Đoàn cải lương Long An - Điểm sáng cải lương miền Tây

01/04/2019 - 19:30

PNO - Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, trong ba tháng đầu năm 2019, thu nhập của nghệ sĩ, nhân viên đoàn Long An tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Ba suất diễn của Đoàn cải lương Long An (thuộc Trung tâm nghệ thuật Long An) ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) vào trung tuần tháng Ba luôn chật kín với hàng ngàn khán giả. Ngày 2/4 này, đoàn tiếp tục có 9 suất diễn phục vụ khán giả Hà Nội, Nghệ An và một số tỉnh phía Bắc - chuyến lưu diễn ngỡ như chuyện “phi thường”, ngay cả với những đơn vị công lập có điều kiện hoạt động tốt hơn, có nhiều nghệ sĩ tên tuổi hơn.

Khi một số đoàn cải lương còn loay hoay sau quyết định sáp nhập, thậm chí có địa phương đã giải tán đoàn cải lương với lý do sàn diễn không còn khán giả, Đoàn cải lương Long An lại nỗ lực “vượt dốc”, quyết tâm khẳng định cải lương vẫn có thể sống khỏe, sống độc lập, nếu người làm nghề đủ quyết tâm và năng động trong hành trình tìm đến công chúng.

Doan cai luong Long An - Diem sang cai luong mien Tay
Cuộc đời của mẹ - vở diễn được trao huy chương vàng Liên hoan cải lương toàn quốc 2018 - sẽ có ba suất diễn tại Hà Nội vào ngày 2, 3, 4/4

Chính thức sáp nhập với Đoàn xiếc nhân dân Long An và Trung tâm Văn hóa tỉnh Long An để trở thành Trung tâm nghệ thuật Long An từ tháng 10/2018, thách thức lớn nhất của những người quản lý đơn vị là phải tăng doanh thu để có thêm kinh phí trả lương cho những lao động ngoài hợp đồng, đảm bảo ổn định đời sống cho nghệ sĩ, nhân viên của đoàn.

Tăng doanh thu trong thời điểm cải lương đang rất khó khăn, khán giả thưa vắng dần tưởng chừng là “nhiệm vụ bất khả”, nhưng Đoàn cải lương Long An đã làm được bằng chất lượng, sự đa dạng của tuồng tích và hướng đến đáp ứng nhu cầu của khán giả thay vì chỉ cho khán giả xem những gì mình có sẵn.

“Vẫn còn rất nhiều khán giả yêu thích cải lương, nhưng nhu cầu thưởng thức của khán giả ở từng địa phương lại không giống nhau. Nếu chỉ dựng vở theo chỉ tiêu hằng năm rồi mang đi lưu diễn thì khả năng thất bại rất cao. Khán giả đang có rất nhiều lựa chọn khác, ngoài cải lương. Diễn miễn phí mà khán giả không thích, họ cũng không xem và đoàn cũng không còn cơ hội quay lại điểm diễn đó lần sau” - NSƯT Hồ Ngọc Trinh - Phó giám đốc Trung tâm nghệ thuật Long An, Trưởng đoàn cải lương Long An - chia sẻ.

Doan cai luong Long An - Diem sang cai luong mien Tay
Đoàn cải lương Long An mang vở Cuộc đời của mẹ ra Hà Nội

Không thể chỉ trông chờ vào những suất diễn phục vụ được phân bổ hằng năm, đoàn phải chủ động tìm hợp đồng biểu diễn hoặc tổ chức biểu diễn bán vé. Muốn vậy, tuồng tích phải đa dạng, vừa đảm bảo nhiệm vụ phục vụ chính trị, vừa phải đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng, đặc biệt là phải hết sức tiết kiệm chi phí. Vừa ổn định sau khi sáp nhập, đoàn đã bắt tay dựng vở mới và chương trình biểu diễn phục vụ tết Kỷ Hợi, chủ động tìm hợp đồng biểu diễn và nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ kinh phí dựng vở.

Đến thời điểm này, ít có đơn vị cải lương nào có được lịch diễn dày như đoàn Long An. Chỉ tính từ tết Kỷ Hợi đến cuối tháng 3/2019, Đoàn đã tổ chức được 18 suất diễn, trong đó có 12 suất doanh thu. Chưa đầy 6 tháng kể từ khi sáp nhập, Đoàn cải lương Long An đã dàn dựng hai vở diễn mới là Phúc Lộc Thọ, Ai sợ ai và sửa chữa, nâng cao một số vở diễn cũ như Hoa Mộc Lan, Kép hát làm vua, Đảo cấm đàn ông… để làm phong phú chương trình biểu diễn của mình.

NSƯT Hồ Ngọc Trinh cho biết: “Kinh phí đoàn địa phương rất hạn chế, nhưng không thể vì thế mà dàn dựng sơ sài, cẩu thả. Ngoài việc vận động kinh phí xã hội hóa, chi phí cho từng khâu được tính toán tiết kiệm, để có vở diễn chất lượng nhất trong khả năng có thể. Đoàn cải lương Long An may mắn khi được nhiều tác giả, đạo diễn chia sẻ với khó khăn và chấp nhận mức thù lao theo điều kiện thực tế mà không đòi hỏi mức lương theo đúng danh hiệu, tên tuổi… như quy định chung. Chúng tôi tự mua vải và đặt nhân viên phục trang của đoàn may theo yêu cầu của đạo diễn. Cách làm này tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể so với mua phục trang bên ngoài, đồng thời giúp người của đoàn tăng thêm thu nhập”.

Doan cai luong Long An - Diem sang cai luong mien Tay
Khán giả ngồi kín mít ở suất diễn của đoàn Long An

Dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, trong ba tháng đầu năm 2019, thu nhập của nghệ sĩ, nhân viên đoàn Long An tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Không dừng lại ở miền Nam, đoàn còn mạnh dạn nối dài các điểm diễn đến tận Nghệ An, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Chuyến lưu diễn miền Bắc được thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, kết hợp với kinh phí hoạt động hằng năm của đoàn. “Đem chuông đi đánh xứ người”, những người quản lý mong giới thiệu với khán giả thêm một diện mạo của cải lương miền Nam và “tiếp thị” những gương mặt diễn viên mới của đoàn.

Chưa đi miền Bắc, đoàn đã gối đầu kế hoạch biểu diễn tiếp theo ở Đồng Nai cuối tháng 4/2019. Hiệu ứng tốt sau ba suất diễn ở Sóc Trăng đã thuyết phục địa phương ngỏ lời mời đoàn quay lại, dự kiến gần nhất là tháng 5/2019. Có lẽ vẫn còn quá sớm để khẳng định điều gì lớn hơn, xa hơn, nhưng nỗ lực tự tháo bỏ rào cản, khó khăn để tìm đến khán giả của một đơn vị nghệ thuật địa phương là điều rất đáng được ghi nhận, mở ra những niềm tin tốt đẹp cho cải lương sau cột mốc 100 năm. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI