Dịch COVID-19 tái bùng phát, tấn công làng giải trí thế giới

29/10/2020 - 15:18

PNO - Sau khoảng thời gian “nhừ đòn” vì dịch COVID-19, ngành công nghiệp giải trí thế giới tiếp tục gánh chịu những đòn giáng nặng nề do dịch bệnh tái bùng phát mạnh.

Ngành công nghiệp giải trí tiếp tục “đóng băng” hoạt động

Từ đầu tháng 10/2020, các quốc gia châu Âu tiếp tục trở thành điểm nóng của dịch COVID-19 với hàng trăm ngàn ca nhiễm mới SARS-CoV-2 mỗi ngày. Để khống chế diễn tiến dịch bệnh trầm trọng, chính phủ các nước nhanh chóng ban hành các lệnh hạn chế nghiêm ngặt, giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp giải trí đã chịu nhiều "thương tổn" sau đợt bùng phát dịch đầu năm 2020.

Hệ thống rạp chiếu phim tại châu Âu tạm ngưng hoạt động.
Hệ thống rạp chiếu phim tại châu Âu tạm ngưng hoạt động.

Sáng nay, 29/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel lần lượt công bố lệnh phong tỏa toàn quốc, kéo dài đến hết tháng 11. Theo đó, lần thứ hai Pháp sẽ đóng cửa các rạp chiếu nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, sau quãng thời gian tạm ngưng hoạt động từ giữa tháng 3 đến ngày 22/6.

Đặc biệt, đòn giáng nặng nề đến vào lúc ngành công nghiệp phim ảnh Pháp, nhất là các nhà phân phối độc lập bắt đầu thấy dấu hiệu khởi sắc nhờ vào dòng phim hài địa phương cũng như bom tấn Tenet của Christopher Nolan.

Marc-Olivier Sebbag, Giám đốc Điều hành Liên đoàn Rạp chiếu phim Pháp phát biểu: “Thực tế đáng buồn, vì tuần trước có khoảng 3,3 triệu khán giả đến rạp chiếu phim, đây là con số tốt nhất kể từ ngày 22/6.”

Thông báo của Tổng thống Macron được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Đức Angela Merket công bố ban hành lệnh phong tỏa. Hệ thống rạp chiếu phim ở Đức cùng với các nhà hát opera và phòng hòa nhạc sẽ đóng cửa ít nhất một tháng, kể từ ngày 2/11.

Ở các quốc gia châu Âu khác, quyết định cứng rắn tương tự cũng lần lượt ban hành. Rạp chiếu phim và nhà hát liên tiếp trở thành "nạn nhân quen thuộc".

Nhiều rạp phim ở Bỉ còn đơn phương đưa ra thông báo đóng cửa thay vì chờ ban bố của chính phủ, trước tình hình lây lan virus nguy cấp của nước này.

bom tấn Tenet đã giúp tăng lượng khán giả đến rạp sau đợt bùng phát dịch đầu năm 2020.
Bom tấn Tenet giúp tăng lượng khán giả đến rạp sau đợt bùng phát dịch đầu năm 2020.

Tại Hoa Kỳ, khi số ca nhiễm virus vượt quá 8 triệu trường hợp vào giữa tháng 10, nhiều buổi hòa nhạc, lễ hội, chương trình truyền hình cũng như các sự kiện khác nhanh chóng bị lùi lịch hoặc hủy bỏ. Các chuyến lưu diễn được mong đợi cao - bao gồm Lover Fest của Taylor Swift, Harry Styles's Love on Tour và tất cả buổi hòa nhạc của Billie Eilish - đều bị lùi lịch.

Ngoài ra, các lễ hội âm nhạc lớn như Coachella, Stagecoach và Lollapalooza cũng rơi vào tình thế tương tự. Chưa kể, gần 100 phim Hollywood bị hoãn chiếu do đại dịch COVID-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu ngành giải trí Hoa Kỳ.

Còn ở châu Á, dù đã khống chế dịch bệnh khá tốt nhưng các đợt bùng phát rải rác cũng khiến giới nghệ thuật không dám mạo hiểm. Điển hình như ở Hàn Quốc, các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người đẩy Liên hoan phim Quốc tế Busan (diễn ra từ 22-30/10) nhộn nhịp ngày nào trở nên ảm đạm.

ạp chiếu phim ngoài trời tại Trung tâm Điện ảnh Busan, địa điểm chính của Liên hoan phim Quốc tế Busan lần thứ 25
Rạp chiếu phim ngoài trời tại Trung tâm Điện ảnh Busan, địa điểm chính của Liên hoan phim Quốc tế Busan lần thứ 25.

Không còn các minh tinh màn bạc diện những trang phục lộng lẫy, sải bước trên thảm đỏ lễ khai mạc và bế mạc, cùng những tràng pháo tay thán phục của khán giả khi thưởng thức các tác phẩm hay hoặc cảnh công chúng chen chúc, xếp hàng dài để mua vé. Năm nay, hầu hết rạp chiếu ngoài trời quy mô 5.000 chỗ ngồi đều dược phủ đầy áp phích các bộ phim dự giải.

Những mất mát lớn

Ngoài những tổn thất về mặt kinh tế, công chúng yêu nghệ thuật còn xót xa hơn khi chứng kiến nhiều tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng lần lượt qua đời vì COVID-19.

Hàng loạt nghệ sĩ qua đời vì dịch COVID-19.
Hàng loạt nghệ sĩ qua đời vì dịch COVID-19.

Đầu tháng 10, làng thời trang thế giới chấn động khi nhà thiết kế Nhật Bản Kenzo Takada qua đời do các biến chứng liên quan đến virus corona mới. Từ những ngày đầu vào nghề, ông đã gây ấn tượng với cách phối màu, họa tiết độc đáo cùng tư duy mới mẻ tổng hòa giữa thời trang phương Tây và văn hóa phương Đông đặc sắc.

Cùng với đó, Bruce Williamson, giọng ca chính của ban nhạc The Temptations được nhiều khán giả tiếc thương ngay khi thông tin nam ca sĩ qua đời tại nhà riêng, sau trận chiến chống COVID-19. Những năm gần đây, Bruce Williamson thường xuyên hợp tác cùng ban nhạc BlackBerry Jam và dành phần lớn thời gian biểu diễn ở Las Vegas.

Mới đây, ngày 25/10, huyền thoại người Anh Johnny Leeze, nổi tiếng với 2 vở opera kinh điển Emmerdale Coronation Street đã qua đời ở tuổi 78 vì COVID-19 và các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Con gái của nam diễn viên chia sẻ, Johnny Leeze có kết quả dương tính với COVID-19 một ngày trước khi chết. Xuyên suốt sự nghiệp, Johnny Leeze liên tục ghi dấu ấn trong lòng công chúng qua loạt nhân vật được yêu thích trong các bộ phim dài tập như Last of the Summer Wine, Dales

Nam diễn viên truyền hình kỳ cựu Mirza Shahi qua đời ở Karachi, Paskistan vào ngày 29/10, một tuần sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19. Cùng với Shahi, vợ và con gái của ông cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Nổi tiếng qua loạt phim truyền hình Hi Jaidi, Fifty Fifty, Chakori… cái chết của nam tài tử khiến công chúng không khỏi bất ngờ.

Tương tự Bruce Williamson, Kenzo Takada, Johnny Leeze và Mirza Shahi, một loạt tên tuổi nổi tiếng, ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả như Trini Lopez, Tommy DeVito, Roy Hom,… cũng qua đời sau thời gian chiến đấu với SARS-CoV-2.

Chung Thu Hương (theo Yonhap, CNN và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI