Đổi thay ở một điểm trường vùng xa của TPHCM

05/09/2022 - 06:00

PNO - Chúng tôi ghé thăm điểm trường Bà Xán (ấp Bình Lợi, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) vào những ngày cuối tháng Tám. Ngôi trường nằm ngay mặt tiền đường Bà Xán đã được trải bê tông thẳng tắp. Giờ ra chơi, nhưng trường vẫn vắng lặng bởi cả ngôi trường rộng hơn 1.300m2 này chỉ có 51 học sinh của 5 khối lớp.

Học sinh không còn phải đi đò

Tiếp chúng tôi trong căng-tin của trường được lợp bằng lá dừa nước, thầy Nguyễn Văn Gạo - giáo viên lớp Bốn - kể, điểm trường Bà Xán được Quân khu 7 xây dựng từ năm học 2002-2003 để phục vụ cho việc học tập của con em cộng đồng người dân tộc Khmer sống rải rác thành làng tại ấp Bình Lợi. Điểm trường này cùng với cơ sở Kinh Ông Cả và Cây Cui đều trực thuộc Trường tiểu học Bình Phước nằm trên trục đường Rừng Sác, cách điểm trường Bà Xán chừng 7km.

Cách đây hai năm, sân trường Bà Xán đã được bê tông hóa
Cách đây hai năm, sân trường Bà Xán đã được bê tông hóa

Chỉ tay về con đường phía trước, thầy Nguyễn Văn Gạo cho biết, những năm trước, đó là con đường mòn đất đỏ. Cứ khoảng tháng Chín, tháng Mười, đường lầy lội, chỉ những tay lái cứng cựa mới chạy xe máy qua được. “Không có bán trú nên có những ngày, chúng tôi kẹt lại trường mà không có gì để ăn. May mà bà con quanh đây thương, mang gạo và thức ăn đến cho thầy trò nấu ăn rồi chiều dạy tiếp. Có ngày, thầy trò phải chờ nước xuống, 7 - 8g tối mới về được đến nhà. Sau đó, giáo viên phải linh động dạy luôn giờ ra chơi để khoảng 15g30 cho các em về trước khi đường ngập” - thầy kể.

Thế nhưng, đường đến trường Bà Xán vẫn đỡ gian nan so với hai điểm trường còn lại. Thầy Phạm Văn Khánh - giáo viên lớp 2 - cho biết, Kinh Ông Cả là điểm trường heo hút nhất của xã Bình Khánh, chỉ toàn kênh rạch và đường ruộng, mà ruộng hồi trước không nuôi tôm như bây giờ, bờ nào cũng thấp trũng trong nước. Thầy cô phải xắn quần đến tận đầu gối, học trò thường xuyên té ướt sách vở, quần áo. 

Do số học sinh rất ít nên từ ngày đường Bà Xán được bê tông hóa, hai điểm trường trên được xóa, học sinh dồn về điểm trường chính hoặc sang cơ sở Bà Xán học. “Mặc dù đường đi học dài hơn nhưng đường sá thuận tiện hơn, các em không phải đi đò qua sông như ngày trước, mưa nắng gì cũng đi phà phà” - thầy Phạm Văn Khánh nói.

Thầy Nguyễn Văn Gạo chỉ tay về khoảng sân ngập nắng, nơi những đứa học trò nhỏ đang hồn nhiên nô đùa: “Khoảng sân bê tông này chỉ mới được làm cách đây hai năm thôi. Trước đó, cỏ mọc um tùm vô đến bậc tam cấp của lớp học. Giờ ra chơi, chúng tôi không dám cho học sinh ra khỏi lớp vì sợ côn trùng, rắn rít”. Đó là khoảng sân bê tông được phủ bóng mát từ hai hàng cây đang bung tán. Cùng với khoảng sân là một dãy năm phòng chức năng được dựng lên, vẫn còn thơm mùi vôi vữa, gồm thư viện, phòng Anh văn, âm nhạc, phòng vi tính… 

Không để trò thiếu sách, thiếu vở

Các thầy cô cho biết, lớp 1 là lớp đông nhất của điểm trường này, với 13 học sinh, còn lớp Ba chỉ có 8 học sinh. Khoảng 80% học sinh của trường thuộc diện hộ nghèo, cha mẹ các em sống bằng nghề thả bung, bắt dộp, chặt lá dừa nước, làm thợ hồ, số ít công nhân ở các khu chế xuất. Họ không có thời gian, kiến thức nên gần như khoán trắng việc học của con cho thầy cô. Thầy cô phải thường xuyên đến tận nhà để kéo học trò quay trở lại trường.

Trường có các phòng chức năng gồm thư viện, phòng Anh văn,  âm nhạc, phòng vi tính… (trong ảnh: Phòng học vi tính của học sinh)
Trường có các phòng chức năng gồm thư viện, phòng Anh văn, âm nhạc, phòng vi tính… (trong ảnh: Phòng học vi tính của học sinh)

Ngày chúng tôi đến thăm, mặc dù tròn hai tuần tựu trường nhưng nhiều học sinh chưa có đồng phục, chưa có sách giáo khoa. Thầy Phạm Văn Khánh cho biết, năm nào trường cũng tập hợp học sinh sớm hơn các trường bạn một tuần để đảm bảo sĩ số trong ngày khai giảng. Đó cũng là khoảng thời gian để các thầy cô kiểm tra sách vở, dụng cụ học tập của học trò để kịp trang bị, nếu thiếu. 

Thầy Phạm Văn Khánh kể: “Hôm qua đi dạy, mình mang theo 20 quyển vở, thay được cho 3 em có vở loại giấy mỏng, bị lem mực. 5 quyển còn lại, mình để dành đó”. Còn cô Lương Thị Quỳnh Tiên - giáo viên lớp Một - phải lên danh sách học sinh chưa có sách giáo khoa để hôm sau về mua. Không chỉ lo chuyện sách vở, thầy cô còn phải mua cả giấy bao, tranh thủ giờ rảnh rỗi để bao vở cho học sinh. 

Điểm trường chỉ có 5 giáo viên phụ trách 5 khối lớp nên các thầy cô ở đây phải kiêm nhiệm gần như tất cả các vai trò, từ dạy âm nhạc, mỹ thuật cho đến kỹ năng sống. “Tính ra, dù thiệt thòi hơn so với các bạn ở các trường khác nhưng học sinh ở đây được thầy cô chăm lo từng li từng tí do sĩ số ít” - thầy Phạm Văn Khánh chia sẻ.

Giờ tan học, chúng tôi theo chân hai chị em Dương Thanh Ngọc và Dương Thanh Ty về nhà ở ấp Cây Cui, cách trường chừng 7km. Dưới cái nắng chang chang, Ngọc lôi từ trong cặp ra chiếc áo khoác để che đầu cho mình và em. Chiếc áo đen đã bạc màu, nổi bật lên đường chỉ trắng khâu vụng về nối lại chỗ rách giữa tay và vai. Ngọc cho biết, em tự khâu bởi mẹ không có thời gian. Ngọc năm nay 11 tuổi, Ty 10 tuổi nhưng cả hai đều học lớp 1. 

Chị Dương Thanh Phương - mẹ hai đứa trẻ - cho biết, mấy năm trước, Ngọc và Ty từng đi học lớp Một nhưng nhà khổ quá, vợ chồng chị bận mưu sinh, không có thời gian đưa rước nên cả hai phải nghỉ học. Thầy cô đến nhà nhiều lần nhưng không gặp được phụ huynh. Năm nay, Ngọc cứ nhắc chuyện đến trường; chị Phương cũng mong hai con biết đọc, biết viết nên đã quyết định cho con vào lại lớp 1. 

Thu Lê

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI