Đồng bộ hóa bài giảng = triệt tiêu sự sáng tạo của người thầy

11/09/2023 - 06:37

PNO - Hiện nay, thật dễ dàng tìm thấy đủ kiểu bài giảng trên mạng của nhiều môn học. Đây là một lợi thế để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc soạn bài giảng. Nhưng nhiều giáo viên lại tải về và biến thành bài giảng của riêng mình khi chỉ việc thay tên đổi họ của người soạn. Chính vì điều này mà đôi khi kế hoạch bài dạy hay giáo án của hầu hết giáo viên trong cùng một khối của một trường lại giống hệt nhau.

Việc đồng bộ hóa bài giảng như thế đã triệt tiêu sự sáng tạo của người thầy. Vì trên nền tảng kiến thức chung, người thầy có thể thiết kế những bài giảng của riêng mình với những hoạt động học tập phù hợp với trình độ người học và thiết bị dạy học. Với một người thầy tâm huyết, bài giảng không đơn thuần là những bài trình chiếu hay những con chữ, mà là những sáng tạo mang dấu ấn của riêng mình. Trong cùng một kiến thức nền, người học có thể nhớ đến những người thầy truyền cảm hứng hơn là những người thầy truyền thụ kiến thức. 

Tôi có những người bạn luôn biết cách thổi hồn vào bài giảng để học trò ghi nhớ và khắc sâu kiến thức hơn với cách làm đơn giản nhưng hiệu quả. Với người bạn yêu cải lương, bạn đã lồng ghép những vở cải lương thật sinh động vào tiết dạy lịch sử. Khi giảng bài về Hai Bà Trưng, bạn cho học sinh xem đoạn trích trong vở Tiếng trống Mê Linh. Hay một trích đoạn trong vở  Nhụy Kiều tướng quân  để minh họa cho bài học nói về Bà Triệu. Trích đoạn lúc Lý Thường Kiệt ngâm bài thơ Thần bên dòng sông Như Nguyệt trong vở Câu thơ yên ngựa là một minh họa sống động khi bạn dạy bài cuộc kháng chiến chống Tống vào thời Lý... 

Trong một tiết dạy về biển đảo Việt Nam ở môn địa lý, bạn đã trích dẫn quyển sách Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian của nhà văn Lê Văn Nghĩa khiến các cô cậu học trò lắng đọng lại và thêm yêu biển đảo của ta.

Một người bạn dạy tiếng Anh luôn biết tận dụng những lần du lịch, lễ hội để tìm tư liệu giảng dạy với tiêu chí dạy tiếng Anh gắn liền với cuộc sống. Tham quan những gian hàng quảng bá sản phẩm đặc trưng vùng miền của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong lễ hội Sen Hồng tại Sa Đéc (Đồng Tháp) vừa qua, bạn đã sưu tầm những quyển cẩm nang du lịch, sổ tay ẩm thực, bản đồ giới thiệu những điểm đến hấp dẫn, làm tư liệu giúp học trò làm giàu vốn từ vựng và có thêm kiến thức.

Trong hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực, người thầy là yếu tố quyết định hàng đầu. Nếu giáo viên có được nhận thức đúng đắn, sự quyết tâm cao cùng kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học để tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập tốt thì sẽ mang lại kết quả rất khả quan cho người học. 

Những “kịch bản” dạy học nên được người thầy xây dựng và thiết kế thật sinh động để thu hút học trò trên “sân khấu” giảng dạy. Nơi mà người thầy vừa là người hướng dẫn vừa là người tham gia các hoạt động để trò thẩm thấu kiến thức tốt hơn; thể hiện được bản lĩnh sư phạm và tinh thần trách nhiệm của người thầy.

Lê Tấn Thời Giáo viên Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn (An Giang) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI