Dịch giả Dương Tường: Dịch "Kiều" xong tôi thấy mình đã báo hiếu tiếng Việt

22/08/2020 - 07:55

PNO - Người ta đã quen với một Dương Tường với "Tình khúc 24", "Chiều buông đầy tiếng thở dài", "Meaculpa", "Tôi có tội", "Tôi đứng về phe nước mắt"…

Ông là một trong số nhà thơ thị giác với sự sáng tạo “con âm” trong chữ - người  “một đời ăn nằm với chữ”. 88 tuổi, ông lại một lần nữa chiến thắng số phận khi dịch thành công truyện Kiều sang tiếng Anh trong tình trạng đôi mắt gần như lòa.

Thơ có lúc như một cuộc hành xác

Phóng viên: Khi dịch, ông thường chọn những tác phẩm rất “oách” của thế giới, khi làm thơ, ông cũng không… “bình thường”, mà là một trong những nhà cách tân thơ hiện đại với “con âm” trong chữ. Thế ông làm thơ khi nào, khi buồn chăng, thưa ông?

Dịch giả Dương Tường: Không, không hẳn vậy. Đối với chúng tôi, làm thơ khi buồn thì ít lắm, đa phần là nghĩ tới con chữ suốt ngày suốt đêm, nó như hơi thở, như một điều tự nhiên. Thường khi cảm xúc tới bất ngờ. Hoặc cũng chẳng hẳn là cảm xúc, lúc thì “chơi” với con chữ, lúc như một cuộc hành xác nhọc thân trí. Bởi tôi không làm thơ thông thường, tôi làm thể nghiệm thơ, mà từ những năm 60 chứ không phải bây giờ.

* Ông Đặng Tiến có viết về ông: “Tôi gọi anh là ngữ nhân, hay kẻ chữ, người sống với ngôn ngữ, thao tác trên ngôn ngữ, lấy ngôn ngữ làm lương thực trần gian”, ngẫm ra, đó cũng như một sự vinh danh?

- Ngày xưa ấy, những năm 60, 70, khi tôi và Trần Dần cùng khoảng 10 anh em còn đang ham mê chuyện sáng tác thơ ngoài lời, chúng tôi là những kẻ làm thơ thị giác đầu tiên của Việt Nam. Ví dụ trong tập Đàn, có lấy cảm hứng bản giao hưởng Định mệnh số 5 của Beethoven và tôi gọi là Đàn Mịnh. 4 dấu vân tay của tôi như 4 tiếng gõ cửa của định mệnh. Xung quanh là những người đi qua đời tôi, họ ký vào đây, như Văn Cao, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Bùi Xuân Phái, Lê Đạt, Trinh (vợ tôi), Phạm Toàn, Nguyễn Xuân Khánh và một cậu bé…

Trong cuộc chơi thơ, đôi khi, chỉ có hai người với nhau (tôi và ông Trần Dần), chúng tôi cứ như bị mê hoặc bởi những sự tìm kiếm thơ ngoài lời. Có một điều đặc biệt mà mãi sau này chúng tôi mới biết, là hóa ra thơ ca chúng ta không hề chậm hơn thế giới. Tôi được tặng cuốn thơ Moment (Chuyển động) của tác giả Henri Michaux (nhà thơ Bỉ) - ông cũng làm thơ thị giác cùng thời với tôi và ông Trần Dần - những năm 70. Lúc đó, Việt Nam như một chốn biệt lập với thế giới, chúng tôi cứ loay hoay làm với nhau thôi, chứ đâu có biết thế giới thời ấy cũng có dòng thơ như chúng tôi.

* Vâng, thơ cách tân, thơ ngoài lời, Đàn, và hình tượng những người đàn bà đẹp đầy nhục cảm như: “Chờ em đường dương cầm xanh, dậy thì nõn dương cầm phố, vằng vằng ngực dương cầm trinh”… có bao giờ ông thấy xao động với những vẻ đẹp ấy ngoài đời?

- Có chứ. Tôi cũng là con người bình thường mà. Những gì là vẻ đẹp thì sao không làm xao xuyến được. Nhiều hình tượng làm tôi xúc động, có tình cảm 60 năm trước chỉ nằm đó, sâu đậm trong tim. Yêu, trong tâm tưởng.

* Người vợ của ông hẳn cũng từng là một nàng trong thơ?

- Tôi gặp Trinh khi tôi 23, Trinh 14, tôi đi bộ đội cùng đơn vị với anh Tất Vinh - anh trai của Trinh. Lúc đó, tôi coi Trinh như người em gái Hà Nội nhỏ nhắn xinh xắn, và rồi 5 năm sau, duyên phận gắn kết chúng tôi thành đôi. Trinh cũng xuất hiện trong thơ tôi nhưng tiếc là bài thơ ấy đã thất lạc từ những năm 60.

* Người ta nhớ tới Dương Tường với những câu thơ không phải dễ đọc nhưng có những câu khiến người ta lặng người. Ví dụ như câu đề tựa, tặng “những cô gái làm vợ người ta”…

- Đó là những cô gái điếm. Tôi gọi là Bella. Bella nghĩa là đẹp. Bài thơ này đã bị dư luận xưa vùi dập mạnh nhất, bị cho là một bài thơ mang tính khiêu dâm, đồi trụy. “Em/chấm nhỏ/đường khuya/chợ ái ân/loang lổ/đèn đường/mủ đêm/Em đi/môi mọng/đùi mọng/vú ấm/tim trống/đầu trống/Em đi-nhớt đêm/Em đi-mưa xiên/Em đi- trời nghiêng/Em đi-đời bỏ quên”.

* Tôi còn nhớ nhà văn Châu Diên đã từng viết về Dương Tường: “Ông không bao giờ có nhà, ông vắng nhà ngay cả khi ông có nhà theo cái nghĩa dung tục đời thường. Ông đang vớ vẩn đâu đó…”. Tình khúc 24 - một bài thơ được cho là có nền “siêu thực”, phải chăng cũng ra đời trong những phút “ru hồn đi hoang”?

- Đó là bài thơ tôi tặng một cô gái 24 tuổi. 24 phím cầm chiều/24 nhành sương mím/24 tiếng ve sầu, đại lộ tháng tư/Gửi lại em/cầu thang 24 bậc/tờ thư 24 gác mưa/làn menuet 24 âm xưa… Nhưng sau tất cả, “dọc theo triền số mệnh, tôi cai sữa cô đơn, dọc triền cô đơn tôi…”. 

Không thích làm việc gì chỉ ngang sức mình

* 2020 - khi nhân loại đang oằn mình trước COVID-19 thì ông đã dịch xong tập Kiều. Vì sao ông có ý định dịch Kiều sang tiếng Anh?

- Từ thuở tôi lọt lòng, bà cô, chị của bố tôi, đã lấy Kiều để ru tôi. Bà không biết chữ nhưng bà lại thuộc lòng Kiều. Kiều như hơi thở của bà. Bất kỳ hoàn cảnh nào bà cũng lẩy Kiều. Chính vì nghe những lời bà ru, mà Kiều đã ngấm vào tôi từ hồi bé. Tôi ôm ấp Kiều từ lâu và lâu nay luôn tự xét ra thấy mình không đủ sức bởi kiệt tác đồ sộ quá. Chính vì thế, Kiều trở thành một mong muốn, mơ ước, ôm ấp đã lâu và chưa bao giờ phai nhạt. 

* Vậy làm thế nào mà ông quyết định đi vào con đường khó đó?

- Phương châm làm việc của Dương Tường là không làm những gì ngang sức mình, phải hơn sức mình một chút, vì nếu ngang sức mình thì việc gì phải cố gắng. Phải hơn, phải kiễng chân lên một chút, như thế mới tiến dần lên chứ. Quả thật là như thế, cả cuộc đời tôi, tác phẩm sau bao giờ cũng khó hơn tác phẩm trước một chút. Không khó hơn nhiều nhưng khó hơn một chút, cao hơn một chút. Tôi vẫn nghĩ canh cánh tới Kiều nhưng cả đời cảm thấy chưa đủ sức. Cho đến buổi ra mắt cuốn Chết chịu năm 2017, Nhã Nam đùa cuốn này hẳn là cuốn rửa tay gác kiếm của Dương Tường, vì lúc ấy, mắt tôi cũng đã hỏng rồi, nhìn khó rồi. Kiều chính là cuộc chạy đua của tôi với thời gian.

Dịch Kiều để báo hiếu tiếng Việt 

* Ông đã chinh phục Kiều bằng cách nào?

- Tôi ngồi học lại Kiều. Tôi và một cháu nhỏ, con của hai anh chị Sao Bắc, hai ông cháu ngồi đọc Kiều cho nhau nghe, nghiền ngẫm, bàn luận với nhau về Kiều như hai người bạn. Tôi đặt vấn đề ra, theo bác thế này, theo cháu thế nào… Được một thời gian, tôi nghĩ, thôi, những ngày cuối của mình, đánh liều một phát. Đụng vào núi đá đó, leo Everest đó.

Lúc bấy giờ tôi yếu lắm và không nhìn thấy gì. Tôi còn bị bệnh zona rồi vài thứ bệnh linh tinh. Tôi quyết định phải làm cho xong nhưng làm thế nào khi mắt không còn nhìn thấy? Tôi tập viết lại, để hàng xấp giấy bên cạnh mình để viết từng chữ một trên giấy. Bước đầu, phải tập viết mất hàng tập giấy. Tôi bắt đầu từng dòng đầu tiên bằng cách viết tay.

Thế giới bạn bè của dịch giả Dương Tường thật đa dạng từ người nổi tiếng, tới những người còn hàn vi, từ người già tới người trẻ. Đặc biệt, ai cũng yêu quý sự hồn nhiên của ông
Thế giới bạn bè của dịch giả Dương Tường thật đa dạng từ người nổi tiếng, tới những người còn hàn vi, từ người già tới người trẻ. Đặc biệt, ai cũng yêu quý sự hồn nhiên của ông

Cô Nhã Thuyên tình nguyện gõ hộ mấy trăm câu trong giai đoạn đầu. Tôi không biết cách xem lại như thế nào. Rồi mấy đứa nhỏ dựng cho tôi một màn hình lớn, tôi lại ngồi học thuộc vị trí các chữ trong bàn phím. Chữ phóng to cực đại. Bằng cách đó, tôi đọc được bản máy tính của Nhã Thuyên. Trong quá trình đó, thấy phải chữa nhiều, tôi quyết định: thôi, mình tự cuốc lấy.

Và tôi lần mò, dù là chậm, nhưng bằng Kiều trong ký ức của mình, có thể là sai hoặc chưa chính xác nhưng đó đúng là bản Kiều từ tâm thức của tôi. Tôi cũng có cuốn Kiều của cụ Bùi Kỷ nhưng chỉ để là công cụ nhắc lại mình khi tự nhiên mình quên. Nếu có cháu, tôi nhờ cháu giở ra đọc cho tôi, còn không thì nói chung tất cả đã ở trong đầu rồi. Cho nên phải nhấn mạnh với mọi người, dấu ấn của Dương Tường là ở quan điểm dịch trong bản Kiều này.

Vợ chồng dịch giả Dương Tường đang bế các cháu nhỏ trong họ
Vợ chồng dịch giả Dương Tường đang bế các cháu nhỏ trong họ

* Ông có thể chia sẻ với mọi người về phương pháp dịch của ông trong bản Kiều này, đây là điều mà khá nhiều người quan tâm?

- Trước hết, tôi xin nói rằng, đây là Kiều của Dương Tường, không phải dịch (translate), mà là bản (version). Kiều do Dương Tường kể lại theo cách của mình. Quan điểm về dịch, tôi muốn người dịch là đồng tác giả, làm sao vượt lên định kiến “dịch là phản”, bản dịch lý tưởng phải là kết quả trong đó 100% tác giả và 100% cá tính dịch giả. Cũng giống như Đoàn Thị Điểm dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, với bản dịch này, tôi không tham vọng gì 100% nhưng cũng có dấu ấn của Dương Tường, ở chỗ Kiều do Dương Tường kể lại theo cách riêng.

* Như vậy, ông dịch Kiều hầu như trong trí nhớ không dựa trên bản tham khảo nào, ngay cả những chú thích mà có dư luận cho rằng giống bản của Huỳnh Sanh Thông?

- Tôi không đọc bản tham khảo nào, vì sự hạn chế của đôi mắt, cũng không sử dụng từ điển, chỉ từ trong đầu ra. Thế mới nói tôi liều mình leo Everest. Còn phần chú thích, một số do giáo sư Trần Đình Hiến giúp đỡ.

* Ông có thấy hài lòng với bản dịch của mình?

- Tôi làm câu nào xong câu ấy, không còn sức để đọc lại. Đó cũng là một hạn chế rất lớn. Tôi chấp nhận điều không thể tránh là có lỗi sai, mình còn có thể làm tốt hơn nữa. Nhà xuất bản không nhờ ai, mà tôi cũng không có ý định nhờ ai hiệu đính cả. Anh bạn trẻ Kiên cũng là một người giúp tôi xem lại có gõ nhầm từ nào không. Mọi thứ phải đơn giản, tôi cũng không sử dụng email được.

* Trong quá trình dịch thuật, nhiều lần tưởng như phải dừng do sức khỏe, làm thế nào ông đã vượt qua được?

- Trong quá trình dịch Kiều, tôi mấy lần phải tiêm thẳng vào mắt, mỗi đợt tiêm là 3 tháng, 3 mũi, để duy trì thị lực làm việc. Quá trình làm việc có những đợt báo động giả rất kinh khủng, sợ hãi và đôi khi tuyệt vọng. Tôi ngồi vào bàn, mở máy ra, thấy mờ, không nhận ra mặt chữ. Tôi thầm nghĩ, thôi tận thế rồi, bỏ cuộc thật ư? Tôi nhắm mắt lại, lạy giời lạy đất, lạy cụ Nguyễn Du, tự động viên mình, chưa đến lúc tận thế đâu. Đến lúc mở mắt ra, tôi bắt đầu nhận ra lờ mờ các nét chữ trên màn hình, chợt thở phào nhẹ nhõm, sống rồi. Nhiều buổi sáng tôi phải tự trấn an mình như thế, chưa tận thế đâu, chưa tận thế đâu!

Quá trình hơn hai năm mò mẫm, gian khổ, tưởng như tuyệt vọng. Lao vào cuộc phiêu lưu này, không biết bao giờ bị dừng lại nhưng tôi cứ đi, cho đến câu 3254 tôi mới có thể thở phào, không dám tin mình đã đi hết Kiều.

“Trần Dần gọi tôi là thằng mơ mộng, Châu Diên gọi tôi là đứa trẻ con, còn con gái thi thoảng vẫn gọi bố là baby. Nhưng, tôi đứng về phe-nước-mắt! Và cô biết không, sau này tôi chết, câu đó sẽ in lên bia mộ của tôi. Mà nếu gọi là phe-nước-mắt thì quá nửa nhân loại đấy! Bao gồm những người đàn bà bị áp bức, những người sống trong cam chịu… Cho nên, phe-nước-mắt của tôi rộng lắm!”.

Dịch giả Dương Tường

* Quả thực đây là thử thách lớn nhất của ông trong quãng thời gian này, trong Kiều, ông thích câu nào nhất?

- 3254 câu, câu nào tôi cũng thích. Tôi thích câu: “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Câu tiếp theo là: “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Tôi nghĩ, không chỉ là Tài - Mệnh ghét nhau, mà anh Mệnh đánh anh Tài, anh Tài là nạn nhân của số phận; giỏi lắm, anh Tài chỉ phản ứng bằng chữ Đức của mình, để Đức năng thắng số chứ không hề có sự phản kháng. Kiều bán mình chuộc cha, rơi vào tay Sở Khanh, Tú Bà, chịu đòn Hoạn Thư… Thế nên khi dịch câu này, tôi chú ý việc số mệnh không nương tay với Tài. Tôi cũng thích câu: “Đài hương soi đến dẫu bèo cho chăng”. 

* Cảm giác sau khi dịch xong 3254 câu Kiều của ông thế nào?

- Mọi người hỏi tôi dịch Kiều xong thấy thế nào ư? Thấy mình đã báo hiếu được tiếng Việt và chiến thắng được số phận. Những ngày COVID thấy mình cũng làm được việc có ích. Dịch xong Kiều cũng giống như đã chinh phục được Everest, giờ đây, tôi lại thấy thời gian sao dài quá. Tôi lại đi kiếm việc để làm, đó là dịch những bài thơ trong trí nhớ sang tiếng Anh, tiếng Pháp.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ. 

Codet Hà Nội (thực hiện) 
Ảnh: Nguyễn Đình Toán

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI