Con người vứt đi gần một tỷ tấn thực phẩm thừa mứa mỗi năm

07/03/2021 - 14:29

PNO - Một báo cáo của Liên hiệp quốc vừa công bố cho biết, con người đã vứt đi khoảng 1 tỷ tấn thức ăn do dư thừa trong khi gần 3 tỷ người trên khắp thế giới vẫn đang bị đói.

Nếu xem lượng thức ăn thừa trên toàn thế giới là một quốc gia thì nó sẽ là một trong ba quốc gia gây ô nhiễm nhất toàn cầu, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.

Đây là tính toán của giới vận động chính sách nhằm thúc giục chính phủ các nước cần có các hành động cụ thể để đối phó với tình trạng gần một tỷ tấn thức ăn thừa mứa bị vứt đi mỗi năm trên khắp thế giới.

Gần một tỷ tấn thực phẩm bị vứt bỏ trên toàn cầu mỗi năm - Ảnh: Getty Images
Gần một tỷ tấn thực phẩm bị vứt bỏ trên toàn cầu mỗi năm - Ảnh: Getty Images

Theo tài liệu mang tên Báo cáo Chỉ số Thực phẩm dư thừa năm 2021 được thực hiện bởi Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) thì khoảng 1/5 (17%) tổng lượng thực phẩm trên toàn cầu bị vứt đi trong năm 2019, tương đương với 931 triệu tấn. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng, tác động kết hợp gây ra trong quá trình chế biến thức ăn chiếm khoảng 10% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.

Báo cáo còn cho biết, phần lớn thức ăn thừa (70%) có điểm xuất phát từ các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, nhà hàng, quán rượu, khách sạn và siêu thị. Chưa kể, một người bình thường cũng “tống khứ” khoảng 120kg thức ăn ra khỏi tủ lạnh mỗi năm.

Ông Marcus Gover, Tổng giám đốc tổ chức Wrap, một đơn vị cộng tác với UNEP để thực hiện nghiên cứu cho biết, việc vứt đi những loại thực phẩm còn ăn được đã gây nên “tác động kinh khủng” đến môi trường.

Trong khi thực phẩm thừa mứa phải vứt bỏ thì nhiều người trên khắp thế giới vẫn đang bị đói - Ảnh:Jonathan Eng/
Trong khi thực phẩm thừa mứa phải vứt bỏ thì nhiều người trên khắp thế giới vẫn đang bị đói - Ảnh:Jonathan Eng/WFP

Các nhà nghiên cứu xã hội cho biết, có hơn 690 triệu người bị đói năm 2019. Và con số này cao hơn nhiều trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 với ước tính hơn 3 tỷ người không có đủ thức ăn hàng ngày.

Vì vậy, theo ông Inger Andersen, Giám đốc điều hành của UNEP thì việc giảm bớt số lượng thực phẩm bị vứt bỏ sẽ không chỉ giúp làm giảm tác động tiêu cực đến môi trường mà còn phần nào giải quyết được tình trạng thiếu thực phẩm cho con người trong thời điểm khó khăn và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.

Nguyễn Thuận (theo Independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI