Đất ngập mặn xanh rau trái nhờ bàn tay cần mẫn

14/12/2022 - 10:30

PNO - Từ chối cơ hội đổi đời giữa những cơn sốt đất, chị Võ Thị Thanh (ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM) cho rằng, đất là nguồn mạch của sự sống, là mảnh tâm hồn có mồ hôi, nước mắt cha mẹ thấm sâu, nên dù vất vả bao nhiêu, chị vẫn quyết tâm giữ đất để tiếp tục gieo vào nơi ấy màu xanh.

"Nước mặn lên, ngập hết trơn rồi"

Mùa này, bầu, mướp vừa tàn nên mảnh vườn rộng gần 500m2 lộ ra toàn tam thất. Những bụi tam thất no căng, nằm sà mặt đất. Có bụi bò vào sát chân tường nhà rồi cứ thế sinh sôi, không theo trật tự nào. Cẩn thận nâng những chiếc lá trước khi cắt, chị Thanh tự hào: “Cả Hiệp Phước này, gần như chỉ một mình tôi có tam thất để bán”.

Nụ cười của người nông dân Võ Thị Thanh (ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM) khi thu hoạch rau từ vườn nhà cho buổi chợ
Nụ cười của người nông dân Võ Thị Thanh (ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM) khi thu hoạch rau từ vườn nhà cho buổi chợ

Chạy dọc con đường bê tông gần 4 cây số từ UBND xã Hiệp Phước dẫn vào xóm nhỏ, đất mênh mông với cỏ dại mọc đầy. Trước cơn gió man mác đầu tháng Chạp, bà Trần Thị Đẳng - mẹ chị Thanh - đưa mắt nhìn quanh xóm rồi cám cảnh: “Trồng trọt bây giờ vất vả nên lớp trẻ lớn lên dần xa lạ với đất, với ruộng. Tụi nó thích đi làm xí nghiệp nên ban ngày xóm vắng tanh. Hì hục lội nước cuốc đất, chịu để tay chân lấm bùn như con Thanh bây giờ hiếm lắm”. Bà Đẳng cho biết thêm, nhiều năm qua, phần lớn diện tích đất nông nghiệp tại Hiệp Phước được chuyển đổi thành ao hồ nuôi tôm, nuôi cá, số còn lại gần như bỏ hoang. “Nước mặn lên, ngập hết trơn rồi. Qua đợt ngập, phải mất 1 tháng chờ nước rút rồi mới xới đất lên làm lại. Nước lên, cỏ cũng lên như giặc. Tui già rồi, không mần nổi nữa” - người nông dân vừa bước sang tuổi 83 hiểu rõ quy luật tự nhiên.

Lần đầu tiên nhìn thấy rau tam thất, tôi cầm một nhánh lên săm soi. Mỗi bụi rau là những chiếc lá hình răng cưa mọng nước mọc ra từ một thân duy nhất. “Nấu canh, nhúng lẩu hay xào thịt bò đều ngon bá cháy, nhưng chỉ những người biết rõ công dụng của tam thất và ăn quen mới thích loại rau này. Vườn tam thất của tôi chưa khi nào ế, không đủ bỏ mối cho 10 sạp rau quanh xã Hiệp Phước” - chị Thanh khoe. Giống như ngải cứu, tam thất cũng được xem là một vị thuốc đông y, nhưng dùng nó như rau ăn hằng ngày thì dường như còn xa lạ với nhiều người, do đó lượng rau bán ra mỗi ngày không nhiều. Mỗi đợt cắt, chị Thanh phân rau vào bọc, mỗi bọc khoảng 2kg, rồi đem bỏ mỗi sạp 1 bọc, giá 25.000 đồng/kg. Có hôm, cả 10 sạp cùng đòi khiến chị không đủ rau để giao. 

“Rễ siêng không ngại đất nghèo

“Màu xanh của tam thất lan nhanh. Đợt thu đầu tiên ngoài sức tưởng tượng, liên tục trong 6 tháng, mỗi tháng thu hơn 1

Về chuyện gắn bó với cây rau tam thất, chị Thanh cho biết, trước đó, mẹ chị có trồng một khoảnh nhỏ để ăn. Thấy vậy, chị xin mẹ ít củ giống về trồng bên hông nhà với suy nghĩ “trồng để có ăn”. Rồi chị dừng tay nhìn về phía ngôi nhà mình. Đó từng là một “Mái ấm tình thương” được Hội LHPN TPHCM hỗ trợ xây dựng năm 2017. Năm đó, gia đình chị nằm trong diện hộ nghèo. Sau một đợt giông gió, căn nhà mái lá, vách lá bị gió cuốn bay. Từ mấy chục triệu đồng do hội hỗ trợ, chồng chị Thanh (vốn là một thợ hồ) túc tắc xây lên căn nhà. Ngày mừng nhà mới, nhìn ra khoảng đất rộng lấm tấm màu xanh của tam thất giữa cơ man cỏ dại, ai cũng xúi chị ráng “bám” vào đó để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

triệu đồng. Thấy nguồn thu tốt, mình quyết định nghỉ bán cá để về trồng rau, còn chồng đi làm hồ” - chị Thanh kể. 

Nhà cách Cần Giờ con sông Soài Rạp, nên trước đó, mỗi ngày chị Thanh theo đò sang Cần Giờ lấy cá về bán. Để kịp buổi chợ, chị phải đi từ 1-2 giờ khuya, còn chồng phải ở nhà lo cơm nước và đưa đón 2 con đi học. Cuộc sống gia đình chỉ dựa vào gánh cá nên nhiều năm chẳng thể khá lên. Thế nhưng khi đã xem việc trồng rau là nguồn kinh tế chứ không phải “trồng để có ăn” thì có bao chuyện phải làm, bởi đất Nhà Bè nếu không cải tạo thường xuyên thì không trồng gì được. Từ tháng Chín đến hết mùa xuân năm sau, gần như đất bị ngập trong nước. Đến mùa hè trở đi, nắng lên, muối nổi trắng đất, muốn trồng trọt thì phải cải tạo đất, rửa phèn, rửa mặn. Chị phải lội sình cuốc cho đất tơi lên, rồi chặt lá dừa nước trải xuống đất để rút phèn. Sau đó phải mua đất sình dưới sông đổ lên mặt. “Mua được 3 ghe, làm được 3 giồng đất thì hết tiền, thế là tôi canh người ta đào ao tôm để xin đất về đắp mặt. Cứ như con kiến tha mồi, phải “tha” không biết bao nhiêu ngày mới được đám tam thất như bây giờ” - chị Thanh kể về công việc đã qua.

Chị Thanh thu hoạch tam thất
Chị Thanh thu hoạch tam thất

Tam thất vốn ưa ẩm, chịu mát nên chẳng “ưa” cái nắng như thiêu như đốt ở Nhà Bè vào độ tháng Ba, tháng Tư. Nhìn những chiếc lá bạc quéo vì nắng, chị Thanh đau đầu nghĩ cách giảm nhiệt cho cây. Chị quyết định mua lưới về làm giàn che như người ta che hoa lan. Nhưng gió biển từ Cần Giờ cứ phần phật thổi làm lưới rách, trụ ngả nghiêng. “Đến lúc chán nản, tưởng sẽ bỏ cuộc thì mình nghĩ đến chuyện thả một giàn mướp cầu may. Không ngờ mướp lên xanh um, không chỉ che mát cho tam thất mà còn cho nhiều trái, ăn không hết nên mình cắt ra chợ bán, có hôm kiếm được hai, ba trăm ngàn” - chị Thanh nhớ lại. Thấy cách “trị nắng” này hiệu quả, chồng chị mua xi măng về đúc trụ rồi chạy dây thép, gác tầm vông làm giàn. Cái giàn rộng 500m2 có thêm chỗ cho cả bầu, bí, dưa leo chen chúc. Phần diện tích hơn 400m2 còn lại cũng được chị cải tạo để trồng rau má, đu đủ, đậu đũa, khổ qua tây… Công việc nhà nông không chỉ giúp chị tự cung tự cấp mà còn cho thu nhập bình quân 200.000 đồng/ngày.

Nhờ làm nông dân mà gia đình chị Thanh bị “loại ra” khỏi danh sách hộ nghèo. “Mái ấm tình thương” của chị sau 5 năm cũng được mở rộng gấp đôi và kiên cố hóa. Chị Thanh cho biết, kinh tế từ vườn rau không chỉ giúp chị thoát nghèo mà cũng là sức mạnh khiến chị vượt lên những cám dỗ “đổi đời” khi cơn sốt đất bùng lên khắp Hiệp Phước. 

Là con út trong gia đình có 8 anh chị em, chị Thanh được chia gần 1.000m2 đất. Chị xem phần đất của cha mẹ để lại không chỉ là tài sản mà còn là một thứ kỷ niệm quý hơn sinh mệnh. “Đất đai là cội nguồn, là gốc gác cha ông. Cho nên, nếu có tiền, thì tôi sẽ mua thêm chứ không bao giờ bán đi. Cha mẹ nhờ đất này mà nuôi 8 đứa con khôn lớn, thì lẽ nào mình không sống đàng hoàng nhờ nó được” - chị bộc bạch. 

Thu Lê

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI