"Động trời" chuyện giáo sư Nhật tự bình duyệt bài báo của chính mình

25/06/2022 - 14:51

PNO - Một giáo sư nổi tiếng của Nhật Bản đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghiên cứu khi "cả gan" qua mặt nhà xuất bản bằng cách tự phản biện bài báo của chính mình.

Vào tháng 7/2020, một nữ giáo sư tại Đại học Fukui đã nộp bài báo mà bà cùng đứng tên với các nghiên cứu viên khác trong phòng lab của mình đến Elsevier B.V - nhà xuất bản học thuật nổi tiếng trong lĩnh vực xuất bản tài liệu y học và khoa học có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan. Bài báo được xuất bản 3 tháng sau khi đã vượt qua được giai đoạn bình duyệt.

Đại học Fukui là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Nhật Bản - Ảnh: Riki Iwama/Mainichi
Đại học Fukui là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Nhật Bản - Ảnh: Riki Iwama/Mainichi

Theo tiết lộ của một nghiên cứu viên là đồng tác giả bài báo thì nữ giảng viên thuộc Đại học Fukui đã xác nhận việc giáo sư từ Đại học Chiba là người được bà giới thiệu phản biện cho tạp chí học thuật nói trên. Vị giáo sư này cũng chính là nhân vật được chỉ định làm một trong những người phản biện cho bài báo này. 

Chính sách của nhà xuất bản Elsevier cho phép tác giả bài báo khoa học được quyền giới thiệu người phản biện cho bài báo của mình. Tuy nhiên, quy tắc nội bộ của nhà xuất bản cũng nghiêm cấm người phản biện nói với tác giả về việc mình được chỉ định tham gia hội đồng bình duyệt, cũng như không được phép liên hệ hay trao đổi trực tiếp với tác giả về các bài báo của họ.

Thế nhưng vị giáo sư 60 tuổi thuộc Đại học Chiba lại phá vỡ quy tắc đó bằng cách thông báo cho nữ giáo sư của Đại học Fukui vào tháng 8/2020 về việc ông ta đã được chỉ định là người phản biện cho bài báo, đồng thời đề nghị bà ấy tự soạn nhận xét và câu hỏi rồi gửi cho ông qua email.

Nhờ được “gà bài” từ trước, vị nữ giáo sư Đại học Fukui đã cùng với các tác giả khác đang làm việc trong phòng lab của mình “sáng tác” ra một số nhận xét cho chính bài báo của mình, sau đó gửi lại cho giáo sư Đại học Chiba đang đóng vai trò bình duyệt cho bài báo. Ông này đã tiếp nhận và nộp cho tạp chí “như thể đó là các câu hỏi và nhận xét của hội đồng bình duyệt”.

Bài báo nhờ vậy đã hoàn tất quy trình bình duyệt và được xuất bản sau đó.

Tạp chí khoa học quốc tế nơi bài báo được gửi đến kết luận, tác giả bài báo đã có hành vi sai trái trong nghiên cứu và khuyên bà nên rút lại bài báo. Đại học Fukui và Đại học Chiba cũng đã thiết lập các cuộc điều tra nội bộ để xem xét vụ việc.

Theo quy trình bình duyệt (Peer review) thì bản thảo bài báo phải được các nhà nghiên cứu thuộc bên thứ ba xem xét và quyết định xem chúng có đạt yêu cầu để xuất bản hay không. Đây được coi là một bước cần thiết nhằm đảm bảo tính khách quan và hợp lệ về mặt khoa học, bởi một khi các bài báo đã qua bình duyệt thì có thể được thêm vào danh sách thành tích nghiên cứu của tác giả.

Chính vì vậy, việc một tác giả tự bình duyệt bài báo của chính mình bị xem là gian lận trong quy trình bình duyệt.

“Đây là trường hợp đầu tiên bị phát hiện tại Nhật Bản”, Giáo sư Satoshi Tanaka, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đạo đức nghiên cứu tại Đại học Y khoa Tokyo nói.

Theo Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Úc) thì bình duyệt trong khoa học là một quy trình rất quan trọng. Một bài báo không qua bình duyệt thì khó có thể nói đó là một bài báo khoa học. Bình duyệt giúp cho bài báo tốt hơn, và giúp cho ban biên tập đi đến quyết định tốt hơn.

Trong quy trình bình duyệt, ý kiến của người bình duyệt có thể quyết định “số phận” bài báo. Chính vì vậy, để có được tư cách bình duyệt bài báo, chuyên gia bình duyệt phải là người có làm nghiên cứu trong thực tế và có công bố quốc tế. Đây là tiêu chuẩn tối thiểu bên cạnh những tiêu chuẩn khác.

Bình duyệt kín là một quy trình bảo mật khá nghiêm ngặt. Theo qui định của các tập san khoa học uy tín thì tất cả những văn bản và bản thảo của tác giả mà người duyệt bài có trong tay khi bình duyệt phải hủy bỏ ngay sau khi gửi bài bình duyệt.

Thế nhưng trong thực tế, vẫn có những người không làm theo qui định này mà giữ lại để gửi cho đồng nghiệp khác. Đó là một vi phạm nghiêm trọng.

Nguyễn Thuận (theo The Mainichi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI