Doanh nhân Việt đau đầu trước hệ lụy từ COVID-19

18/02/2020 - 15:42

PNO - Không gánh nổi tiền lãi vay ngân hàng, cổ đông lũ lượt rút vốn, công nhân nghỉ hàng loạt, đối tác đòi bồi thường… là những hệ lụy dây chuyền mà nhiều doanh nghiệp đang phải gánh chịu trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Phá sản là chuyện sớm muộn

Không riêng ngành nông nghiệp, du lịch, dịch vụ mà hàng loạt ngành nghề sản xuất khác cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Nói về tình trạng của doanh nghiệp (DN) mình, ông Lý Thành Sinh - Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng - bất lực: “Dường như không có cách nào giải quyết”. Công ty ông phải cho hơn 80% công nhân tạm nghỉ vì không có đầu ra cho sản phẩm, khâu sản xuất ngưng trệ, không có việc cho công nhân làm, không trả nổi lương.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân ngại ra ngoài, ngại đến các nơi mua sắm. Người mua không có, người bán cũng đóng cửa, không nhập thêm hàng khiến DN bị tồn hàng. Theo ông Sinh, công ty sản xuất quần áo trẻ em chủ yếu để tiêu thụ dịp hè, thu, đông nhưng giờ phải chất đống trong kho, mối lái chỉ lấy hàng nhỏ giọt cho có. Không thu hồi được vốn, không trả nổi lương công nhân nên đành cắt giảm từ 50 người xuống còn khoảng 10 người, chỉ giữ lại những vị trí chủ chốt như kế toán, quản lý kho.

“May mặc là một trong những ngành đang phải gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”.
May mặc là một trong những ngành đang phải gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Giám đốc một DN chuyên sản xuất hàng thời trang ở Q.5, TPHCM (xin giấu tên) cũng vò đầu bứt tóc khi bao nhiêu kế hoạch, hy vọng dồn vào đầu năm mới đều bị nghẽn, hàng hóa bán thành phẩm chuẩn bị từ trước tết để đầu năm, công nhân bắt tay làm giờ thành hàng tồn kho. Ngay cả một số DN lớn có đơn hàng gia công gối đầu trước tết cũng đang gặp trở ngại trong việc nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. 

Một số chủ DN đánh giá, với tình hình này, hậu quả còn kéo dài vì dự đoán sức mua trong thời gian tới rất yếu do dịch bệnh khiến nhiều người dân bị mất nguồn thu nhập. Tại nhiều DN, công nhân về quê ăn tết xong không trở lại làm việc do sợ dịch, số trở lại cũng không có việc làm, công ty phải ứng lương cho công nhân tạm nghỉ việc, chỉ giữ lại một số công nhân để cầm chừng. 

Trong quan hệ hợp đồng, khi xảy ra sự kiện bất khả kháng xuất phát từ lệnh cấm của cơ quan công quyền, DN phải đặt ra trường hợp: nếu lệnh này làm hợp đồng vĩnh viễn không thể thực hiện được thì hợp đồng có buộc phải chấm dứt hay không? Chẳng hạn, các bên thỏa thuận chuyển hàng vào đúng ngày giờ cụ thể cho một sự kiện, nhưng lệnh cấm lại không cho phép chuyển hàng, thì hợp đồng này phải chấm dứt. Tuy nhiên, nếu các bên lựa chọn vận chuyển hàng hóa đến một địa điểm mà không quá xem trọng về mặt thời gian, có thể kéo dài 1-2 tuần thì hợp đồng đó chưa chắc đã chấm dứt mà có thể kéo dài. Sau lệnh cấm, các bên có thể tiếp tục giao dịch.
Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Đại

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong tổng số trên 180.000 DN của 30 tỉnh, thành phố, đã có 322 DN tạm dừng hoạt động, 553 DN giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Trong tổng số trên 5.000 hợp tác xã, đã có 25 hợp tác xã tạm dừng hoạt động, 5 hợp tác xã giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, cả DN sản xuất tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều gặp khó khăn bởi nhiều DN đang lệ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, từ nhập nguyên phụ liệu đến xuất hàng sang thị trường này. Để tự cứu mình, các DN nên tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường và chú ý đến chuỗi giá trị sau thu hoạch. 

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM - cho rằng, nhân dịp này, các DN cần tái cấu trúc hoạt động, đánh giá lại thị trường, nguồn nguyên vật liệu đầu vào, đầu ra sản phẩm, ổn định sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân, tìm mua nguồn nguyên phụ liệu mới để thay thế nguồn hàng Trung Quốc. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho những DN bị ảnh hưởng, như giảm thuế, cho nộp thuế chậm… đồng thời khơi thông các thị trường khác.

Lưu ý hơn về dịch bệnh khi ký hợp đồng

Trước khó khăn trên, không ít DN phải đền bù thiệt hại cho đối tác khi không thực hiện đúng theo hợp đồng. Lãnh đạo nhiều DN cho biết, họ phải thương lượng, thậm chí năn nỉ đối tác, nhưng không hiệu quả mấy. Không nhiều DN nghĩ đến thiên tai, dịch bệnh để thỏa thuận trong hợp đồng. Ông Sinh cho biết, ông phải thương lượng với các cổ đông để giảm lợi tức, một số cổ đông chấp nhận nhưng cũng có nhiều cổ đông đòi rút vốn, DN càng thêm khó khăn. 

Phần lớn DN đã ký kết hợp đồng, đơn hàng cho quý II/2020 hoặc thậm chí cho cả năm, trong khi nguyên phụ liệu thường được nhập về chỉ trước một, hai tháng. Trên 50% DN nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và trong tình hình dịch bệnh này thì không nhập về được. “May một chiếc áo mà thiếu một hạt nút, cũng không thể hoàn chỉnh được sản phẩm” - ông Hưng ví von. 

Trong hợp đồng mua bán thường có đề cập tới trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh không lường trước được. Trong trường hợp này, hai bên sẽ thông báo cho nhau để tìm cách khắc phục, miễn đền bù thiệt hại tùy cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng. Điều khoản về trường hợp bất khả kháng là rất cần thiết trong ký kết hợp đồng.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Đại - giảng viên Trường đại học Luật TPHCM, trọng tài viên, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - sự kiện bất khả kháng hội tụ ba điều kiện: yếu tố khách quan, không lường trước được và không thể thực hiện được. Khi soạn thảo, ký kết hợp đồng, cần lưu ý điều khoản về sự kiện khả kháng, nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

 Xét về mặt pháp lý thì ban đầu, bản thân dịch COVID-19 không phải là sự kiện bất khả kháng, bởi một trong những yếu tố của bất khả kháng là “không thể thực hiện được”. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, khi dịch bùng phát, cơ quan công quyền đã đưa ra lệnh không cho hoạt động và lệnh này trở thành bất khả kháng.

Trong trường hợp có xảy ra thiệt hại thì về nguyên tắc, người có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, luật cũng cho phép trong trường hợp này, các bên có thể thỏa thuận lại. Do đó, tùy quan hệ giữa các bên, khi xảy ra thiệt hại xuất phát từ lệnh cấm đó, các bên phải cùng chia sẻ rủi ro. Các bên nên quy định rõ về nghĩa vụ thông báo khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra để giảm tối đa nhất những thiệt hại sẽ phát sinh.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI