Dray Nur - Dray Sap: Gần nhà mà xa ngõ!

26/11/2020 - 15:21

PNO - Tây Nguyên nổi tiếng với nhiều thác nước đẹp, trong đó có bộ đôi Dray Nur - Dray Sap. Dân ưa xê dịch thường bảo nhau rằng chưa đi hai thác này coi như chưa đến xứ sở đại ngàn.

 

Thực ra, cũng câu nói ấy, trước đây, dân du lịch hay bảo nhau là chưa đi Dray Nur - Dray Sap xem như chưa đến Đắk Lắk. Về sau, khi Đắk Lắk tách tỉnh, một trong hai thác này về với Đắk Nông, câu nói nọ bỗng trở nên… sai.

Khi vợ chồng kề bên mà cách biệt!

Sêrêpốk, con sông chảy ngược nổi tiếng của Tây Nguyên, khi đến phía dưới buôn Kuốp tách thành hai nhánh. Nhánh trái tạo nên dòng thác Dray Sap ở phía tỉnh Đắk Nông, nhánh phải tạo nên thác Dray Nur thuộc tỉnh Đắk Lắk trước khi nhập lại thành một dòng chảy.

Cá bắt được ở thác Dray Sap
Cá bắt được ở thác Dray Sap

Truyền thuyết kể rằng, ngày xửa ngày xưa, Sêrêpốk là dòng sông hiền hòa, nước chảy êm đềm quanh buôn làng. Có một đôi nam nữ yêu nhau nhưng bị ngăn cách bởi dòng Sêrêpốk, rồi bị ngăn cấm bởi gia đình. Họ đau khổ, cùng nhảy xuống sông tự vẫn để được trọn đời bên nhau. Sau cái chết của họ, bỗng dưng Sêrêpốk bị chia thành hai nhánh riêng biệt. Nhánh sông đực tạo ra thác Dray Sap, nhánh sông cái tạo ra thác Dray Nur. Thế nên Dray Nur được dân gian gọi là thác vợ còn Dray Sap được gọi là thác chồng. 

Trước đây, cả hai thác cùng “chung hộ khẩu” Đắk Lắk. Sau khi tách tỉnh, Dray Sap về xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông; để lại cô vợ Dray Nur ở Đắk Lắk thuộc địa phận xã Dray Sap, huyện Krông Ana. Kề nhau nhưng từ khi cách biệt về địa giới hành chính cũng là lúc “đôi vợ chồng” này bị ngăn cách bởi… tour. Tất cả tour du lịch về Đắk Lắk hay Đắk Nông đều thiết kế hai thác này trong danh sách điểm đến nhưng thường chỉ chọn một. Tour Đắk Lắk sẽ chỉ đưa khách tham quan Dray Nur, dù Dray Sap kề bên. Một hướng dẫn viên du lịch thường dẫn tuyến Đắk Lắk cho biết, để du khách đỡ ngán vì đi thác nhiều mà tranh thủ thời gian tham quan những điểm đến khác của tỉnh, họ chọn Dray Nur như đại diện. Và ngược lại, hành trình đến Đắk Nông luôn có điểm tham quan là Dray Sap.

Thành ra, chúng gần nhau đó mà nếu muốn thăm đầy đủ, du khách phải mua hai lần vé. Đường vì thế mà cũng phải đi vòng khá xa. Nếu trước đây chỉ cần băng qua cây cầu treo nối thông đường hai thác thì nay cây cầu ấy đã được chặn lại để bán vé qua thác còn lại (do đơn vị khác quản lý). Để đi từ thác này sang thác kia, phải quay trở ra Quốc lộ 14, theo đường lớn đi xuống với khoảng cách đến 20km. 

Thác chồng và danh hiệu “đệ nhất thác”

Theo tiếng Ê đê, Dray Sap nghĩa là "thác khói" (dray: thác, sap: khói), là tên gọi dựa theo hình ảnh dòng nước từ trên cao đổ xuống mặt hồ tạo thành một khối lớn bụi nước trắng bay là là như sương khói. Dray Sap là hệ thống gồm ba thác ngoạn mục. Dòng Sêrêpốk từ thượng nguồn đổ xuống tới đây lại chia làm ba tầng. 

Thác chồng Dray Sap từng được xem là  đệ nhất thác
Thác chồng Dray Sap từng được xem là đệ nhất thác

Tôi có dịp đến thác Dray Sap cả mùa khô lẫn mùa mưa. Mùa mưa, ngọn thác trông thật dữ dội. Cả khối nước khổng lồ đổ sầm sập từ trên cao xuống làm vô vàn bọt nước nhỏ li ti bay trắng một vùng. Chưa kể, mặt hồ rộng trước mặt thác còn góp phần tăng thêm sự hùng vĩ của con thác giữa những cội rừng già. Trong khoảnh khắc ấy, trông thác nước như đang ở một vùng sương khói mênh mang. Chi tiết này góp phần giúp tôi lý giải được nguyên do Dray Sap từng được khen tụng là thác đẹp nhất vùng đất đại ngàn.

Mùa mưa về cũng là lúc dòng sông Sêrêpốk dâng nước lên ngập hết các lối đi. Cảm giác lội bì bõm giữa muôn trùng cây xanh, lắm cây cổ thụ rậm rạp, nhiều đoạn chỉ biết nhìn bụi cây để phân biệt đâu là sông đâu là bờ rất kích thích tâm lý những bạn trẻ đam mê mạo hiểm. Mùa khô, ngọn thác dịu dàng mềm mại hơn. 

Thác vợ dữ dội và bí ẩn

Khi qua khỏi cầu treo, đến một vùng đất cao thoáng đãng, như một nhịp nghỉ bình yên của dòng sông Sêrêpốk, bạn sẽ gặp thác vợ Dray Nur. Sẽ nhầm to nếu bạn nghĩ rằng thác vợ sẽ nhỏ bé hiền hòa hơn thác chồng. Dray Nur cao chừng 12m, rộng đến khoảng 140m, tung bụi nước mịn như sương khói và nước cuồn cuộn chảy không hề kém “thác chồng”.

Dray Nur còn gây ấn tượng mạnh bởi nhiều tảng đá lớn, chồng xếp xung quanh thác như được cắt gọt đều đặn. Theo một số tài liệu, các khối đá này có độ tuổi tính bằng triệu năm, được hình thành từ nham thạch núi lửa.

Thác vợ Dray Nur hùng vĩ không kém  thác chồng
Thác vợ Dray Nur hùng vĩ không kém thác chồng

Đặc biệt, phía sau làn nước đổ xuống có một hang động lớn. Từ đó, ta có thể đi vào phía trong của dòng nước đổ xuống từ bên này sang bên kia mà không ướt áo. Lối vào hang thác Dray Nur khuất sau một khối đá rất lớn, với cổ thụ mọc bên trên có những chiếc rễ đeo bám thật ấn tượng. Tuy nhiên, lối đi này đã bị chặn lại vì đơn vị quản lý e ngại nguy hiểm cho du khách. Bạn luôn phải đến đây thật sớm nếu không muốn phải xếp hàng thật lâu mới đến lượt chụp ảnh.

Chút nỗi niềm... thủy điện

Dray Nur - Dray Sap được công nhận là danh thắng cấp quốc gia từ năm 1993. Dray Nur từng là một trong những con thác hùng vĩ nhất Tây Nguyên với độ rộng khoảng 250m và chiều cao trên 30m còn Dray Sap từng được xem là “đệ nhất thác”. Dùng từ “từng được” vì nếu đến đây, bạn sẽ thừa nhận rằng thác đẹp nhưng những lời ngợi ca như “đệ nhất”, “hùng vĩ nhất” có lẽ hơi quá. Cư dân vùng này kể lại, nếu so với ngày xưa, không chỉ Dray Sap mà cả Dray Nur đã kém đẹp rất nhiều. Lỗi này không phải do thiên nhiên, mà do… thủy điện làm ảnh hưởng. Năm 2003, thủy điện Buôn Kuốp được xây dựng trên sông Sêrêpốk. Hẳn nhiên các ngọn thác ở hạ lưu đập chắn của công trình bị ảnh hưởng nặng nề. 

Cũng may là dù được khai thác du lịch từ lâu, các ngọn thác này vẫn còn khá hoang sơ. 

Cách tham quan tiện nhất là xuất phát từ thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) 

Từ Buôn Ma Thuột, bạn đi theo hướng Quốc lộ 14 khoảng 15km, gặp ngã ba Cư Jút, rẽ trái về huyện Krông Nô - đoạn đầu khu công nghiệp Hòa Phú giáp ranh với Đắk Nông và chạy thẳng, đến cổng của buôn Kuốp rẽ phải vào buôn đi thêm 1,5km là đến nơi (lưu ý: đoạn đường này khá xấu!).
Nếu đi Dray Sap từ Buôn Ma Thuột, đoạn đầu tương tự đi Dray Nur. Khi rẽ trái vào địa phận của huyện Krông Nô thì đi thẳng khoảng 10km, bạn sẽ đến khu du lịch Dray Sap. 

Để đến Dray Sap, bạn có thể đi bằng xe buýt. Tại Buôn Ma Thuột, tiện nhất là đến ngã sáu Xe tăng, đầu đường Nguyễn Tất Thành đón xe buýt số 13 (xe Buôn Ma Thuột - Krông Nô). Xe chạy theo quốc lộ 14, đến Cư Jút rẽ vào tỉnh lộ 684 và thả bạn ngay trước cổng dẫn vào thác. 

Giá vé vào cửa: 30.000 đồng.

 

 Bài và ảnh: Lê Minh Hạ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI