Điểm tựa của những học trò nghèo

03/10/2022 - 12:13

PNO - Xác định đầu tư cho việc học hành là giải pháp giúp thoát nghèo hiệu quả và bền vững, cho nên trong mấy năm qua, các cơ sở Hội tại Q.4, TP.HCM đã cố gắng vận động các trí thức, cán bộ hưu trí chung tay hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn yên tâm đến trường.

Không để trẻ gián đoạn việc học hành

Chị Nguyễn Thị Hạnh (P.16, Q.4) bối rối không biết mời khách ngồi đâu trong căn nhà tối om nằm khuất sau con hẻm nhỏ trên đường Xóm Chiếu. Khi chúng tôi gợi ý ngồi ngay lối đi… cho mát, chị thở phào chạy ra đầu ngõ mượn hai cái ghế nhỏ. “Nhà có hai mẹ con à, có khách khứa gì đâu nên cũng không mua sắm” - chị giải thích. Rồi cuộc trò chuyện của chị với chúng tôi đột ngột chuyển sang việc học hành của cậu con trai là Nguyễn Hữu Nhân khi Nhân vừa đi học về. “Năm nay nó vô lớp Mười. Học giỏi lắm, được xếp vô lớp 10A1 nhờ thi điểm cao” - chị tự hào.

Em Nguyễn Hữu Nhân nhận sổ tiết kiệm 18 triệu đồng từ sự đóng góp của các giáo viên về hưu
Em Nguyễn Hữu Nhân nhận sổ tiết kiệm 18 triệu đồng từ sự đóng góp của các giáo viên về hưu

Sự có mặt của con trai khiến cho những tháng ngày đen tối lùi nhanh trong câu chuyện đời mà chị Hạnh đang kể với chúng tôi. Cách đây ba năm, chồng chị tự kết liễu cuộc đời bởi không nhìn thấy lối thoát nào trong cảnh sống bí lối và căn bệnh ung thư bủa vây. Còn lại một mình, chị Hạnh mất phương hướng, lủi thủi trong ngôi nhà lụp xụp do mẹ cha để lại.

Thương cho hoàn cảnh chị Hạnh, bà Ngô Thị Ánh Hồng - Trưởng ban Điều hành khu phố 2, P.16 - đã ngỏ lời động viên chị đưa con trai, lúc đó đang ở nhờ bên nội ở Q.10, về Q.4 để mẹ con gần gũi, cũng là để bà có cơ hội động viên, theo dõi việc học hành của Nhân. Là một giáo viên về hưu, bà Hồng không muốn đứa trẻ mồ côi cha lại thất học rồi quẩn quanh trong cảnh nghèo. Bà hứa hỗ trợ học phí để Nhân yên tâm học hành. 

Thế là từ năm 2019, đều đặn hằng tháng, bà Hồng và hai giáo viên về hưu khác là bà Nguyễn Kim Anh và bà Vũ Thị Ngọc Mai cho Nhân một thùng sữa và 500.000 đồng hỗ trợ em chi phí học hành. Bà Hồng cũng giới thiệu chị Hạnh đi giúp việc theo giờ để có thu nhập lo cho con. Từ ngày chị Hạnh có đồng ra đồng vô đủ xoay xở, bà Hồng quyết định chuyển số tiền hỗ trợ hằng tháng vào sổ tiết kiệm để dành cho Nhân. Kỳ thi tuyển sinh lớp Mười vừa qua Nhân đậu Trường THPT Nguyễn Trãi - là ngôi trường bà Hồng đã dạy học trước khi nghỉ hưu. Ngày 15/8 vừa qua, bà rút khoản tiền tiết kiệm 18 triệu đồng trao cho Nhân để em mua laptop phục vụ việc học tập. Nhưng vì chưa cần đến laptop nên Nhân xin giữ lại số tiền để năm sau mua chiếc xe máy vừa đi học vừa đi làm thêm phụ mẹ.

Xác định đầu tư cho việc học hành là giải pháp giúp thoát nghèo hiệu quả và bền vững, nên ngoài em Nhân, từ tháng 9/2022, bà Hồng, bà Kim Anh và bà Mai lại mở rộng sự hỗ trợ sang em Lâm Sơn Kiến Thành, học sinh lớp Tám Trường THCS Tăng Bạt Hổ, mỗi tháng 1 triệu đồng. 

“Tri thức góp sức giảm nghèo”
Ở trên là những việc cụ thể từ mô hình “Tri thức góp sức giảm nghèo” được các cơ sở Hội tại Q.4 thực hiện trong bốn năm qua. Mô hình xuất phát từ P.6. Năm 2018, trong một lần xuống địa bàn dân cư để vận động trẻ đến trường, chị Lê Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Phụ nữ P.6 - cảm nhận được khó khăn đến từ nhiều vấn đề như hoàn cảnh kinh tế, cách nuôi dạy con, môi trường sống… Bế tắc, nhiều bậc cha mẹ dễ dàng cho con nghỉ học dù đứa trẻ vẫn ham học và học giỏi. Một trong số đó là Nguyễn La Bảo Nhi - học sinh lớp Tám.

Bà Vũ Thị Ngọc Mai - một giáo viên về hưu - luôn tâm đắc, đồng hành với mô hình
Bà Vũ Thị Ngọc Mai - một giáo viên về hưu - luôn tâm đắc, đồng hành với mô hình

Không đành lòng để Bảo Nhi phải chịu thiệt thòi, chị Ngọc Dung đi “gõ cửa” tất cả các nguồn lực xã hội, đặc biệt là đối tượng trí thức và cán bộ hưu trí vì họ có điều kiện kinh tế cũng như thời gian để hỗ trợ các em. Ngoài đề xuất nhận học bổng khuyến học mỗi tháng 1 triệu đồng, Nhi được một cán bộ hưu trí hỗ trợ dụng cụ học tập và tiền học 300.000 đồng/tháng cho đến khi em tốt nghiệp phổ thông. Bên cạnh đó, Hội LHPN P.6 cũng giới thiệu các em vào học tiếng Anh miễn phí tại trường nghề Thăng Long. Năm nay, Nhi đã là sinh viên năm nhất đại học.

Là người gắn bó với công tác khuyến học từ nhiều năm, bà Ngọc Mai rất tâm đắc với mô hình này. Ngoài việc góp một tay hỗ trợ hằng tháng cho Nhân, cho Thành, trong mấy năm nay, mỗi năm bà đều cấp hai suất học bổng “1-1” (một trí thức góp sức cho một em học sinh nghèo) cho hai em học sinh nghèo của khu phố, mỗi xuất trị giá từ 1,5 - 2 triệu đồng, cho đến khi nào các em ngừng học mới thôi. Trong năm 2021, có hai trong số những em được bà cấp học bổng đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Hiện nay, bà còn tiếp tục cấp cho một em đang học thạc sĩ và một em học lớp Chín.
Một trong những “quả ngọt” mà bà Vũ Thị Ngọc Mai đã gặt hái được sau thời gian gieo trồng, đó là Châu Đức Tuấn, ở P.14, Q.4. Ba mất, mẹ bán nhà trả nợ, anh em Tuấn trôi dạt mỗi đứa một nơi. Tuấn khi đó học lớp Sáu, ngày đi làm - đi học, đêm về ngủ gầm cầu. Về sau Tuấn được nhà chùa cưu mang, cho ở nhờ. Biết được hoàn cảnh của Tuấn, ngoài sự hỗ trợ của mình, bà Mai đã kết nối khắp nơi để xin cho Tuấn suất học bổng “Kết nối đến tương lai” từ những khán giả thân thiết của Đài truyền hình TP.HCM, hỗ trợ học tập hằng năm cho Tuấn. Hiện nay, Tuấn đã trở thành giáo viên cấp III, dạy tại Bình Thạnh. 

“Với khả năng của gia đình, tôi cố gắng giúp các em, để các em có tương lai. Chỉ có tri thức mới giúp được các em thay đổi cuộc sống” - bà Ngọc Mai tâm niệm. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI