Dấu ấn từ đại ngàn

02/04/2015 - 13:48

PNO - PN - Nhiều tác phẩm về không gian đại ngàn có sức nặng ám ảnh và ở lại rất sâu trong lòng người đọc, với những tầng văn hóa và cả nỗi bi thương thăm thẳm trong thân phận con người.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sức nặng ám ảnh

Ngày tập thơ Hát đi em của nhà thơ Prékimalamak (SN 1937, tên thật Trần Vĩnh, hiện đang sinh sống tại Vũng Tàu) được vinh danh giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2014, nhiều người trong giới vẫn thắc mắc: Prékimalamak là ai, tác phẩm của ông như thế nào? Bởi, cái tên Prékimalamak gần như không xuất hiện trên văn đàn ngót nghét… nửa thế kỷ. Nhà thơ người dân tộc Châu Ro này quen thuộc với thế hệ sáng tác những năm 60 của thế kỷ trước nhưng hoàn toàn xa lạ với độc giả ngày nay. Ông sáng tác cũng rất ít, Hát đi em là tác phẩm đầu tay sau hơn nửa đời người cầm bút nhưng cũng rất mỏng, chỉ có 18 bài thơ.

Prékimalamak viết về tình yêu Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước và những thao thức của người con Châu Ro. Tác phẩm nào cũng đầy sức nặng ám ảnh và lay động. “Ngôn ngữ của Prékimalamak là ngôn ngữ của sự bình dị được chưng cất trên nền tảng sắc tộc và dân tộc. Tác phẩm của ông giản dị nhưng giàu hình ảnh. Những suy tư, liên tưởng, cảm xúc cuộc sống được chắt lọc mang hồn sắc dân tộc sâu đậm, không làm dáng trong trò chơi ngôn ngữ. Mỗi bài thơ đều có dấu ấn riêng, đặc sắc, không hòa lẫn được trong những gì thơ Việt thường có” - nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM nhận định.

Không gian văn hóa từ đại ngàn và những giá trị bản sắc, cả những nỗi đau thân phận ngấm sâu trong từng câu chữ, khiến người đọc khó có thể nào quên.

Dau an tu dai ngan

Dau an tu dai ngan

Dau an tu dai ngan

Nhiều tác phẩm văn học viết về đề tài miền núi có sức nặng và ở lại rất lâu trong lòng người đọc

Mảnh đất màu mỡ

Năm 2008, khi tiểu thuyết Ngôi nhà xưa bên suối được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, rồi tiếp tục được vinh danh tại giải thưởng văn học ASEAN 2009, nhà văn Cao Duy Sơn mới chính thức khẳng định được “thương hiệu” nhà văn miền núi. Ngay sau đó, anh tiếp tục cho ra mắt tiểu thuyết Chòm ba nhà và tiểu thuyết Đàn trời, được ĐD Bùi Huy Thuần dựng thành phim.

Cao Duy Sơn từng nói, anh viết gì cũng không vượt ra khỏi “thửa đất văn chương” về đề tài miền núi, bởi không gian ấy đã ăn sâu vào cuộc đời và tâm hồn. Vùng đất Cô Sầu (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, quê hương nhà văn) hiện lên những trang viết rõ nét và thăm thẳm về đất và người. Mỗi tác phẩm đều là một dòng xoáy cuốn người đọc về một không gian, hơi thở và cả nỗi đau mà chỉ người sống trong lòng, hiểu, yêu và đau cùng đất mới có thể viết ra như một cuộc vắt cạn sức mình cho câu chữ.

Cuốn Giã biệt hoang vu của nhà báo Nguyễn Hàng Tình cũng là tập ký sự hiếm hoi về đề tài miền núi. Câu chuyện thao thức về những khoảng cắt mất mát trong không gian núi rừng sau đó cũng đã được trao giải Sách hay 2013. Gần nhất và có tiếng vang lớn có lẽ là Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của nhà văn Đỗ Bích Thúy (đã được ĐD Ngô Quang Hải dựng thành phim Chuyện của Pao).

Nếu không phải là cây bút trưởng thành từ cao nguyên đá như Đỗ Bích Thúy, sống trong lòng núi như Cao Duy Sơn, sẽ chẳng dễ dàng gì để những nhà văn miền xuôi có thể dấn thân vào đề tài này. Một trong những tên tuổi trẻ từng gây ấn tượng với những tập truyện ngắn viết về miền núi trước đây là Dương Bình Nguyên (tên thật Dương Văn Toàn), nhưng những năm sau này, anh “bỏ văn theo báo” khiến nhiều độc giả thế hệ anh “tiếc hùi hụi”. Bây giờ, trong thế hệ những người cầm bút trẻ, đề tài miền núi với những giá trị thăm thẳm từ đại ngàn đang là một khoảng trống không dễ lấp đầy.

TIỂU QUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI