Doanh nghiệp miền Trung vất vả tìm nguồn hải sản xuất khẩu

24/03/2023 - 06:42

PNO - Miền Trung là ngư trường lớn với hàng chục ngàn tàu cá gần bờ, xa bờ. Thế nhưng, các doanh nghiệp đang phải tất tả tìm mua hải sản để chế biến, xuất khẩu, ngư dân chỉ đánh bắt cầm chừng. Nghịch cảnh này là do đâu?

Công ty cổ phần Phát triển thủy sản Huế đang sản xuất cầm chừng để chờ EU tháo gỡ thẻ vàng IUU ẢNH: THUẬN HÓA
Công ty cổ phần Phát triển thủy sản Huế đang sản xuất cầm chừng để chờ EU tháo gỡ thẻ vàng IUU - Ảnh: Thuận Hóa

Kiếm không ra hải sản đạt chuẩn 

Để xuất khẩu thủy hải sản sang thị trường châu Âu, một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu ở tỉnh Quảng Ngãi phải chật vật tìm mua nguyên liệu trong và ngoài tỉnh. Bà Đỗ Thị Sáu - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú (khu công nghiệp Quảng Phú, phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi) - cho hay, đây là khó khăn chung của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cả nước do đang bị Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng thẻ vàng do vi phạm các tiêu chuẩn về đánh bắt (IUU). 

Công ty Hải Phú xuất khẩu cá mó, cá dũa, cá gáy biển, cá bò phi lê và nhiều loài hải sản khác sang Pháp, Ý, Bỉ. Năm ngoái, công ty xuất được hơn 400 tấn thủy sản, trong đó có 300 tấn sang thị trường EU nhưng hiện nay, dù đã nhập hải sản từ một số tỉnh, công ty cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Trong quý I/2023, công suất hoạt động của nhà máy giảm 30%, kéo theo doanh thu sụt giảm, thu nhập của 50 lao động chính thức và nhiều lao động thời vụ giảm. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào lại tăng, đơn hàng xuất đi EU thường bị trễ hạn, ảnh hưởng đến việc tìm kiếm đơn hàng mới. 

Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Thương mại Hoàng Rin (khu công nghiệp Quảng Phú) cũng đang thiếu cá nục để xuất sang Philippines, Malaysia.

Ông Trần Mai Anh - Giám đốc điều hành nhà máy chế biến của Công ty TNHH Phú Song Hường (tỉnh Thừa Thiên - Huế) - cho biết, do quy định gắt gao từ phía đối tác ở Thái Lan, Malaysia, Philippines, từ tết Nguyên đán đến nay, công ty không có đơn hàng mới. Trong khi đó, công ty còn hơn 20 tấn hàng đông lạnh chưa thể xuất khẩu do vướng các thủ tục kiểm định, thiệt hại ước tính hơn 3 tỉ đồng. 

 Được xem là “cánh chim đầu đàn trong ngành xuất khẩu thủy sản của tỉnh Thừa Thiên - Huế” nhưng Công ty cổ phần Phát triển thủy sản Huế (FIDECO) cũng đang “xệ cánh”. Đã có 1 đơn hàng bị đối tác hủy do không đáp ứng đúng các tiêu chuẩn xuất khẩu (IUU). Kho đông lạnh của công ty này đang tồn hơn 100 tấn mực ống, trị giá gần 10 tỉ đồng. Hiện đang là mùa khai thác mực nên lượng mực mà ngư dân cung ứng trong những ngày tới sẽ rất lớn, khả năng tồn hàng sẽ càng cao. 

Trung bình mỗi ngày, có 5-6 tàu đánh bắt xa bờ cập cảng Thuận An (tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhưng đều tiêu thụ sản phẩm trong nước nên chủ tàu chưa quan tâm khai báo, chứng nhận nguồn gốc
Trung bình mỗi ngày, có 5-6 tàu đánh bắt xa bờ cập cảng Thuận An (tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhưng đều tiêu thụ sản phẩm trong nước nên chủ tàu chưa quan tâm khai báo, chứng nhận nguồn gốc

Bà Hà Thị Kiều Lang - Phó giám đốc FIDECO - thông tin, do đoán trước tình hình, từ cuối năm 2022, ban giám đốc đã chủ động đề nghị chi cục thủy sản của 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị phổ biến rộng rãi các quy định trong IUU. Nhưng đến nay, nhiều chủ tàu xa bờ vẫn chưa ý thức được việc này, vẫn đánh bắt theo kiểu “được bao nhiêu, hay bấy nhiêu”. 

Không có hàng đạt tiêu chuẩn, công ăn việc làm cho 280 công nhân FIDECO bị ảnh hưởng mạnh. Hiện mỗi ngày, công ty thu mua hơn 3 tấn mực từ các đại lý ở cảng cá sông Gianh, sông Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình) nhưng 90% số tàu thuyền vào cảng không đạt chứng chỉ IUU do đơn vị quản lý cấp. Dù vậy, FIDECO vẫn phải chấp nhận thua lỗ, tiếp tục thu mua hải sản để “giữ mối”. 

Do thiếu nguyên liệu đạt chuẩn, để kịp tiến độ giao hàng, FIDECO buộc phải thu mua thêm mực của các đại lý ở Indonesia đạt chuẩn IUU về gia công, chế biến. “Chúng tôi chấp nhận thua lỗ, tiếp tục thu mua mực về trữ đông để chờ cơ hội cho những đơn hàng tháng tới. Trước mắt, lãnh đạo công ty đang tìm kiếm các điểm kinh doanh trong nước để bán mực và các sản phẩm đông lạnh, qua đó duy trì việc làm cho công nhân” - bà Kiều Lang nói.

Không chỉ do thẻ vàng 

Theo ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (TP Đà Nẵng) - không riêng ngành thủy sản mà mọi công ty xuất khẩu đều đang gặp khó khăn. Nguyên nhân lớn nhất là sức mua chung trên toàn thế giới giảm sút sau 2 năm dịch bệnh. Nguyên nhân thứ hai là tiền đồng Việt Nam có giá so với tiền của các nước nhập khẩu. 

Nhân viên Công ty cổ phần Phát triển thủy sản Huế (FIDECO) kiểm tra chất lượng mực trước khi đưa vào chế biến - ẢNH: THUẬN HÓA
Nhân viên Công ty cổ phần Phát triển thủy sản Huế (FIDECO) kiểm tra chất lượng mực trước khi đưa vào chế biến - Ảnh: Thuận Hóa

Chuyên xuất khẩu thủy hải sản đi các nước châu Âu, Nhật Bản và các nước khác, Công ty Thuận Phước đang bị giảm 30% đơn hàng so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, nhiều nhà máy chế biến thủy sản phải ngưng sản xuất một phần do thiếu nguyên liệu, trừ cá tra. Phần lớn nhà máy chế biến tôm của Thuận Phước sử dụng tôm nuôi nhưng diện tích nuôi bị giảm do giá bán ra rất thấp, giá thức ăn cho tôm tăng cao khiến người nuôi bị lỗ. Giá giống, giá thức ăn cao, giá bán thấp cũng khiến lượng cá nuôi sụt giảm trong khi chi phí đánh bắt trong tự nhiên lại cao.

“Ngư dân cũng đánh bắt nhưng giảm thời gian và số lượng nhiều lắm. Họ không dám ra khơi quá xa, các quy định IUU cũng khiến họ nản. Nước ngoài quy định tàu cá theo trọng tải, còn mình quy định theo chiều dài của tàu. Tàu cá của mình dài 15m lỡ theo luồng cá đi vào gần bờ là bị cơ quan kiểm ngư phạt, tàu ngắn hơn có khả năng thì không được ra khơi” - ông Trần Văn Lĩnh nêu nghịch lý.

Ông Đinh Hiền - Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản Sơn Trà (TP Đà Nẵng) - cho hay, trong 3 tháng đầu năm 2022, công ty xuất khẩu khoảng 30 tấn hàng nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ mới xuất khẩu được 9 tấn. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu chủ lực của công ty nhưng các nhà hàng, trường học ở nước này đang giảm mức tiêu thụ.

Theo ông, hải sản ở ngư trường Việt Nam đang khan hiếm dần, đánh bắt ở ngư trường khác thì bị phạt nên nguồn cung hải sản đang giảm: “Trước đây, công ty chúng tôi có 250 lao động, hiện đã cắt giảm khoảng 50% và đang chờ thị trường phục hồi. Chúng tôi chỉ biết chờ xem diễn biến của lạm phát, tình hình chiến sự”. 

 Ông Trần Mai Anh nhận định về khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản: “Chúng ta đang thiếu cái mà thị trường cần”. Theo ông, thị trường nhập khẩu rất cần các sản phẩm hải sản có giá trị, chất lượng như cá thu, cá cam, cá cờ, cá ngừ đại dương, mực… thì chúng ta lại không có để cung ứng. Ngư dân tỉnh Thừa Thiên - Huế khai thác được cá nục gai, nục suôn, cá ngừ ồ, mực nhưng chỉ tiêu thụ được trong nước hoặc xuất khẩu sang Thái Lan, Malaysia, Philippines và Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch bởi độ lớn, độ tươi chỉ đạt trên dưới 70%, sản lượng cũng không đủ để chế biến. 

IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) là bộ tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU) nhằm loại bỏ các vi phạm gồm: đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Kể từ năm 2010, mọi lô hàng hải sản nhập khẩu vào EU phải kê khai thông tin về loài hải sản đánh bắt, địa điểm khai thác, ngày bắt và loại tàu đánh bắt cùng tất cả phương tiện tham gia. EU cũng cộng tác chặt chẽ với các quốc gia ngoài liên minh nhằm mở rộng ảnh hưởng của IUU.

Quảng Ngãi: Chỉ 7 - 8% lượng thủy sản được xác nhận nguồn gốc

Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 5 cảng cá được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản, gồm Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Lý Sơn, Mỹ Á và Sa Huỳnh. Việc xác nhận nguồn gốc thủy sản là theo yêu cầu của chủ tàu và hiện số thủy sản cần xác nhận chỉ chiếm 7 - 8% tổng lượng thủy sản khai thác được; số còn lại được bán cho các đầu nậu.

Ông Trần Lê Hồng Sơn 

Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi

Nhóm phóng viên miền Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI