Đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển

26/02/2024 - 06:28

PNO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Đầu tư cho y tế là đầu tư cho sự phát triển”.

Tháng 8/2023, sau khi phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung Ương mổ tim cho trẻ, giáo sư Kotani - Phó trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Okayama (Nhật Bản) - thốt lên đầy kinh ngạc và tự hào: “Trước đây, khi chuyển giao kỹ thuật mổ tim qua đường nách cho bệnh viện với đường mổ dài khoảng 6cm thì nay các bạn thu gọn đường mổ còn khoảng 4cm, rút ngắn thời gian hồi sức, thời gian thở máy, giảm đau cho bệnh nhi sau phẫu thuật cũng tốt hơn”. 

Vị chuyên gia này cũng cho hay, không có nhiều nơi trên thế giới phẫu thuật tim qua đường nách. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn, việc Bệnh viện Nhi Trung Ương mổ 700 ca tim với tỉ lệ thành công 100% (tính tới tháng 8/2023) là điều khiến ông ngưỡng mộ.

Các y, bác sĩ Việt Nam đã và đang làm chủ nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị thành công nhiều ca bệnh khó và phức tạp. Năm 2023 và đầu năm 2024, ngành y tế Việt Nam tiếp tục ghi dấu với hàng loạt thành tựu ấn tượng, như Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) chế thành công 2 loại thuốc phóng xạ mới dùng trong chụp PET/CT, làm chủ kỹ thuật xạ trị toàn thân cho bệnh nhân ung thư; Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nuôi sống em bé chào đời ở tuần thai 26, chỉ nặng 400g; Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) thông van tim cho trẻ từ bào thai; Bệnh viện Quân đội 108 (TP Hà Nội) phối hợp cùng các đơn vị thực hiện thành công 2 ca lấy đa mô, tạng từ người chết não trong vòng 24 giờ để hồi sinh 8 mảnh đời…

Cùng với hình ảnh không ngại khó khăn, vất vả trong đại dịch COVID-19, các “chiến sĩ áo trắng” với trình độ chuyên môn cao, không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, tay nghề khiến chúng ta rất đỗi tự hào về những cống hiến của họ trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Nhiều chuyên gia y tế trong và ngoài nước đã nhận định: “Tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”. Do vậy, chúng ta có quyền tin Việt Nam có thể trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, có một thực tế là, ngành y tế của Việt Nam vẫn chưa nhận được sự đầu tư đúng mức. Mức lương của cán bộ y tế Việt Nam đã thực sự đủ cho họ sống bằng nghề, đã xứng đáng với công việc đặc thù và thời gian đào tạo không ngừng nghỉ của họ? Thật chạnh lòng khi nghe một bác sĩ chia sẻ rằng, nguồn thu nhập chính của gia đình là từ cửa hàng bán quần áo online. 
Nguồn lực cho ngành y tế hiện nay vẫn còn eo hẹp, cơ chế đầu tư, mua sắm trang thiết bị còn phức tạp, gây khó khăn cho việc tiếp cận các trang thiết bị, kỹ thuật y tế hiện đại, hiệu quả trên thế giới. Trong kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV hồi cuối năm 2023, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - đã đề xuất xây dựng 2 trung tâm xạ trị proton để điều trị ung thư bởi Việt Nam chưa có máy xạ trị proton nào, số máy xạ trị đang có chỉ đáp ứng 60 - 70% nhu cầu xạ trị cơ bản của người bệnh, nhiều máy gia tốc thường xuyên hỏng hóc. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân ung thư ở Việt Nam phải đi Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan điều trị với chi phí rất lớn. 

Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc ở Bộ Y tế nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Đầu tư cho y tế là đầu tư cho sự phát triển”. 

Y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực trụ cột của đất nước. Với trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ y tế hiện nay, chúng ta tin tưởng rằng, nếu được đầu tư thích đáng, chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng dân số, y tế Việt Nam sẽ cất cánh bay cao và vươn xa. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI