ĐBQH đề xuất không bỏ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT với nhạc sĩ

28/10/2021 - 10:55

PNO - Nhiều ĐBQH đề xuất nên giữ lại việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT với nhạc sĩ, thay vì quy định như trong dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi).

 

ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề xuất giữ xét tặng danh hiệu NSND, NSUT với nhạc sĩ
ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề xuất giữ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT với nhạc sĩ

Sáng 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Về nội dung, dự thảo luật lần này đã bỏ nhạc sĩ, phát thanh viên ra khỏi đối tượng được xét tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú (NSND, NSƯT), đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) bày tỏ quan điểm nhất trí với việc không đưa phát thanh viên vào đối tượng được xét tặng NSND, NSƯT, nhưng vẫn giữ lại đối tượng là nhạc sĩ.

Theo nữ ĐBQH, nhạc sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo. Nhạc sĩ không phải nghệ sĩ biểu diễn nhưng phải khẳng định rằng, họ vẫn là nghệ sĩ, là người gián tiếp quan trọng tạo ra các sản phẩm sáng tạo đến với công chúng, giống như các đạo diễn, quay phim, họa sĩ, âm thanh, biên đạo…

“Nếu các nhạc sĩ bảo đảm được các tiêu chí, tiêu chuẩn số lượng giải thưởng uy tín, số năm công tác, đóng góp cho ngành văn hóa nghệ thuật thì họ phải được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT”, ĐBQH nói.

Đồng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)  cho rằng, với nhạc sĩ, Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước là giải thưởng cho tác phẩm. Còn danh hiệu NSND, NSƯT là danh hiệu cho sự nghiệp. “Nếu thấy được điều đó thì sẽ thấy rằng, một nhạc sĩ có một tác phẩm đột biến sẽ được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng nếu họ tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật xuất sắc, xứng đáng nhận danh hiệu NSND, NSƯT thì họ cũng được phong tặng như vậy”, ông đề xuất.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí cũng lấy ví dụ trong ngành y. Nếu một thầy thuốc có công trình nổi tiếng có thể đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc giải thưởng Khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, họ vẫn có thể được phong tăng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú khi được ghi nhận những cống hiến trong sự nghiệp của mình.

Trước đó, Điều 64 của dự án luật đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, họa sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Như vậy so với quy định hiện hành, dự án luật trình Quốc hội khóa XV đã bỏ đối tượng xét tặng 2 danh hiệu với nhạc sĩ, phát thanh viên.

Theo dự án luật, danh hiệu NSND được xét tặng cho diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, họa sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã được phong tặng danh hiệu NSƯT và đạt các tiêu chuẩn sau: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa từ 15 năm trở lên; sau khi được phong tặng danh hiệu NSƯT, tiếp tục được tặng giải thưởng của các liên hoan, cuộc thi, hội diễn nghệ thuật trong nước hoặc ngoài nước.

Danh hiệu NSƯT được xét tặng cho đối tượng nêu trên đạt các tiêu chuẩn sau: trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật, có tinh thần phục vụ nhân dân, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa từ 10 năm trở lên; được tặng giải thưởng của các liên hoan, cuộc thi, hội diễn nghệ thuật trong nước hoặc ngoài nước.

Danh hiệu NSND, NSƯT được xét và công bố 3 năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9.

Minh Quang

 
TIN MỚI