Đầu năm leo núi Đá Bia, hít hà hương Tết trong lành

06/02/2022 - 09:07

PNO - Núi Đá Bia không quá cao nhưng nhiều đoạn dốc dựng đứng, khá thử thách với những người không chuyên muốn chinh phục chướng ngại đầu năm mới.

Nếu xuất phát từ thành phố Tuy Hoà
Nếu xuất phát từ thành phố Tuy Hòa, những nhà leo núi sẽ đi ngược về hướng Nam của thành phố để đến được khu vực chân núi Đá Bia - ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy núi Đèo Cả, tại xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Khung cảnh ruộng lúa
Rời phố thị chật chội, khung cảnh ruộng lúa hai bên đường đi tạo sự hứng khởi ngay từ đầu vì hương Tết giờ đây không phải mùi vị từ của ngon, vật lạ mà là thứ hương mạ non ngan ngát, trong lành sớm mai. Mùi hương đưa lòng người trở về với bình yên, tâm hồn tự tại.
Hành trình leo núi
Hành trình leo núi bắt đầu với quãng thời gian dự tính là hơn 2 tiếng để chinh phục đỉnh Đá Bia. Khi xuống núi, mọi người sẽ mất ít thời gian hơn nhưng trung bình, cần khoảng gần 4 tiếng để hoàn thành hành trình, hoặc ngắn hơn với người leo núi chuyên nghiệp.
Đoạn đường
Con đường mòn trong rừng qua nhiều năm đã được bồi đắp, cải tạo để thuận tiện hơn cho các nhà leo núi từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp. Nhiều đoạn được xây cầu bê tông, làm bậc thang bằng đá có tay vịn để hỗ trợ người leo núi vượt qua các đoạn dốc khó đi. Việc thi công đã được thực hiện từ nhiều chục năm về trước nên gần như không thấy tác động của con người lên thiên nhiên, cảnh quang vẫn giữ được nét hoang sơ.
Nhiều đoạn bị che phủ
Trong rừng, chỉ có một con đường dẫn đến đỉnh núi Đá Bia nên nếu chưa có kinh nghiệm leo núi, bạn cũng dễ dàng tìm đúng đường để đi, không sợ bị lạc. Đương nhiên, trước khi leo núi, bạn cần luyện tập thể lực và khởi động kỹ vì 1/3 đoạn đường đầu tiên khá dốc, nhiều đoạn thẳng đứng khiến người leo nhanh mất sức và dễ bỏ cuộc.
Cây bụi, hoa dại
Cây bụi, hoa dại trong rừng là "phần thưởng" đầu tiên giúp hành trình chinh phục đá bia trở nên thi vị hơn.
Những tảng đá lớn
Những tảng đá lớn án ngữ giữa lối đi là khung cảnh quen thuộc trong hành trình. Ở cung đường này, sẽ có nhiều hơn 5 lần, bạn phải ngạc nhiên vì nhiều khối đá lớn nằm lẻ loi hoặc xếp chồng lên nhau đồ sộ đến mức khó tin.
Trên suốt hành trình
Trên hành trình chinh phục, sẽ có một số điểm dừng để bạn được ngắm khung cảnh thiên nhiên ở phía xa xa, lấy tinh thần để tiếp tục leo lên đỉnh núi. Núi Đá Bia có tên gọi khác là Thạch Bi Sơn, núi cao 706 mét, từng là nơi diễn ra một số trận đánh trong chiến tranh. Đây là di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh. 
Thỉnh thoảng
Thỉnh thoảng trong rừng có một số động vật xuất hiện bất ngờ, thu hút sự tò mò của những nhà leo núi. 
Mỏm đá
Khe đá được tạo thành từ 2 tảng đá lớn xếp chồng lên nhau. Kích thước khá lớn và tính kết nối giữ 2 tảng khá chắc chắn nên một số nhà leo núi mạnh dạn có thể leo lên đây để... chụp hình sống ảo.
Trên đỉnh núi
Trên đỉnh núi có 1 tảng đá lớn cao 76 mét sừng sững, uy nghi. Khi di chuyển trên đường, đoạn qua địa phận xã Hòa Xuân Nam, với điều kiện trời quang thì từ xa, người dân có thể thấy đỉnh núi Đá Bia - ngọn núi thiêng từ xa xưa có tên gọi là Lingaparvata - hiện thân của thần Siva trong tín ngưỡng của người Chăm.
Chúng tôi
Vì đi vào ngày thời tiết không thuận lợi, trời nhiều mây và sương mù nên từ đỉnh núi, dù phóng tầm mắt đi xa cũng không thể quan sát được quang cảnh hùng vĩ bên dưới. Dù vậy, cảm giác chinh phục được một ngọn núi thiêng trong dịp đầu năm mới cũng cho chúng tôi cảm giác sảng khoái, thấy lòng tươi mới hơn sau khi được hít thở không khí trong lành.
Những tảng đá
Những tảng đá xếp chồng lên nhau tạo nên các địa hình phù hợp để mọi người dừng chân, ngồi dưới tảng đá để tránh nắng nóng vào mùa hè hoặc tránh gió lạnh vào mùa đông. 
Đoạn cầu thang
Đoạn cầu thang khi xuống núi khá dốc vì các bậc thang cách xa nhau, mọi người cần cẩn thận để đảm bảo sự an toàn, hoàn thành chuyến leo núi mà không gặp chấn thương và các tai nạn không mong muốn.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI