Có nên công khai kết quả đối sánh từng học sinh lên bản tin trường?

04/09/2020 - 07:58

PNO - Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các trường tiến hành đối sánh điểm thi trung bình các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học tương ứng năm học lớp 12 của học sinh.

Theo đó, ngày 4/9 là hạn chót để các đơn vị niêm yết tại bản tin trường và báo cáo về sở. Tuy nhiên, nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục cho rằng điều này chưa ổn.

Việc thực hiện đối sánh căn cứ vào khoản 7 Điều 60 Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, quy chế này giao cho các trường thực hiện "đối sánh điểm thi trung bình các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học tương ứng của năm học lớp 12 của các học sinh (HS) làm căn cứ để đổi mới việc dạy và học trong nhà trường".

Theo các giáo viên, các nhà quản lý giáo dục, việc đối sánh điểm không có vấn đề gì. Nhưng yêu cầu đưa kết quả đối sánh công khai trên bản tin trường sẽ nảy sinh nhiều vấn đề như: ảnh hưởng quyền riêng tư của HS. Những HS có kết quả thấp rất dễ mặc cảm. Đồng thời, tạo tâm lý so sánh không hay cho HS, thậm chí là phụ huynh... 

Mục đích của việc thực hiện đối sánh là tốt, so sánh để biết điểm hạn chế cần khắc phục, điều chỉnh phương pháp dạy và học. Thế nhưng, theo các giáo viên, kết quả đối sánh giữa một kỳ thi quốc gia và điểm học bạ có chênh lệch là chuyện bình thường. Rõ ràng, kết quả của tất cả các tỉnh, thành đều có chênh lệch, ít hoặc nhiều.

“Việc điểm học bạ cao hơn điểm thi trong phạm vi trên dưới 1 điểm không nói lên được điều gì, càng không thể nói là giáo viên phổ thông cho điểm nới tay. Đơn giản vì đề thi quốc gia chắc chắn phải có tính tổng hợp, phân hóa cao hơn, tâm lý và áp lực của kỳ thi cũng khác hẳn với các kỳ kiểm tra thường kỳ trong lớp học”, một giáo viên dạy toán tại Q.3 nhận xét.  

Còn ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm đối sánh cũng chỉ là một số liệu để tham khảo, không nên xem đó là thước đo đánh giá HS. Chủ trương và phân bố chương trình của Bộ GD-ĐT và sở là dạy sao kiểm tra vậy nên giáo viên dạy một bài hoặc một chương rồi cho kiểm tra nên điểm cao là tất nhiên. Việc cải cách phương pháp đánh giá nên giáo viên mới sáng tạo ra dạy nhóm, dạy dự án, nghiên cứu khoa học... Do đó, điểm cao cả nhóm là bình thường.

“Chúng ta không nên để điểm số trở thành áp lực lên HS. Đặc biệt, đề thi của Bộ GD-ĐT ra không đơn thuần chỉ xét tốt nghiệp THPT, mà còn “kiêm” nhiệm vụ xét vào đại học. Vậy lấy điểm của đề thi quốc gia mà so sánh đề kiểm tra trong lớp là không nên, chỉ làm tăng áp lực cho giáo viên”, ông Phú phân tích. 

Do đó, theo các giáo viên, thay vì so sánh và niêm yết danh sách HS, thì chỉ nên khảo sát mỗi trường có bao nhiêu HS đậu nhờ điểm trung bình lớp 12. Nếu có trường hợp chênh lệch bất thường thì tìm hiểu tiếp, có kết quả bất thường hẳn hoi rồi hãy công khai. Bởi thực tế rất nhiều trường tư thục, trường ở địa phương khó khăn nhưng tỷ lệ đậu 100% là nhờ vào điểm trung bình lớp 12. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI