Doanh nghiệp bấm bụng làm hàng, chịu lỗ

20/03/2023 - 15:51

PNO - Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, không ít đơn hàng xuất khẩu đang bị đối tác “ép” giá giảm còn 50 - 60%. Dù bị lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn phải nhận đơn hàng để tạo công ăn việc làm cho công nhân.

Hàng xuất khẩu bị ép giá  

Cách đây vài ngày, Công ty cổ phần Quốc tế Dony (Dony) vừa hoàn thành đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, giá hàng giảm khoảng 14% so với trước. Theo ông Phạm Quang Anh - Tổng giám đốc Dony - trong tình thế nhu cầu may mặc tại thị trường châu Âu giảm hơn 60%, tại Mỹ giảm hơn 40%, các nhà nhập khẩu đã đưa ra mức giá thấp nhất để “ép” doanh nghiệp (DN). Dù vậy, DN vẫn phải chấp nhận để tạo công ăn việc làm cho người lao động, chờ thị trường phục hồi trở lại. Một lãnh đạo của Công ty cổ phần May Nhà Bè thì cho biết, dù chưa bị đối tác ép giá nhưng đơn hàng khan hiếm. Một số DN khác thậm chí đã phải chấp nhận xuất hàng với giá chỉ bằng 40 - 50% so với trước trong khi chất lượng hàng vẫn phải đảm bảo, thời gian giao hàng gấp rút. 

Giá hàng xuất khẩu gần đây của Công ty Dony giảm 14% so với trước  (ảnh chụp tại Công ty Dony) - ẢNH: T.HOA
Giá hàng xuất khẩu gần đây của Công ty Dony giảm 14% so với trước (ảnh chụp tại Công ty Dony) - Ảnh: T. Hoa

Các DN cơ khí điện còn bị đối tác từ Mỹ, châu Âu yêu cầu giá phải rẻ hơn nhưng chất lượng phải tốt hơn hàng Trung Quốc cùng loại, nếu không họ sẽ chọn nguồn cung từ Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc - cho biết, để sản phẩm làm ra có giá rẻ hơn hàng cùng loại từ Trung Quốc, có thể nhập máy đã qua sử dụng từ Nhật Bản về cải tiến lại để sản xuất. Thế nhưng, hiện các DN đang thiếu vốn để làm việc này. 

Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) - từ đầu năm 2023, các DN hội viên đã có đơn hàng trở lại. Tuy nhiên nhìn chung đơn hàng xuất khẩu vẫn sụt giảm, các DN hoạt động cầm chừng để giữ chân người lao động. Hiện có khoảng 10% DN còn 50 - 60% đơn hàng, 50% DN còn 30 - 40% đơn hàng, các DN còn lại không có đơn hàng. Dự kiến đơn hàng của ngành còn giảm đến hết quý II/2023 với mức giảm khoảng 50 - 60%. 

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Gỗ VAM Furniture - thông tin, đa phần các DN ngành gỗ bị “ép” phải giảm giá từ 30 - 50%. Nhiều DN đang phải gồng lỗ để chờ thị trường phục hồi. Không ít DN đã phải đóng cửa. 

Doanh nghiệp mong được hỗ trợ

Ông Nguyễn Thanh Tuấn đề xuất: giá thành gia công sản xuất của Việt Nam không thể nào thấp hơn Trung Quốc, DN mất lợi thế cạnh tranh. Do đó, các DN rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước như giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 6-12 tháng; giảm lãi suất vay…

Theo ông Phạm Quang Anh, để DN có thể cải tiến công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu đối tác, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về thuế, lãi suất. Nên tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) còn 8% đến hết năm 2023, thủ tục hoàn thuế thực hiện nhanh để DN có dòng tiền. Hiện DN ông đang phải vay ngân hàng với lãi suất hơn 12%/năm, cần khống chế trần lãi suất cho vay của các ngân hàng dưới 10%/năm. 

Kết quả khảo sát từ hơn 100 DN mới đây của Hiệp hội DN TPHCM (Huba) cho thấy hiện có 83% DN đang gặp khó khăn. Cụ thể là khó khăn do thị trường bị thu hẹp (41,2%), hàng tồn kho nhiều (30,1%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%), khó tiếp cận vốn (40%), lãi suất cho vay cao (43%), thủ tục cho vay phức tạp tốn nhiều thời gian (38,2%). Điều bất thường so với các năm trước là không ít DN lớn đã phải ngừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn công nhân do không có đơn hàng. 

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Huba - cho biết, ngoài đề nghị hỗ trợ vốn, tín dụng đa phần các DN đều kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế. Trong đó cần thực hiện ưu đãi thuế thu nhập cá nhân đối với người làm công ăn lương. Nên tiếp tục chính sách giảm thuế VAT còn 8% đến hết năm 2023 cho tất cả ngành nghề kinh tế chứ không giới hạn ở một số ngành nghề. Thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng cần xem xét miễn giảm. Nhà nước cũng cần sửa đổi thuế xuất nhập khẩu, không để tồn tại tình trạng DN nhập nguyên thiết bị máy móc thì chịu thuế 0 - 10%, trong khi nhập nguyên vật liệu, linh kiện để chế tạo máy trong nước phải chịu thuế nhập khẩu 15%. 

Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, liên kết với các thị trường trọng điểm xuất khẩu hoặc đang có nhiều lợi thế như Ấn Độ, châu Âu. Công tác dự báo, thông tin về thị trường xuất khẩu phải kịp thời để DN có thể ứng phó với các biến động.

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM

Thanh Hoa

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI