Du lịch bằng voucher: Rước khổ vào thân!

29/05/2013 - 16:28

PNO - PN - Các tour du lịch giá rẻ trên mẠng ngày càng được nhiều trang web bán hàng theo nhóm quảng cáo với mức giá hấp dẫn. Tuy nhiên, không ít người đi rồi mới vỡ lẽ, voucher du lịch không những không rẻ mà chất lượng còn... trời ơi.

Du lich bang voucher: Ruoc kho vao than!

Mũi Né, Phan Thiết (ảnh minh họa: www.cyworld.vn)

Nói một đằng, làm một nẻo!

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân (Q.Tân Bình, TP.HCM) kể lại chuyến du lịch bằng voucher đi Phan Thiết - Mũi Né - Hòn Rơm ba ngày, hai đêm của mình với giá 800.000đ/người. Trước khi mua voucher, chị Ngân đã cẩn trọng đọc kỹ hợp đồng, trong đó ghi rõ ở resort 3 sao, đi xe đời mới… Tuy nhiên, đến nơi chị mới ngỡ ngàng vì "resort 3 sao" chỉ là nhà trọ cũ kỹ, hôi hám không sao ngủ được. Trong khi đó, hướng dẫn viên liên tục dẫn đoàn vào những điểm mua sắm để giết thời gian. Còn anh Quang Khanh (Biên Hòa, Đồng Nai) thì cho biết, anh có dịp ra Hà Nội, nên mua một voucher trên Nhóm Mua với giá giảm một nửa. Khi đến nhận phòng thì mọi thông tin đều sai lệch so với thông tin của voucher. Nhiều người khác cũng cho biết, sau khi đến nơi sử dụng voucher thì mới biết, giá trên voucher là giảm 50%, nhưng lại bằng đúng giá niêm yết của khách sạn.

Theo anh Đào Minh Tuấn (H. Bình Chánh, TP.HCM), thực chất các trang web bán tour theo hình thức mua theo nhóm “ngụy trang” rất khéo, nếu không để ý kỹ, du khách rất dễ bị lừa. Chẳng hạn như trang Hotdeal hiện đang bán tour Nha Trang Festival biển ba ngày ba đêm với giá giảm 50%, còn khoảng 1,4 triệu đồng/khách. Theo quảng cáo, khách sẽ được tham dự Festival biển 2013 với nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, triển lãm, hội chợ, hội thảo đặc sắc… nhưng phải đóng thêm 300.000đ phụ thu/khách. Thời điểm khởi hành tour vào ngày Chủ nhật, thứ Ba, thứ Năm hàng tuần, tuy nhiên ngày thứ Năm cuối tuần khách bị phụ thu 150.000đ. Nếu tính ra còn thiệt so với mua tour bình thường.

Đó là chưa kể tham gia tour này, khách phải ở phòng ba đến bốn người, nếu muốn ở phòng hai người phải đóng thêm tiền. Tính ra, để đạt được chất lượng như tour của nhiều đơn vị khác đang bán, giá cuối cùng cũng chẳng thấp hơn. Điều đáng nói là Festival biển Nha Trang 2013 diễn ra từ ngày 8 - 11/6, nhưng trang web này lại thông báo ở cuối phần điều kiện tour là: “Số lượng tối thiểu cho mỗi đợt là 25 khách người lớn, nếu không đủ số lượng, công ty sẽ dời sang lịch khởi hành kế tiếp. Mong quý khách thông cảm!”.

Hiện, khá nhiều tour giá rẻ quảng cáo thêm nhiều điểm tham quan vào chương trình nhưng thực ra những điểm tham quan này không cần phải mua vé. Một số tour có chương trình dành thời gian mua sắm rất nhiều, nhằm đánh vào tâm lý thích mua sắm của khách, nhất là khách nữ.

Du lich bang voucher: Ruoc kho vao than!

Du khách đến Nha Trang (ảnh minh họa: chaobuoisang.net)

Đủ chiêu giảm giá ảo

Giám đốc của một doanh nghiệp từng hợp tác bán tour trên các trang web mua theo nhóm cho biết, hầu hết các tour của công ty bán lúc đó đều phải tăng giá, sau đó hạ xuống để tạo ra mức giảm giá 40-50%. Theo vị giám đốc này, vào thời điểm đó, với mỗi khách mua tour, anh chỉ lãi khoảng 70.000đ. Nghĩa là một đoàn khách khoảng 40 người, anh kiếm 2,8 triệu đồng. Mức lợi nhuận này còn thua thù lao một hướng dẫn viên khi đi tour. “Vì cần quảng bá thương hiệu, nên thời gian đầu công ty buộc phải xuất hiện trên những trang web này, tuy nhiên sau một thời gian tôi không tham gia nữa. Bởi càng tham gia, công ty càng lỗ vì phần lớn lợi nhuận chảy vào túi những đơn vị quản lý trang web mua theo nhóm”, vị giám đốc giấu tên nói.

Tương tự, cán bộ quản lý của khách sạn K.T. ở Q.3 TP.HCM cho rằng, các trang web mua theo nhóm báo giá giảm 50% so với giá niêm yết của khách sạn nhưng vào những ngày vắng khách. Ngoài ra, phòng xấu nhất sẽ dành cho trang web nào đòi % cao nhất.

Anh này cho biết thêm, lúc trước, những trang web này giúp ích cho nhiều doanh nghiệp lữ hành nhỏ hoặc mới thành lập. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp lữ hành cũng như từ các trang web khiến nhiều sản phẩm không đạt chất lượng. Để có lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã cắt bớt chương trình tour, giảm chất lượng bữa ăn hoặc gài bẫy để thu thêm phí của du khách. Nếu để ý sẽ thấy, hầu hết tour bán trên các trang web mua theo nhóm là của doanh nghiệp nhỏ, chưa có thương hiệu. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Phó Giám đốc Ban truyền thông Công ty Vietravel cũng cho rằng, “Vietravel cũng như nhiều thương hiệu khác không chủ trương hợp tác với những trang web này, bởi đây là một thị trường khá lộn xộn về chất lượng cũng như uy tín. Hầu hết sản phẩm bán trên đó không được các trang web kiểm chứng về chất lượng cũng như không hề cam kết điều gì. Do đó, một số doanh nghiệp chọn thị trường này chủ yếu để quảng báo tên tuổi, sau đó rút lui”.

Ngoài ra, voucher du lịch rất khó sử dụng trong mùa du lịch cao điểm, đặc biệt là không sử dụng được vào các ngày lễ tết, voucher nào sử dụng vào các ngày lễ thì khách phải đóng thêm một khoản phí. Các khách sạn hay resort thường “không ưu ái” khách dùng voucher để đặt phòng. Họ vẫn ưu tiên sắp phòng theo yêu cầu của công ty du lịch trước, sau đó mới đến khách tự đặt và cuối cùng là khách dùng voucher. Do đó, khi đã có voucher, du khách phải liên hệ với đơn vị cung cấp để có thể chắc chắn về hành trình cũng như thời điểm khởi hành. Theo ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, voucher du lịch có thể coi là một trong những hình thức kích cầu du lịch. Tuy nhiên, để thực sự làm hài lòng khách du lịch thì bên cung cấp dịch vụ phải có sự đồng thuận, hợp tác chặt chẽ trên cơ sở đảm bảo phục vụ tốt và tôn trọng khách hàng.

 Ca Hảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI