Con hạc vàng đã bay đi mãi…

08/05/2020 - 08:02

PNO - Dẫu cuộc sống có những giai đoạn gian nan, khó khăn, nhưng ông vẫn giữ cho mình một lối sống ngay thẳng, không hơn thua dẫm đạp.

Tôi vẫn nhớ những buổi trưa gần 20 năm trước, dưới tán cây sứ và bụi tre già ở Hội Âm nhạc, tôi và ông - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển ngồi trò chuyện, chiêm nghiệm bên những ly trà đã cạn.

Ông là nhạc sĩ mà tôi có thể đàm đạo về nhiều vấn đề rộng lớn ngoài âm nhạc. Tuy ông hơn tôi nhiều tuổi nhưng những ký ức của một thời trẻ với đam mê, đắm mình trong sách văn học, triết học… khiến chúng tôi có thể trao đổi nhiều về ý nghĩa của cuộc sống, cộng với thế giới quan trong âm nhạc, nhất là sự rung cảm với dòng nhạc quê hương khiến cả hai có sự giao cảm đậm đà.

Tôi cũng như ông, bình thường ít bộc lộ, nhưng thật phấn khích và cởi mở khi gặp người tương cảm với mình.

Thời ấy, mỗi lần có dịp họp mặt ở hội, ông và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là người mà tôi hay đến gần gũi, trò chuyện. Phải tinh tế để biết rằng trong số đông nhạc sĩ, 2 ông là người của thời trước, có vẻ lẻ loi. Có một sự lạc lõng, cô đơn đầy nỗi niềm ở cái thời mà nhạc cũ còn bị nhiều đánh giá, phê phán. Tôi hiểu điều ấy và tìm đến trò chuyện, chính vì vậy cuộc hàn huyên của chúng tôi là sự giao cảm rất chân thành. Bởi ngoài âm nhạc, chúng tôi có thể nói về ý nghĩa của cuộc đời, về hạnh phúc, tự do, những trăn trở về nghệ thuật.

Nỗi trăn trở luôn hiện lên trong ánh mắt của ông, dù khi suy tư hay cười nói. Ánh mắt ấy còn thể hiện nét khắc kỷ của một nhà giáo, người làm nghệ thuật một cách nghiêm túc với chính mình.

Còn nhớ năm 2003, khi tôi vừa phát hành Trường ca Bức tranh non nước, ông và nhạc sĩ Thanh Sơn có gặp và chúc mừng. Ông hỏi tôi: “Khi viết trường ca, Minh Châu có nghe Trường ca của nhạc sĩ Phạm Duy chưa?”. Ông cũng như tôi, đều rất trân trọng tác phẩm Trường ca này. Tôi nói đã nghe và nghiên cứu rất kỹ càng để có thể viết tiếp dòng chảy của thể loại đặc sắc: trường ca - sau bốn thập kỷ vắng bóng.

Nhạc sĩ Thanh Sơn thì nói: “Minh Châu rất can đảm khi dám dấn thân vào thể loại này”. Từ năm 1999, trong hãng băng dĩa, tôi và chú Thanh Sơn đã biên tập cùng nhau mấy album của ca sĩ Quang Linh, Vân Khánh… nhưng chú không ngờ tôi mê dòng nhạc âm hưởng dân gian đến vậy.

Vì là một nhà giáo, một người nghiên cứu nên nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển luôn cẩn trọng trong sáng tác, chúng tôi thường xuyên trao đổi sâu về thang âm, điệu thức, sự biến hóa của các vùng miền. Để một sáng tác mới có hồn không phải dễ. Có thể tái hiện một phần của bản dân ca gốc, khéo léo tạo nên giai điệu mới nhưng vẫn gần gũi và dễ cảm, quan điểm này được thể hiện trong những sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển như Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang…

Và cũng vì cẩn trọng, có trách nhiệm với dân ca, ông cực lực phê phán những sáng tác về quê hương nhưng thiếu am hiểu, làm nhạt nhòa hoặc biến dạng bản sắc âm nhạc dân tộc. “Thương nhau như thế bằng mười hại nhau” - ông nói.

Đã từng là thầy giáo dạy văn và triết học, nên trong lời lẽ đời thường cũng như viết văn, viết báo, lời nhạc của ông đầy chắt lọc, tinh tế, sâu sắc. Có thể thấy những lời ca của ông luôn có nhiều tầng để suy nghĩ. Từ Thu, hát cho người đến những bài âm hưởng dân ca, lời ca bay bổng nhưng hàm súc, sâu thẳm.

Có người nghĩ rằng nếu không viết những lời ca theo kiểu miêu tả cụ thể mà thâm sâu quá thì người nghe sẽ khó nắm bắt, nhưng tôi nghĩ, chính những bài hát có ca từ mênh mông lại càng mở rộng khả năng suy tưởng ở mỗi hoàn cảnh của người nghe, làm cho bài hát có ý nghĩa bao la, rộng lớn hơn. Điều này có thể thấy trong những nhạc phẩm nổi tiếng của những nhạc sĩ tiền bối.

Người ta cũng ngạc nhiên khi nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sinh ra ở miền Trung, nhưng hồn quê Nam bộ lại thấm đẫm trong nhiều tác phẩm. Đã có những đêm ở Gành Hào, ở Bạc Liêu, tôi nghĩ miên man về những bài hát của ông: Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Trở lại Bạc Liêu… và nhận thấy những gì đã gắn vào máu thịt của một nghệ sĩ đa cảm thì đậm đà và day dứt lắm.

Bởi tôi cũng thế, gốc Bắc, sinh ra ở Đà Nẵng, tuổi trẻ lăn lóc gần chục năm ở miền Tây, với trái tim đa cảm luôn rung động. Những rung cảm của quê hương đã ngấm vào mạch máu để khi viết nhạc, tuôn ra như một dòng suối dạt dào.

Là người nghiên cứu nhiều, cần sự chính xác, chỉn chu, lại cũng là một nghệ sĩ với tâm hồn lai láng, ông như một lãng tử, một kiếm khách trong truyện Kim Dung (lĩnh vực ông chuyên nghiên cứu). Nhưng nổi bật hơn cả là sự vững vàng, là khí phách của một người quân tử. Và trên hết, đó là cách  hành xử của một người tử tế, mọi việc làm đều từ lòng tử tế.

Cuộc sống của ông cũng có những giai đoạn gian nan, khó khăn mà mắt ông lúc nào cũng rưng rưng khi nhắc đến nó, nhưng Vũ Đức Sao Biển vẫn giữ cho mình một lối sống ngay thẳng, không hơn thua dẫm đạp trong cuộc sống. Ông hiểu lẽ vô thường của cuộc đời, như một kiếm khách phiêu bồng thảnh thơi vỗ đàn hát giữa trời.

Hôm nay, ông như con hạc vàng đã bay đi, rất xa, Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ...(*), nhưng hình bóng của hạc vàng còn in mãi trong tâm tưởng luyến tiếc của biết bao người…

                                          Nhạc sĩ Minh Châu

Lời trong bài “ Thu, hát cho người”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI