìn rộng ra.

Du lich dong bang song Cuu Long nhin tu... Hoi An: Neu khac biet, se thang!
 

* Phóng viên: Ông căn cứ vào đâu?

Ông Nguyễn Sự: Điều kiện tự nhiên các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là như nhau, từ một điểm sẽ cho thấy cái nhìn toàn diện. Với Đồng Tháp, điều tôi vô cùng ấn tượng là người dân rất chân chất, mà đây là đặc điểm vô cùng quý báu; nhiều thôn, ấp có các vườn cây trái hiếm nơi nào có được; rồi có cả sông Tiền và sông Hậu. Đó là những lợi thế đặc sắc.

Đồng Tháp muốn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng tôi đi rồi thấy, sản phẩm du lịch ở đó cũng như miền Tây, na ná nhau. Tôi xuống chợ nổi Cái Răng, thấy sản phẩm ở Cần Thơ cũng như Đồng Tháp. Du lịch là khám phá, thử hỏi, tới Cần Thơ mà biết vậy thì đi tiếp các tỉnh khác làm chi?

* Ý ông muốn nói đến sự khác biệt?

- Đúng, vẫn con người, nguyên liệu, điều kiện tự nhiên đó, nhưng phải làm khác đi. Điều khiến tôi tin Đồng Tháp sẽ làm được là lãnh đạo tỉnh rất cầu thị. Họ cử đoàn ra Hội An tìm hiểu du lịch trải nghiệm. Họ muốn làm thật, có khát vọng thật chứ không phải nói chơi. Tôi ví dụ, sau lưng nhà tôi là vườn rau của ông Mèo ở thôn Thanh Đông, xã Cẩm Châu. Ông này làm vườn giỏi.

Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp - ra gặp, nghe ông Mèo nói, sau đó ổng nói với tôi là “sắp tới, tôi mời anh vô Đồng Tháp, nhờ anh kéo cho được ông Mèo đi cùng vô nói chuyện cho bà con Đồng Tháp nghe cách làm rau sạch”. Xin lưu ý, ông Mèo mới học lớp Ba thôi nghe. Lãnh đạo cao nhất mà đi học ông nông dân lớp Ba, thì có cơ sở để mình tin rằng họ sẽ làm cho quê họ phát triển bền vững. Mấy ông Đồng Tháp ra Hội An là học chứ không phải bắt chước. 

Du lich dong bang song Cuu Long nhin tu... Hoi An: Neu khac biet, se thang!

Ăn sáng ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)

Với tôi, Đồng Tháp đang sở hữu điểm du lịch khá độc đáo mà các tỉnh miền Tây chưa có, đó là những hội quán nông dân, những homestay trong nhà vườn, du khách vào đó tha hồ trải nghiệm trái cây sạch. Sự khác biệt thể hiện qua những tour giới thiệu cây cam nhà tôi, cây xoài nhà tôi… Nguyên liệu như nhau, nhưng đó là khác biệt.

* Nhưng những thứ ông kể đâu phải là số nhiều ở ĐBSCL?

- Phần lớn là nhỏ bé, manh mún, họ cựa quậy muốn thoát ra, nhưng vẫn bị quấn trong bùng nhùng; muốn làm giàu nhưng thiếu căn cơ, lâu dài, bởi tư duy trên kênh dưới cá có chi ăn nấy đã in đậm trong nếp nghĩ của người ĐBSCL. Thêm nữa, giao thông còn kém, hạ tầng du lịch hầu như không có gì. Tất cả khiến họ bí thế.

* Ông mang kinh nghiệm gì ở Hội An vào Đồng Tháp?

- Hãy đi từ cái của mình có, giải quyết cho được lợi ích cộng đồng, đặc biệt là phải dựa vào điều kiện tự nhiên, phải làm ra tiền từ đó. Tự nhiên ở ĐBSCL tự thân nó  là một sản phẩm du lịch rồi. Anh làm cho người ta đến có cảm xúc lạ, là anh thắng.

Tôi vô làng làm mây bồ (chuyên làm bồ đựng lúa từ mây, tre) ở TP.Cao Lãnh, có truyền thống lâu đời, giờ bồ đựng lúa không còn, họ chuyển qua làm sạp cho các ghe lớn, nhưng chỉ còn mấy chục hộ. Họ cũng làm lồng đèn, nhưng mẫu mã thô. Tại sao không thay đổi sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đưa lồng đèn vào nhà hàng, khách sạn, làm đồ lưu niệm? Anh làm tinh xảo hơn, đa dạng mẫu mã hơn, sẽ làm sống lại làng nghề liền.

Du lich dong bang song Cuu Long nhin tu... Hoi An: Neu khac biet, se thang!

Du khách xem làm hủ tíu ở Cần Thơ

Dân miền Tây lạ lắm, làm nghề tre, mây, mà nhà thì vách và mái đều làm bằng tôn! Tại sao anh không lợp mái lá, làm vách tre cho đẹp, biến ngôi nhà thành một sản phẩm du lịch? Lúc đó, chắc chắn khách không thể bỏ qua. Giới thiệu sản phẩm, đi từng bước nhỏ là đây chứ đâu. Tôi hỏi lãnh đạo TP.Cao Lãnh “sao pa-nô giăng khắp nơi, các anh không làm bằng mây bồ, như là cách giới thiệu trực quan luôn, rồi tranh sen khi sen là “át chủ bài” của Đồng Tháp?”.

* Nói thì dễ, nhưng làm đâu có dễ, mà cái khó nhất là tư duy đứng yên…

- Tất nhiên, khó! Ví dụ tôi vào một nhà vườn, họ làm thiệt, rau trái sạch, nhưng họ than phiền là nhà bên nó phun thuốc trừ sâu, ảnh hưởng ghê luôn. Rồi một ông ở Tân Thuận Đông, khách vào nhà vườn đông, mình khuyên làm homestay, ổng lắc đầu “chừng đó đủ rồi, làm nhiều thêm mệt”…

* Lúc này, Nhà nước phải nhảy vào?

- Đương nhiên. Tôi nhớ ở Hội An, một homestay nằm cạnh chuồng heo nhà bên, mùi hôi làm khách không chịu nổi. Kêu họ dẹp, đâu có được. Chính quyền vận động chủ homestay là ông chia sẻ lợi ích đi, để người ta thay vì nuôi heo, họ sẽ nhận giặt ủi, cho thuê xe đạp, thuận cả đôi đường. Thế là xong.

Làm du lịch cộng đồng, một mình anh không được đâu, cả làng cả xóm làm mới thắng. Cho nên tôi nói với mấy ông lãnh đạo ở Cao Lãnh rằng, vận động cán bộ công chức vào vườn trái cây sạch của ông kia chơi, mua, ăn, tuyệt đối không qua vườn có thuốc trừ sâu, trước sau gì ông kia cũng từ bỏ thuốc trừ sâu cho mà coi.

Rồi du lịch sông nước. Hãy thử vận động doanh nghiệp mở tour du lịch ngủ một đêm trên sông Tiền, sông Hậu, ăn sản phẩm, thả hoa đăng, nghe cải lương, thả lưới trên sông, mở chợ quê trên sông, không phải rúc vô nhà hàng, khách sạn, coi thử người ta có đến không? Không làm thì sao biết họ không đến. Đi du lịch khác đi chơi, là phải lạ. Tiềm năng ĐBSCL chưa phải hết. Tôi tin họ sẽ giàu, nếu biết đầu tư làm du lịch khác biệt.

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI