ĐH Hoa Sen: Sao chưa lên đỉnh đã vội tụt dốc?

03/08/2014 - 18:30

PNO - PNO - Gần kề năm học mới, nội bộ Trường Đại học Hoa Sen lại lủng củng đủ điều, mâu thuẫn và tranh chấp được đẩy lên đỉnh điểm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Người ngoài cuộc thì hơi bất ngờ, vì có lẽ tính đến thời điểm nổ ra “lùm xùm nội bộ”, Đại học Hoa Sen có thể nói là thương hiệu được phụ huynh, nhà tuyển dụng tin dùng khi gửi con vào học hay chọn nhân sự cho đơn vị mình.

Thế mà, bi kịch lại xảy ra. Xem xét những thông tin trên báo chí, trên mạng xã hội thì thấy nguyên nhân chủ yếu nằm ở chỗ tranh chấp quyền lợi, sai phạm trong quản lý và nguy cơ bị “thôn tính” bởi một nhóm người có tiền, có quyền, có thế và có “lý” hơn.

Ai đúng, ai sai, chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ nhất. Mọi tranh cãi đều xuất phát từ chỗ cố chấp quan điểm, rằng “quan điểm tôi đúng, còn quan điểm anh sai”.

Nhưng đúng sai cũng chỉ có giá trị tạm thời trong một luật chơi do những người chơi cùng một trò thỏa thuận với nhau để vận hành trò chơi ấy được lâu. Giống như ở một số nước Hồi giáo, đàn ông có 4 vợ vẫn đúng, còn ở Việt Nam, đàn ông 4 vợ là vi phạm pháp luật. Do đó, không thể nói bên này đúng, bên kia sai khi chưa nhìn thấy rõ luật chơi của những người trong cuộc.

Đặt trường hợp những sai phạm của hiệu trưởng đương nhiệm là có thật, rồi một ban giám hiệu, một hội đồng quản trị mới được hình thành sau biến cố thì liệu tình trạng này có chấm dứt ở những nhiệm kỳ tiếp theo hay không? Liệu ĐH Hoa Sen có là “ĐH Hùng Vương” thứ hai hay không? Hay liệu sắp tới có ĐH tư thục nào tiếp tục rơi vào “bi kịch” như ĐH Hoa Sen hay không? Tất cả đều có thể xảy ra nếu vấn đề không được giải quyết tận gốc mà chỉ lo tỉa phần ngọn.

DH Hoa Sen: Sao chua len dinh da voi tut doc?

Nhiều ý kiến tranh luận trái chiều đã diễn ra tại Đại hội cổ đông bất thường của ĐH Hoa Sen sáng 2/8. Ảnh: Nguyễn Loan (VnExpress.net)

Theo tôi, vấn đề chính ở chỗ những cổ đông, những người đầu não nắm quyền và tiền đã không sòng phẳng, bình đẳng trong phân chia lợi nhuận. Nhưng quan trọng hơn là họ không đặt quyền lợi của sinh viên làm trọng tâm, trong khi chính SV là những người đã góp phần đưa con tàu ĐH Hoa Sen đi tới. Nếu họ nghĩ đến sinh viên - những khách hàng - họ sẽ cùng nhau tìm cách nâng cao chất lượng phục vụ sinh viên, để góp phần tạo nhân lực có chuyên môn cao, có đạo đức cho xã hội và xa hơn nữa là tạo thương hiệu cho quốc gia.

Khắc phục việc không sòng phẳng trong phân chia tiền bạc, hay điều chỉnh hướng đi của trường thì dễ nhưng luôn nghĩ cách phục vụ tốt nhất khách hàng trong quá trình hoạt động thì không phải dễ. Vì chính do cách phục vụ khách hàng tốt, tạo đầu ra chất lượng sinh viên tốt mà ĐH Hoa Sen mới tạo được uy tín, dù đi lên từ một trường trung cấp.

Nhưng khi có uy tín rồi thì quy mô tăng, lợi nhuận tăng, bao vấn đề sẽ nảy sinh. Khi khó khăn thì còn dễ giữ thiên lương, nhưng khi giàu có rồi, người ta dễ bị đồng tiền làm chủ. Mọi mục tiêu cao đẹp sẽ biến mất theo mỹ từ.

Nếu mọi cổ đông, ban quản trị, ban giám hiệu đều được công khai tài chính một cách minh bạch, quyền lợi chia một cách sòng phẳng; tất cả đều đặt chung mục tiêu “tạo ra những lớp sinh viên vừa hồng vừa chuyên” cho xã hội, cho Tổ quốc hơn mục tiêu làm giàu cho cá nhân hay cho một nhóm người thì tôi nghĩ mọi khó khăn sẽ dễ vượt qua, sự đoàn kết và sức mạnh sẽ có.

Còn nếu chỉ chăm chăm vào đồng tiền, vào quyền hành, chức vụ thì bế tắc vẫn hoàn bế tắc.

Kinh doanh suy cho cùng là anh bán giá trị thật của anh cho nhiều người. Kinh doanh giáo dục không có gì là xấu, nó chỉ xấu khi khách hàng dựa vào hào quang của anh đến mua hàng, lúc mua về thì món hàng không tương xứng với số tiền họ bỏ ra.

Đại học Harvad cũng là một đại học tư thục nhưng tại sao thương hiệu của họ nổi tiếng trên toàn thế giới. Còn Việt Nam, đến bao giờ làm được chuyện ấy? Tại sao họ làm được mà chúng ta lại không? Chúng ta bị trở ngại vấn đề gì?

Câu trả lời thỏa đáng có lẽ đến từ chính những người làm giáo dục, những tiến sĩ, những quan chức từng đi học tập ở nước ngoài.

NHÂN TIẾN

Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Hoa Sen bị bãi nhiệm

Sáng 2/8, 30% cổ đông Đại học Hoa Sen đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để tiến hành biểu quyết bãi nhiệm chủ tịch HĐQT, bầu lại HĐQT cũng như ban điều hành nhà trường.

Dự kiến diễn ra lúc 8g nhưng nhiều cổ đông có ý kiến trái chiều, thậm chí tranh luận gay gắt ngay tại đại hội nên đến gần 10g cuộc họp mới được bắt đầu.

Ông Nguyễn Trung Đức - Trưởng Ban đại hội cho biết, có 100 cổ đông tham gia tương đương với 70,5% cổ đông có quyền biểu quyết nên tính chất của đại hội là hợp pháp. Ông Nguyễn Trung Đức cũng báo cáo lại những sai phạm của bà Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen. Theo ông, bà Phượng đồng thời vừa làm hiệu trưởng vừa là giám đốc công ty Vĩnh An nên đã ký kết nhiều hợp đồng dẫn tới những sai phạm.

(…)Tại đại hội, cổ đông Lê Ngọc Luân nhiều lần khẳng định, đại hội không đúng luật và yêu cầu được công bố thư ngỏ của bà Bùi Trân Phượng giải thích những cáo buộc về mình. Tuy nhiên, cổ đông này liên tục bị chủ tọa ngắt lời vì cho rằng đại hội được tổ chức đúng quy định khi đủ tỷ lệ cần thiết.

Sau nhiều tranh cãi, đại hội tiếp tục xin biểu quyết về việc bãi nhiệm các thành viên của HĐQT trường ĐH Hoa Sen. 7 thành viên hiện tại của HĐQT đều được đưa ra biểu quyết. Trong đó trên 98,5% đại biểu đồng ý biểu quyết miễn nhiệm đối với ông Trần Văn Tạo và bà Bùi Trân Phượng;các thành viên khác cũng chịu hoàn cảnh tương tự.

Riêng ông Nguyễn Trung Đức - thành viên của HĐQT - người đứng ra tổ chức đại hội này được 85,72% cổ đông biểu quyết giữ nguyên. Bà Phạm Thị Thủy - Phó hiệu trưởng trường cũng là thành viên HĐQT nhận được 70% phiếu tán thành giữ lại nhưng đã xin rút.

Sau đó, đại hội tiếp tục xin biểu quyết để bầu mới 6 thành viên khác vào HĐQT của trường.

Trước đó, lục đục nội bộ ĐH Hoa Sen xảy ra khi tháng 1/2014 trường đã tiến hành đại hội cổ đông. Tại đây, HĐQT đề nghị điều chỉnh điều lệ hoạt động của trường từ “hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận” thành “hoạt động không vì lợi nhuận theo Luật giáo dục đại học năm 2013”.

Việc điều chỉnh này đã phân tán ĐH Hoa Sen thành hai. Trong khi các cổ đông lớn không đồng ý với điều chỉnh này và yêu cầu giữ nguyên như cũ hoặc điều chỉnh thành “hoạt động vì sự phát triển bền vững” thì những người khác lại muốn hoạt động theo cơ chế mới. Nếu hoạt động của trường giữ như cũ thì cổ tức chia hằng năm dựa vào biểu quyết của cổ đông trong đại hội. Nếu thực hiện theo mô hình “hoạt động không vì lợi nhuận theo Luật giáo dục đại học năm 2013” thì tỉ lệ cổ tức hằng năm lại không được vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ.

Cũng trong đại hội này, vấn đề chia cổ tức được tranh luận nãy lửa. Có cổ đông đã đề xuất chia cổ tức đến 30%. Sau phần thảo luận căng thẳng, cuối cùng mức cổ tức năm 2013 được biểu quyết là 20% - mức cao nhất của trường từ trước đến nay.

Theo Nguyễn Loan (VnExpress.net)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI