Cơ sở giáo dục đại học khó khăn cả về kinh phí và nhân lực

17/08/2023 - 07:07

PNO - Trong buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các trường đại học diễn ra chiều 15/8, khó khăn về kinh phí, về giữ chân giảng viên là 2 vấn đề lớn được đề cập.

 


 

Tự chủ đại học

Đại diện nhiều trường đại học chia sẻ, việc triển khai tự chủ hiện nay ở các trường đã tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo cố gắng nâng cao năng lực để có thể đáp ứng yêu cầu cũng như thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo, tính chịu trách nhiệm của các trường.

Tuy nhiên, tiến sĩ Phạm Thị Huyền - Trưởng bộ môn marketing, Trường đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng, tự chủ là tăng cường quyền cho các nhà trường. Song, hiện nay xã hội vẫn hiểu là tự chủ trong thu học phí. Do đó, cần truyền thông tốt hơn về tự chủ đại học để xã hội hiểu chính xác về vấn đề này. 

Đa số ý kiến từ các cơ sở giáo dục đại học cũng nêu, thu nhập hiện nay của giảng viên - đặc biệt là giảng viên trẻ khối trường sư phạm - còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Dẫn đến tình trạng giảng viên không yên tâm công tác, thậm chí hiện nay đã có những giảng viên giỏi bỏ việc ở trường công, chuyển công tác sang các trường ngoài công lập với thu nhập cao hơn. 

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đạo - Chủ tịch Công đoàn Trường đại học Nha Trang - trăn trở: “Công việc chính thì đem lại thu nhập phụ, việc làm phụ thì đem lại thu nhập chính. Việc chính cần được dành nhiều trí tuệ, tâm huyết thì lại không. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, đào tạo rất nhiều”.

Ông đề xuất Nhà nước có chính sách cho vay vốn với các ưu đãi đặc thù (qua hệ thống ngân hàng) cho giảng viên, người lao động trong ngành giáo dục. Ví dụ: cho vay để mua đất, xây nhà, đi học nâng cao chuyên môn với các ưu đãi về lãi suất, thời gian vay (10-20 năm), phương thức trả nợ vay…
Bên cạnh khó khăn không giữ chân được nhân lực chất lượng cao, các trường đại học còn gặp khó khăn khi việc tăng học phí được tạm dừng. Về trách nhiệm xã hội, đây là sự chia sẻ khó khăn với các gia đình, với sinh viên. Song, lương cơ bản vẫn tăng theo lộ trình; cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn phải đầu tư để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong bối cảnh hiện nay, trong cả tương quan chung với khối ngoài công lập cũng như với các trường cùng khối, ngành trong khu vực và trên thế giới… đã khiến các trường gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí.

Việc chuyển đổi để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là trăn trở của các trường. Nhiều ý kiến mong muốn được Bộ GD-ĐT chia sẻ chiến lược để đổi mới đồng bộ. Cụ thể là về mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giảng dạy, thi cử, kiểm tra, đánh giá ở bậc giáo dục đại học theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế; định hướng phát triển và quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo các trường sư phạm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… trong tương lai.

 Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI