Dịch COVID-19 khiến Mỹ đối diện với làn sóng thiếu giáo viên trầm trọng

07/06/2021 - 12:13

PNO - Chúng tôi tìm đỏ cả mắt nhưng vẫn không đủ giáo viên đứng lớp. Ngoài những người đến tuổi nghỉ hưu thì một số lượng lớn giáo viên đang rời bỏ nghề của mình vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Dù rất sốt ruột chờ đợi cả một thời gian dài, thế nhưng ông Charles Prijatelj, cán bộ phụ trách hệ thống các trường học tại khu vực quận Altoona (tiểu bang Pennsylvania, Mỹ), vẫn chỉ nhận được chưa tới 100 hồ sơ ứng tuyển cho các vị trí giáo viên tiểu học đang thiếu. Từ năm ngoái đến nay, số lượng hồ sơ nộp cho các đợt tuyển dụng tại địa bàn có 7.500 học sinh này đang sụt giảm đáng kể.

“Chúng tôi tìm đỏ cả mắt nhưng vẫn không đủ giáo viên đứng lớp. Ngoài những người đến tuổi nghỉ hưu thì một số lượng lớn giáo viên đang rời bỏ nghề của mình vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19”, ông Prijatelj nói. 

Mỹ đang đối diện với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng
Mỹ đang đối diện với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng

Vấn đề mà ông Prijatelj đang phải đối mặt không phải cá biệt mà là hiện tượng đang phổ biến trong toàn nước Mỹ. Đến nỗi mới đây, Tổng thống Joe Biden phải lập kế hoạch giải cứu ngành giáo dục với gói ngân sách trị giá 9 tỷ USD.

Theo đánh giá của Viện chính sách Giáo dục Washington, khả năng cung cấp giáo viên theo nhu cầu thực tế của ngành giáo dục đã bắt đầu có dấu hiệu “hụt hơi” từ năm 2019 và càng trở nên căng thẳng ở thời điểm hiện tại. Dự báo, trong tương lai gần, tình hình càng nghiêm trọng khi hơn 270.000 giáo viên ở khối công lập đã, đang và sẽ rời bỏ bục giảng trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2026. Một khảo sát của Hiệp hội Giáo dục quốc gia Mỹ cho thấy, cứ một trong ba giáo viên được phỏng vấn đều có chung câu trả lời: đại dịch COVID-19 chính là lý do khiến họ bỏ việc hoặc chấp nhận nghỉ hưu sớm.

Trong khi đó, các chương trình đào tạo giáo viên cũng đang phải đau đầu bởi số sinh viên đăng ký vào ngành sư phạm sụt giảm đến 1/3 trong giai đoạn 2010 - 2018 khiến lực lượng giáo viên cung cấp cho các trường học cũng bị thiếu hụt đáng kể. “Vấn đề này thực sự đáng lo ngại. Đây chính là lúc phải nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò của giáo viên để có kế hoạch hỗ trợ họ”, bà Linda Darling-Hammond, cố vấn giáo dục của Tổng thống Biden phát biểu. 

Trong gói hỗ trợ trị giá 9 tỷ USD, phần lớn được dành cho việc đào tạo giáo viên, trang bị cơ sở vật chất, cũng như đa dạng hóa đội ngũ giáo viên trên phạm vi toàn quốc. Nguồn ngân sách này cũng dành chi cho việc thu hút nhiều hơn sinh viên nộp đơn và các trường sư phạm, giữ chân đội ngũ giáo viên có ý định bỏ nghề, đồng thời tạo điều kiện cho những chuyên gia ở các ngành nghề khác được tham gia lĩnh vực giáo dục bằng cách nới lỏng các thủ tục liên quan.

Bên cạnh đó, một phần ngân sách trị giá 1,6 tỷ được phân bổ để hỗ trợ những lĩnh vực giáo dục đang trong tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng như: giáo viên giáo dục đặc biệt và giáo viên có khả năng giảng dạy song ngữ, giáo viên người da màu.

Đại dịch COVID-19 cũng khiến tình trạng giáo viên “chân trong chân ngoài” trở nên phổ biến. Có tới 67% giáo viên thú nhận trong đợt khảo sát hồi cuối năm 2020 rằng, họ phải làm thêm một công việc khác ngoài giảng dạy để có thêm thu nhập cho cuộc sống hằng ngày đang rất khó khăn”. Ngoài ra, số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào các trường có khối ngành sư phạm bị sụt giảm là do lương thấp và điều kiện làm việc khắt khe.

Nguyễn Thuận (theo NBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI