Đại gia Dũng ‘lò vôi’: Đừng quan niệm để lại nhà lầu, xe hơi cho con

31/01/2017 - 11:00

PNO - Với ông chủ Đại Nam, việc cha mẹ cho con cái quá nhiều tiền của chính là giết chết động lực sống của chúng. Cha mẹ không nên có quan niệm tích cóp để xây nhà lầu, mua xe hơi cho con.

Chia sẻ nhân dịp đầu năm mới, ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng 'lò vôi'), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, cho rằng cả đời ông không quan niệm cái gì cũng để lại cho con. Điều lớn nhất ông muốn để lại cho con mình là phúc đức. Đừng để “cha ăn mặn rồi con khát nước”. Tiền bạc để lại quá nhiều cho con không khéo khiến chúng hư hỏng, hãy để lại phước đức, đó là những điều tốt đẹp nhất con cái cần.

Đời tôi chưa đi tu được thì con tôi sẽ làm thay

*Vợ chồng ông từng gây xôn xao khi trao toàn bộ tài sản cà ngàn tỷ đồng cho con trai mới 1 tuổi. Dư luận cho rằng ông muốn nổi tiếng nên gây chú ý, ông có “minh oan” gì về chuyện này?

- Chuyện nổi tiếng hay không là người ta đổ cho tôi, chứ không phải do tôi muốn hay tôi tạo ra.

Những gì để lại cho con thì tôi đã xác định rồi, là để làm từ thiện, đó là toàn bộ tài sản của Công ty cổ phần Đại Nam. Chúng tôi lập ra quỹ từ thiện mang tên Trái tim Hằng Hữu, và  toàn bộ tài sản, lợi nhuận của Đại Nam sẽ thuộc quỹ này.

Quỹ lập ra có hội đồng giám sát, con tôi chỉ là chủ quỹ sau này thôi. Còn từ giờ đến trước khi cháu 18 tuổi, vợ chồng tôi sẽ thay mặt quản lý quỹ và làm ra vật chất, phương tiện để phát triển quỹ, mổ tim hàng năm.  

Dai gia Dung ‘lo voi’: Dung quan niem de lai nha lau, xe hoi cho con
Ông Dũng lò vôi cho rằng mình không quan niệm cha mẹ phải tích cóp để giành mua nhà lầu, xe hơi cho con.

*Nhưng ông có nghĩ như thế là tạo áp lực quá lớn lên vai đứa con còn nhỏ, cháu phải có trách nhiệm từ khi còn bé?

-Tôi thấy không có gì là áp lực cả. Giải Nobel đó, người ta vẫn duy trì và phát triển đấy thôi, sao mình không nhìn lên mà làm, lại lo lắng chuyện làm không được.

Tôi không quan niệm cái gì cũng để lại cho con, cái để lại cho con lớn nhất và cần nhất đó là phúc đức. Đừng có cha ăn mặn con khát nước, tiền bạc để lại nhiều cho con không khéo khiến chúng hư hỏng, ăn hại, hãy để lại điều tốt đẹp nhất cho chúng.

Tài sản tôi để lại là danh sách ngày càng dài ra của những em bé đã được mổ tim khỏe mạnh. Đây là hành trang tôi để lại cho các con bước vào đời.

Với cháu, tôi xác định ngay từ đầu là chấp nhận cho cháu theo con đường tu hành. Những điều này cuộc đời tôi chưa làm được biết đâu con tôi làm được thay tôi.

Thấy con ăn cơm với nước tương mà lòng tôi nở hoa

* Ông có nghĩ khi lớn lên con anh sẽ giận cha vì đã hướng cháu đi vào đường tu hành quá sớm?

- Mỗi người sinh ra có một sứ mạng khác nhau, mình biết được sứ mạng của con và định hướng cho cháu đường đi đúng. Chuyện tu hành là duyên, làm sao bắt ép được.

Từ nhỏ, hàng ngày mẹ cháu cho ăn phở, cháu không ăn được. Đến khi biết nói thì khẳng định chỉ ăn nước tương, không ăn thịt cá.

Điều này làm sao tôi hướng được. Tôi cũng luôn tâm niệm mình không nên ép uổng con làm điều gì chúng không muốn.

Mà nếu ép được thì vợ tôi mỗi ngày đã ép cho con tôi ăn hết một con gà rồi, chứ đâu chấp nhận cho cháu ăn cơm trắng với nước tương.

Nhưng ăn gì không quan trọng, quan trọng là cháu phát triển bình thường, rất thông minh.

Nhưng cháu còn bé vẫn chưa nhận thức được, nếu ông không khuyến khích thì có thể cháu cũng ăn uống, phát triển như những đứa trẻ khác?

- Có thể sau này cháu lớn lên sẽ làm khác, nhưng bây giờ tôi thấy vậy là vui rồi. Ngày thôi nôi con, như bao gia đình khác, chúng tôi cũng chuẩn bị một mâm rất nhiều đồ vật để cháu chọn, với quan niệm đồ vật đó gắn với nghề của con sau này.

Dai gia Dung ‘lo voi’: Dung quan niem de lai nha lau, xe hoi cho con
"Con tôi gặp hoạn nạn, làm ăn thất bại thị tôi giúp, chứ lười lao động, lười suy nghĩ thì tôi không giang tay đâu".

Vợ tôi đã khóc khi thấy con tôi cầm xâu chuỗi, quả chuông, cầm mỏ gõ trong ngày thôi nôi, nhưng trong thâm tâm tôi thấy lòng nở hoa. Con tôi hiện 4 tuổi vẫn ăn cơm nước tương, đi nhà trẻ cũng mang theo nước tương gửi cô giáo cho ăn cơm, đi du lịch có cháu tôi cũng mang theo vài chai nước tương nhỏ, để cháu ăn hàng ngày.

Người mẹ nào khi thấy con mình ăn cơm với nước tương mà không rơi nước mắt. Vợ tôi khóc suốt, mang tôm cá, thịt gà ra dỗ cháu ăn, nhưng cháu không ăn được. Những điều này mình làm sao mà ép một đứa trẻ.

Mà một người như vậy có lẽ sẽ không tham sân si với đời, là điều mừng cho con tôi.

Cho con nhiều tiền là giết chết động lực sống của chúng

Ông để con trai nhỏ nhất quản lý khối tài sản khổng lồ như thế có gặp sự phản ứng từ những người con lớn khác của ông?

- Các con tôi đều ủng hộ chuyện này. Tôi có 2 con trai và một con gái lớn đã có cơ nghiệp riêng. Các con tôi đều phải lao động để sống và tạo dựng cơ nghiệp.

Tôi không khuyến khích con làm việc tại Đại Nam, vì như thế là ép các con phải hy sinh. Tôi cũng không muốn điều hành công ty theo kiểu gia đình. Mỗi người con tôi có một lẽ sống, một gia đình và mối lo riêng của chúng.    

Còn con trai nhỏ, kể cả sau này khi trưởng thành cháu có thể có những quyết định khác cho đời cháu, nhưng cách nào thì cũng phải tự lao động để sống, đó là nguyên tắc.

Ông có ngại người ngoài hay chính con mình sẽ “xầm xì” đại gia mà để con mình tự bươn chải không?

- Ngày xưa tôi đi học khổ lắm. Buổi sáng để có được chén cơm nguội thôi đã là ước mơ. Bây giờ con tôi có sẵn bệ phóng, có nền tảng để phát triển là đứng trên cái tôi đã tạo ra cho chúng, không lý gì chúng không phát triển được.

Nếu như ngày xưa tôi đi bằng số 0 tôi được như thế này, giờ tôi đã tạo điều kiện, phương tiện cho chúng tốt hơn bằng 10, nếu không phát triển được thì đó là do chúng không chịu phấn đấu, là lỗi của chúng.

Con cái lớn lên thì hãy tạo cho nó phương tiện sống, đó là công việc, nghề nghiệp và nó phải tạo ra việc làm để sống,. Đừng bao giờ có ý nghĩ tích cóp nợ nần để mua nhà cho con, kiếm tiền để lại cho con. 

Tôi quan niệm sống mà không chịu làm việc, không phấn đấu thì chỉ làm khổ xã hội. Mỗi con người sinh ra đều phải vận động, phải suy nghĩ, làm việc, cuộc sống phải có thuận lợi khó khăn. Làm việc dù nhiều dù ít thì cũng phải làm, để nuôi mình và gia đình mình. Xã hội chỉ đùm bọc mình khi ngặt, không ai giúp lúc nghèo.

Tôi chỉ muốn cưu mang người già cả, bệnh tật, thiên tai hoạn nạn... Con tôi mà lỡ rủi ro làm ăn thất bại, gặp nạn thì tôi giúp, còn lười lao động, lười suy nghĩ thì tôi tuyệt đối không giang tay đâu.

Mình cho con cái quá nhiều tiền của chính là giết chết động lực sống của chúng.

Nên tất cả tài sản tôi để lại cho con tôi là để chia sẻ, làm từ thiện chứ không phải cho nó làm giàu. Hai cái khác nhau, tôi lập ra quỹ từ thiện mang tên cậu bé, hướng cậu bé vào đường tu hành, không vướng chuyện vợ con càng tốt, để bớt đi nghiệp chướng.

Nhưng sau này lớn lên, làm chủ một gia sản khổng lồ như thế, ông có lo con mình sẽ sẽ ỷ lại, sinh hư?

- Điều này do nó quyết định khi trưởng thành thôi. Nhưng những cái đã có, là tài sản và quỹ từ thiện thì phải thực hiện như ý nguyện, là để chia sẻ.

Sau này vợ chồng tôi không còn thì vẫn có hội đồng giám sát đã lập rồi. Không phải con tôi có tiền rồi muốn xài như thế nào cũng được, không thể dùng tiền đó mua nhà lầu xe hơi, chỉ có phục vụ từ thiện thì đồng tiền mới giải ngân được.

Chuyện không vui đừng để trong lòng

*Cuối 2014, đầu 2015, ông có quá nhiều lùm xùm với chính quyền nơi doanh nghiệp đang hoạt động, bây giờ thì thế nào, có gặp khó khăn gì trong đầu tư làm ăn tại địa phương không?

- Chuyện gì không vui trong cuộc đời thì coi như mình trải nghiệm. Tôi là người luôn hướng theo nhà Phật, cái đó tôi nói thật. Chuyện gì không vui tôi không muốn ai nặng lòng, chỉ muốn hướng thiện.

Trong cuộc sống hàng ngày của tôi, cái gì không vui đến với tôi đó là điều không may mắn, là nghiệp mà tôi phải trả. Cái gì may mắn đến với mình thì đó là phúc đức tốt mình được hưởng. 

* Nhưng thời điểm đó ông đã bị làm khó liên tục?

- Chuyện khó dễ qua rồi. Doanh nghiệp làm ăn cũng có những khó khăn, vướng mắc, chính quyền cũng có cái khó của họ. Quan trọng là chúng tôi gặp nhau và hiểu nhau, không nên để bụng chuyện cũ.

Giận hờn, sân si theo nhà Phật là cách sống mà chúng ta tự thiêu hủy mình, thật không đúng. Còn tôi ở đây xác định kinh doanh là để tạo phương tiện giúp trẻ em nghèo, chứ không phải tôi làm giàu, nên không có lý do gì mình phải làm sai quy định của pháp luật.

Tôi thấy sống mà cứ cố chấp, giận hờn thì chỉ tự thui chột mình thôi. Chẳng qua đó là cái tôi của mình lớn quá. Biết đâu kiếp trước tôi cũng tạo sự hàm oan gì cho ai đó thì sao, đừng sân si hơn thiệt.

Tôi không nặng nề bất cứ vấn đề gì đâu, làm ăn thì phải vui vẻ, thoải mái chứ...

Đừng cầm đồng tiền của ai mà để người ta rơi nước mắt

 "Đừng tính toán thiệt hơn quá, hãy tin rằng mình tính không bằng trời tính đâu. Người ta nói bôn ba không qua thời vận mà, nên mình thấy cái gì tốt, ích nước lợi dân thì cứ làm, làm thì làm cho tích cực, hết lòng. Quan điểm của tôi phải nhớ, thứ nhất trong kinh doanh không được cầm đồng bạc của ai mà để cho người khác rơi nước mắt.

Thứ 2 là phải kiểm soát chặt chẽ, để mình không đi sai, không vượt quá giới hạn, không vấp. Giống như xe có tải trọng 10 tấn mà mình chở 15 tấn là không được"- ông Dũng 'lò vôi'.

Hải Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI