Coi chừng mất tiền vì đầu tư chứng khoán qua app

11/02/2023 - 06:18

PNO - Nhiều ứng dụng (app) chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động giao dịch chứng khoán, thậm chí cho nhà đầu tư vay tiền để mua, bán cổ phiếu.

Vay dễ, chơi dễ  

Ứng dụng đầu tư chứng khoán có tên Greenstock của Công ty cổ phần Đầu tư Con Đường Xanh (Greenway Investment) được quảng cáo là “siêu ứng dụng”, “siêu đòn bẩy tài chính”. Đòn bẩy tài chính được hiểu với nghĩa là cho phép nhà đầu tư (NĐT) sử dụng khoản vay tạm thời để mua cổ phiếu (CP) với số lượng nhiều hơn số tiền tự có. 

M.H. - người đăng tải nội dung quảng cáo này trên Facebook - khuyên chúng tôi nên mở tài khoản trên ứng dụng Greenstock để đầu tư chứng khoán. Nếu các công ty chứng khoán (CTCK) chỉ cho sử dụng đòn bẩy tài chính với tỉ lệ 1:1 (ký quỹ 50%, vay 50%) thì ứng dụng này cho phép sử dụng đòn bẩy tài chính với tỉ lệ 3:7 (ký quỹ 30%, vay 70%) thậm chí là 2:8 (ký quỹ 20%, vay 80%).

“Trên thị trường, chưa có ứng dụng nào cho vay cao đến như vậy. Em phải sử dụng đòn bẩy tài chính thì mới tăng lợi nhuận lên được. Nếu em có vốn 10 triệu đồng, không sử dụng đòn bẩy tài chính thì mỗi 1% biến động trên thị trường, em thu về chỉ 100.000 đồng, tương đương 1% vốn tự có. Nếu em có vốn 10 triệu đồng, sử dụng đòn bẩy tài chính tỉ lệ 2:8 (vay thêm 40 triệu đồng) thì mỗi 1% biến động thị trường, em sẽ thu về 500.000 đồng, lợi nhuận tăng lên gấp 5 lần so với không dùng đòn bẩy tài chính” - M.H. thuyết phục. 

Ứng dụng Greenstock cho nhà đầu tư vay để mua cổ phiếu với tỉ lệ lên đến 3:7 hoặc 2:8 - ẢNH: THANH HOA
Ứng dụng Greenstock cho nhà đầu tư vay để mua cổ phiếu với tỉ lệ lên đến 3:7 hoặc 2:8 - Ảnh: Thanh Hoa

Sau khi tạo tài khoản trên ứng dụng Greenstock, chúng tôi được cung cấp 4 gói sản phẩm, mỗi gói sẽ được vay số tiền khác nhau. Với gói 10, nếu chọn mua CP cơ sở được niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, tỉ lệ đòn bẩy tài chính 2:8 thì thời hạn vay là 6 tháng, hạn mức đến 50 tỉ đồng, lãi suất (LS) là 14,38%/năm, lãi quá hạn là 22,23%, phí giao dịch là 0,15%, tỉ lệ cọc tối thiểu là 20%; nếu chọn tỉ lệ đòn bẩy tài chính 3:7 thì LS là 14,42%/năm, lãi quá hạn là 21,64%, tỉ lệ cọc tối thiểu là 30%. 

Với gói sản phẩm khác, LS vay từ 14,42 - 14,82%/năm, tỉ lệ cọc từ 10 - 30% tùy theo mức sử dụng đòn bẩy tài chính. Trên ứng dụng, chúng tôi thấy nhiều tài khoản đã được kích hoạt, đa phần sử dụng đòn bẩy tài chính 2:8 hoặc 3:7, rất ít NĐT chọn gói cơ bản (basic, không sử dụng đòn bẩy tài chính). 

Hiện còn nhiều ứng dụng khác cũng hỗ trợ NĐT mua được số CP nhiều hơn mức tiền tự có. H.T. - quản trị viên của nhóm Cộng đồng đầu tư ứng dụng Finhay, Tikop, Infina trên Facebook - cho biết, không phải NĐT nào cũng có đủ tiền để mua 100 CP/lần giao dịch như quy định. Nếu tham gia ứng dụng Anfin, NĐT chỉ cần bỏ ra 10.000 đồng, chịu phí giao dịch 0,25%, được tặng thêm 2 CP nữa, phần còn lại sẽ được ứng dụng lo. 

Nếu thông qua Finhay, khách bỏ ra tối thiểu 50.000 đồng, phí giao dịch 0,1%, được tặng thêm 10.000 đồng. Với các ứng dụng như Infina, Tititada, VPS, khách chỉ cần có tối thiểu 10.000 đồng, chịu phí giao dịch từ 0 - 0,15% là có thể mua được lô dưới 100 CP (lô lẻ) hoặc mua được lô 100 CP (lô chẵn) ngay trên ứng dụng. 

Rủi ro lớn cho nhà đầu tư 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Greenstock vẫn chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp phép. UBCKNN cũng từng cảnh báo về việc một số ứng dụng như Passion Invest, Buff, Finhay, Anfin, Tititada… chưa được cơ quan này cấp phép, quản lý, giám sát nhưng vẫn huy động vốn của NĐT dưới hình thức hỗ trợ đặt lệnh giao dịch chứng khoán, NĐT có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra. 

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam - cho biết, theo Luật Chứng khoán, các thành viên của TTCK Việt Nam (CTCK, ngân hàng) sẽ cung cấp dịch vụ chứng khoán cho NĐT. Nếu khách hàng thực hiện giao dịch với một bên thứ ba không được cấp phép như các ứng dụng trên thì khi xảy ra tranh chấp pháp lý, sẽ không được luật pháp bảo vệ. Đây là giao dịch không được sự cho phép của UBCKNN.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Minh, các CTCK chỉ được cấp dịch vụ đòn bẩy tài chính (margin) theo tỉ lệ 1:1. Việc các ứng dụng cấp với tỉ lệ 2:8, 3:7 là trái quy định, vi phạm pháp luật. Nếu TTCK biến động mạnh theo chiều hướng xấu thì NĐT qua app sẽ bị “cháy tài khoản”. Nếu ứng dụng bị lỗi, sập, chủ ứng dụng bỏ trốn thì NĐT sẽ mất hết số tiền đã nộp và có trong tài khoản. 

Chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng - thông tin, hiện nay, có một số CTCK hoặc môi giới chứng khoán kết hợp với một nguồn lực tài chính nào đó bên ngoài để cung cấp đòn bẩy tài chính cao theo dạng cá nhân, có nơi cho vay với tỉ lệ 1:9. Một dạng khác là lập ra công ty, mở các ứng dụng để cho NĐT vay giống như các ứng dụng kể trên. Nếu khách vay mà không trả tiền đúng hạn thì lãi mẹ đẻ lãi con, sẽ bị khủng bố tinh thần giống như các dịch vụ cho vay tiền qua các ứng dụng. Còn nếu nhờ pháp luật can thiệp thì pháp luật cũng không thể xử lý do không có cơ sở, địa chỉ, thông tin công ty đứng đầu. 

Theo ông Phan Dũng Khánh, trong giai đoạn TTCK có nhiều biến động như vừa qua, nhiều NĐT do thua lỗ nặng, đã sử dụng đòn bẩy tài chính với tỉ lệ 1:9 để hy vọng gỡ vốn. Ông nhận xét: “Chung quy đều do NĐT muốn dùng đòn bẩy tài chính cao để “tất tay” và tăng lợi nhuận, nhưng kết quả phần lớn là “cháy tài khoản”. 

Dù TTCK đã vượt qua giai đoạn xấu nhưng rủi ro vẫn còn. Hiện thị trường vẫn giữ trạng thái đi ngang và có thể kéo dài đến hết năm 2023. Việc tăng đòn bẩy tài chính trong thời điểm này (kể cả đòn bẩy tài chính hợp pháp từ các CTCK) sẽ đem đến rủi ro rất lớn cho NĐT. Các NĐT chỉ nên giao dịch tại CTCK được cấp phép; nếu muốn sử dụng đòn bẩy tài chính thì nên thông qua công ty này để hạn chế rủi ro.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI