Đến Sài Gòn, không biết đi đâu

25/05/2020 - 07:02

PNO - Nhu cầu “city tour” của chính người dân TPHCM có hay không, lớn hay nhỏ? Thật ra, TPHCM có nhiều sản phẩm du lịch, nhưng hầu như người dân thành phố này lại ít biết đến.

 

Chùa Giác Lâm (gần 300 tuổi, tọa lạc tại 565 Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình) là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia của Việt Nam tháng 11 năm 1988, nhưng không nhiều người biết để tham quan
Chùa Giác Lâm (gần 300 tuổi, tọa lạc tại 565 Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình) là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia của Việt Nam tháng 11 năm 1988, nhưng không nhiều người biết để tham quan

Theo Sở Du lịch TPHCM, trong bốn tháng đầu năm 2020, chỉ có 1.303.750 lượt khách quốc tế đến TPHCM, giảm 55,62% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng Tư, con số này bằng không, giảm 100% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh thu du lịch của TPHCM cũng sụt giảm nghiêm trọng: tổng thu trong bốn tháng đầu năm chỉ đạt 26.106 tỷ đồng, giảm 42,6% so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, công suất bán phòng, doanh thu nhà hàng, hội nghị chỉ bằng 5-10% so với cùng kỳ năm 2019. Phần lớn khách sạn chọn giải pháp tạm ngưng kinh doanh cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Một sáng đầu tuần trước, tôi uống cà phê ở góc ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Diệu, quận 3, TPHCM. Một “ông Tây” trong trang phục rồng rắn đặc trưng của dân du lịch bụi xuất hiện, thẳng thắn xin tiền do cạn túi. Tôi không cho tiền mà nói sẽ tặng anh ta suất ăn sáng của mình. Người đàn ông gầy nhom vui vẻ đón nhận rồi tiếp tục rảo qua bàn bên cạnh chìa tay…

Tôi biết, sự ảm đạm này còn kéo dài khi đọc những bàn luận về kịch bản hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19 theo các mô hình. Ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch - cho rằng, đối với ngành du lịch Việt Nam, năm 2020 có thể phải chấp nhận mô hình phục hồi chữ L - thể hiện quá trình trì trệ chưa biết thời điểm phục hồi hoặc trước mắt là phục hồi chậm, bởi ngay cả khi dịch bệnh được khống chế, tâm lý e ngại cộng với quỹ thời gian không còn nhiều để du khách quốc tế lên kế hoạch đi du lịch vào cuối năm sẽ khiến năm nay là năm tăng trưởng thấp kỷ lục của ngành du lịch.

Theo bà Trần Thị Xuân Quyên - Giám đốc tư vấn đào tạo Công ty IRR - thị trường khách quốc tế coi như “đắp chiếu”, phải chờ qua năm với niềm hy vọng Việt Nam sẽ là điểm đến mà du khách thích thú lựa chọn nhờ “tiếng vang” chống dịch. Trước mắt, các công ty du lịch đang thúc đẩy tour nội địa. Người dân cũng đang rục rịch đi lại nhưng chỉ mới đạt khoảng 20-30%. Dự báo thị trường nội địa sẽ phục hồi khoảng 50% trong quý IV/2020.

Có thể hiểu, cho đến hết năm nay, với lợi thế của mình, các địa phương phải tranh thủ miếng bánh nội địa chỉ còn một nửa ấy. Riêng TPHCM, liệu sẽ xoay xở thế nào khi sở trường “trung tâm trung chuyển” đã bị gãy do mọi con đường dẫn về Sài Gòn đang còn trong vòng cách ly, gián đoạn?

Một người bạn từ nước ngoài phát biểu: “Đến Sài Gòn chỉ biết có đi ăn”, làm tôi chạnh lòng. Nhưng có lẽ, nhận định đó cũng đúng phần nào. Không ít người Sài Gòn lúng túng khi đón tiếp khách phương xa vì chẳng biết dẫn họ đi đâu để tham quan, trải nghiệm ngoài dạo phố, ăn uống hoặc cùng lắm là xem ca nhạc, hài kịch. Một nhóm Việt kiều muốn đi xem rối nước ở Sài Gòn, tôi chỉ nhớ mang máng ở Bảo tàng Lịch sử TPHCM và cho họ thêm chỉ dẫn từ… Google. Rốt cuộc, tôi nhận phản hồi không có suất diễn phù hợp vào ban đêm ở Thảo cầm viên Sài Gòn nên họ đành bỏ ý định.

Trao đổi về điều này, một lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM cho rằng, do người dân thiếu thông tin. Thật ra, TPHCM có nhiều sản phẩm du lịch, nhưng hầu như người dân thành phố ít biết đến. Dường như khi xây dựng tour, thiết kế sản phẩm du lịch, doanh nghiệp và cơ quan quản lý ngành thường lấy du khách quốc tế làm đối tượng. Như đã nói, có sự dễ dàng hơn đối với du khách quốc tế do yếu tố khác lạ.

Nếu cũng là sản phẩm như “Hoa nở xứ vàng trắng”, “Màu xanh và sức sống trên vùng đất thép”, du lịch trải nghiệm và gắn kết cộng đồng “Thiềng Liềng - Chốn bình yên”, du lịch bảo tồn văn hóa bản địa “Vẻ đẹp bình yên trong lòng thành phố”, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên “Tìm hiểu đời sống người dân giữ rừng”, chương trình “Du ngoạn sông nước, miệt vườn Bình Chánh” và “Về làng ở đô thành”… mà muốn thu hút du khách các tỉnh hay chính người Sài Gòn thì có lẽ cần phải dày công đầu tư, làm mới thêm.

Thời đại dịch cho chúng ta nhiều cảm thức. Du lịch TPHCM lâu nay có lẽ đã bỏ quên một thị trường lớn là chính người dân TPHCM. Ở khía cạnh kinh tế, chưa biết doanh thu của thị trường này có đủ hấp dẫn giới kinh doanh tour hay không, nhưng nếu xem du lịch khám phá chính nơi mình đang sống là một nhu cầu có thật của người dân, là cánh tay nối dài của giáo dục văn hóa, lịch sử và truyền thống thì cần lắm những phát kiến phong phú hơn nữa cho “city tour”.

Mô hình xe buýt du lịch hai tầng hay chùm tour “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn” gần đây là một nỗ lực lớn của Sở Du lịch TPHCM, cho phép người dân tiếp tục chờ đợi sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch đáng để lựa chọn. 

Nam Anh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI