Cải lương miễn phí - lợi bất cập hại

18/03/2019 - 13:12

PNO - Thông tin tạm dừng chương trình biểu diễn cải lương miễn phí ở phố đi bộ Bùi Viện khiến nhiều nghệ sĩ vui mừng, dù cải lương đang trong giai đoạn khó khăn, cần nhiều cơ hội để tiếp cận công chúng, tăng thu nhập cho nghệ sĩ.

Ngay từ những suất diễn đầu tiên ở phố đi bộ Bùi Viện, giới làm nghề và cả khán giả yêu mến cải lương đã thấy bất an. Sân khấu được dựng dã chiến đoạn ngã tư Bùi Viện - Đề Thám, phía sau là tấm phông với dòng chữ “Chương trình biểu diễn văn nghệ phố đi bộ Bùi Viện”, nhìn như sân khấu văn nghệ phường xã hoặc chương trình thông tin lưu động địa phương hơn là điểm biểu diễn dành cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhằm giới thiệu nghệ thuật cải lương đến người dân thành phố và khách du lịch quốc tế.

Sân khấu trên dưới 10m2, chật hẹp đến mức các nghệ sĩ khó có thể thực hiện các động tác vũ đạo một cách chỉn chu, nằm lọt thỏm giữa không gian bề bộn của quán xá, của các thể loại âm nhạc từ các hàng quán trong khu vực. Diện mạo của cải lương - loại hình sân khấu dân tộc vốn là niềm tự hào của văn hóa Việt Nam sẽ được bày biện ra sao? Nói không quá, nhiều điểm diễn phục vụ khán giả ở vùng sâu, vùng xa - nơi hiện đang nỗ lực đổi mới công tác tổ chức theo hướng nâng cao chất lượng - còn có sân khấu hoành tráng hơn nhiều.

Cai luong mien phi - loi bat cap hai
Với sân khấu biểu diễn này, người nghệ sĩ buồn hay vui?

Cảnh trí sân khấu nghèo nàn… vẫn chưa cám cảnh bằng hình ảnh các nghệ sĩ phải hóa trang, làm tóc và ngồi vạ vật chờ đến lượt ra diễn ở những quán cà phê gần đó. Những công đoạn vốn được người theo nghề hát giấu kín trong hậu trường, giờ phơi ra nơi công cộng, để bị ngó nghiêng, bình phẩm. Ai, điều gì đã làm cải lương trở nên nghèo nàn, nhếch nhác đến vậy? Do người làm chương trình chưa đủ sự am hiểu về cải lương hay do lực bất tòng tâm vì kinh phí hạn hẹp? Nếu vậy, thà đừng làm, để đừng bôi bác cải lương.

Cải lương đâu phải nghệ thuật đường phố để mang ra đường biểu diễn, chen giữa âm thanh hỗn độn của quán cà phê, quán nhậu, cách không quá xa trò diễn phun lửa của những nhóm xiếc rong. Vẫn biết, một trong những điều đặc biệt nhất của sân khấu cải lương là tính thích nghi linh hoạt. Cải lương có thể diễn ở nhà hát sang trọng, nhưng cũng có thể biểu diễn ở sân bãi, đình chùa. Nhưng không thể vin vào đó để lôi loại hình nghệ thuật được xem là di sản văn hóa dân tộc ra vỉa hè, nhếch nhác, tạm bợ đến thế. Đừng đẩy lùi thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng, cũng đừng hạ thấp tầm biểu diễn của nghệ sĩ!

Việc đem cải lương ra đường để tiếp cận công chúng trong nước và giới thiệu cho du khách quốc tế e chừng đã bị phản tác dụng với cách tổ chức như hiện nay. Khán giả yêu cải lương, hiểu cải lương sẽ thấy chạnh lòng khi nhìn cải lương xuống cấp một cách thảm hại. Cải lương từng có sân khấu đại vĩ tuyến, có sự hỗ trợ của kỹ xảo điện ảnh để có thác nước chảy, núi rừng như thật; có cảnh tàu bay, xe tăng như phim ảnh… Vậy mà sau hơn nửa thế kỷ, sân khấu đại vĩ tuyến nay đã bị thu nhỏ đến mức chỉ có thể sắp xếp, treo mắc phông màn, bục bệ sơ sài. Mỉa mai hơn, những thứ ấy được đặt ngay vị trí trung tâm của một thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Khán giả chưa từng xem cải lương liệu sẽ tìm được điều gì hấp dẫn ở cải lương qua cái sân khấu tuềnh toàng ấy, hay chỉ thấy khoảng cách quá xa giữa cải lương với các loại hình nghệ thuật khác và càng khó mà yêu cho được cải lương? Du khách nước ngoài sẽ thu hoạch được gì về cải lương Việt Nam để kể với người thân, bạn bè của họ, khi trở về nhà sau chuyến du lịch?

Chợt xót xa khi nghĩ, chẳng may họ đã được xem kinh kịch Trung Quốc, kịch Noh Nhật Bản… và so sánh với cải lương Việt Nam. Ắt ta chẳng thể tránh khỏi bẽ bàng. Chưa kể đến cách chọn lọc, thẩm định chất lượng của các nghệ sĩ, tiết mục mang ra biểu diễn ở phố đi bộ Bùi Viện. Những gì diễn ra ở sân khấu đó đâu phải là diện mạo của cải lương TP.HCM, nên không thể là “đại diện” để giới thiệu cải lương với công chúng.

“Tổ chức các buổi biểu diễn miễn phí, đưa nghệ thuật cải lương tiếp cận với số đông công chúng là chủ trương tốt; nhưng để đưa chủ trương này vào thực tế, cần có những đánh giá, khảo sát cụ thể. Phải xác định được đối tượng và nhu cầu của khán giả, mục tiêu của từng chương trình nghệ thuật miễn phí. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch và chương trình cụ thể cho từng mục tiêu, đối tượng công chúng. Thực hiện máy móc sẽ vừa lãng phí vừa khó đạt hiệu quả như mong muốn, còn có thể gây tác dụng ngược”. Quan điểm của giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang - NSND Trần Ngọc Giàu - đang nhận được rất nhiều sự đồng tình của người làm nghề. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI