Doanh nghiệp Việt chưa dám ngưng quảng cáo khi Facebook tiếp tay cho cái xấu

02/07/2020 - 06:40

PNO - Nhiều nhãn hàng lớn tại Mỹ ngưng quảng cáo trên Facebook để ngăn chặn việc lan truyền những phát ngôn bạo lực, thù hằn nhưng làn sóng này khó lan đến doanh nghiệp Việt.

Nhiều doanh nghiệp ngoại rút quảng cáo trên Facebook

Chiến dịch “Stop Hate For Profit” (ngừng kiếm lợi nhuận từ sự thù ghét) tại Mỹ đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều tập đoàn lớn như Coca-Cola, Unilever, PepsiCo, P&G, Starbucks, Hershey’s, Verizon, Honda và mới đây nhất là Tập đoàn Chế tạo ô tô Ford. Các tập đoàn này tuyên bố ngừng quảng cáo không chỉ trên mạng xã hội Facebook mà còn trên Instagram sau khi mạng xã hội này bị cáo buộc kiếm lợi nhuận quảng cáo bất chấp các nội dung gây thù ghét, bạo lực hoặc phân biệt chủng tộc. 

Một số doanh nghiệp Việt rút quảng cáo trên YouTube khi mạng này có các video độc hại
Một số doanh nghiệp Việt rút quảng cáo trên YouTube khi mạng này có các video độc hại (Ảnh minh họa).

Đây chỉ là những cái tên mới nhất trong chuỗi hơn 100 công ty, tập đoàn lớn nhỏ muốn rút quảng cáo của họ ra khỏi nền tảng Facebook trong 30 ngày tới. Thậm chí, có tập đoàn tuyên bố ngừng quảng cáo đến hết năm 2020. Họ hy vọng việc ngừng quảng cáo sẽ phần nào ngăn chặn được hành vi lan truyền những phát ngôn gây thù hận trên nền tảng mạng xã hội này. 

Không chỉ các tập đoàn mẹ tại Mỹ, các công ty con của các tập đoàn này tại Việt Nam cũng sẽ rút quảng cáo khỏi Facebook trong thời gian tới. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Coca-Cola Việt Nam cho biết, sẽ làm theo quyết định của Tập đoàn Coca-Cola, ngừng quảng cáo trên nền tảng Facebook trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 1/7. Trong thời gian này, Coca-Cola sẽ đánh giá xem Facebook có thực hiện chính sách phù hợp để loại bỏ các nội dung phân biệt chủng tộc, bạo lực hay không. 

Đại diện các nhãn hàng PepsiCo, P&G, Unilever tại Việt Nam cho biết, hiện chưa nhận được thông tin chính thức từ tập đoàn mẹ về việc ngừng quảng cáo. 

Doanh nghiệp Việt khó theo phong trào

Cách đây hai năm, Cục Phát thanh - Truyền hình - Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát hiện 17 video được phát trên kênh YouTube với nội dung không lành mạnh, trong đó có chèn quảng cáo của các nhãn hàng của các công ty lớn tại Việt Nam như Vinamilk, Unilever, P&G, FPT, Samsung, Yamaha, Vietnam Airlines, Mead Johnson Nutrition Việt Nam… Ngay sau đó, các nhãn hàng này đều tuyên bố ngưng quảng cáo trên YouTube. 

Sau vụ việc này, YouTube áp đặt thêm nhiều quy định khắt khe để kiểm soát nội dung. Tuy nhiên, trước miếng bánh doanh thu béo bở từ mỗi video, nhiều nhà sáng tạo (chủ kênh trên YouTube) vẫn bất chấp, tìm mọi cách để tăng lượt xem (view), sản xuất ra những video có nội dung phản cảm, kích thích sự tò mò của người xem. Mới nhất là các đoạn video về nhân vật Momo hướng dẫn các em tự làm hại bản thân mình, hay các nhân vật giang hồ như Khá “bảnh” sản xuất những video chửi thề, kích động bạo lực. Các đoạn video này sau đó được chia sẻ lên Facebook, Instagram để làm tăng lượt xem. 

Mặc dù bị dư luận chỉ trích gay gắt, bị các tập đoàn lớn tẩy chay nhưng theo nhiều chuyên gia, với lợi ích khổng lồ do mạng xã hội đem lại, cuộc tẩy chay này rất khó kéo dài và khó lan rộng tại Việt Nam. 

Ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia về marketing - cho rằng, sở dĩ các tập đoàn, công ty ở Mỹ dám tẩy chay quảng cáo trên Facebook vì ở đó, ngoài Facebook, còn có nhiều mạng xã hội khác. Đồng thời, khi phản đối các nội dung gây thù ghét, bạo lực, phân biệt chủng tộc, doanh nghiệp có khả năng tăng cả doanh thu bán hàng lẫn sức lan tỏa về sản phẩm nhiều hơn so với việc quảng cáo qua Facebook. Trong khi đó, tại Việt Nam, doanh nghiệp đang sống từng ngày nhờ vào quảng cáo trên Facebook, tẩy chay Facebook là “chết” ngay lập tức. 

“Trong cơ cấu doanh thu của Facebook từ quảng cáo, chỉ có 25% đến từ các tập đoàn lớn, phần còn lại là từ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Quảng cáo trên Facebook là một phần rất quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để tiếp cận khách hàng. Do đó, sẽ không có cuộc tẩy chay Facebook tại Việt Nam” - ông Trần Anh Tuấn nhận định.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, 70% doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn quảng cáo trên mạng xã hội và sắp tới, tỷ lệ này còn tăng thêm. Trong năm 2019, doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước tính khoảng 648 triệu USD, trong đó Facebook chiếm 275 triệu USD, Google 174,9 triệu USD, các đơn vị trong nước chiếm 180,9 triệu USD.

“Quảng cáo trên mạng xã hội đang là giải pháp truyền thông hiệu quả nhất dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do có chi phí phù hợp” - ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nói. 

Về việc các mạng xã hội hiện nay chỉ chạy theo view để kiếm tiền, tăng doanh thu bất chấp các quy định của pháp luật, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, đúng là các nhà điều hành mạng xã hội phải có trách nhiệm lọc bỏ video tiêu cực nhưng vẫn không thể kiểm soát hết những nội dung loại này. Các bộ, ngành tại Việt Nam cũng phải có trách nhiệm chứ không riêng Facebook hay YouTube vì những video gây hại đều do người dùng (chủ tài khoản trên mạng) tạo ra. 

Để ngăn chặn tình trạng câu view bất chấp đạo đức, pháp luật, rất cần những đơn vị đại diện Facebook hay YouTube tại Việt Nam đứng ra tiếp nhận các phản ánh và xử lý kịp thời, tạo môi trường lành mạnh hơn trên các mạng xã hội. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI