Cô gái “tây” khắc khoải tìm mẹ Việt

10/06/2023 - 06:30

PNO - Chỉ có vài dữ liệu mong manh, nhưng Iris Dager - cô gái mang 2 quốc tịch Thụy Điển, Iceland - vẫn quyết tâm về Việt Nam tìm mẹ ruột bởi cô được sinh ra ở Việt Nam, được mẹ cô đặt tên là Nguyễn Mai Thanh trước khi bỏ cô lại bệnh viện phụ sản.

 

Nguyễn Mai Thanh lúc mới được nhận nuôi  - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyễn Mai Thanh lúc mới được nhận nuôi - Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Tên thật của tôi là Nguyễn Mai Thanh”

Đó là thông tin đầu tiên được Iris Dager - Nguyễn Mai Thanh ghi trong lá thư gửi đến chúng tôi. Cô hy vọng, câu chuyện tìm mẹ của cô được báo chí, truyền thông loan tin để nhiều người biết đến.

Mai Thanh cho biết, theo giấy khai sinh thì cô sinh ngày 21/9/1992 ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Cô được biết, mẹ ruột của mình tên là Ngô Thị Dung, quê ở huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Lúc sinh Mai Thanh, mẹ cô khoảng 18 tuổi, chưa lập gia đình. Mai Thanh được nhận làm con nuôi, cha nuôi là người Thụy Điển, mẹ nuôi là người Iceland. Vì thế, cô mang 2 quốc tịch, được đặt tên là Iris Dager. 2 tháng tuổi, cô được đưa đến Thụy Điển.

Giấy khai sinh của Nguyễn Mai Thanh  - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Giấy khai sinh của Nguyễn Mai Thanh - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô chia sẻ, mình được cha mẹ nuôi chăm sóc, giáo dục trong môi trường, điều kiện rất tốt. Họ cũng sớm cho cô biết thân phận, gốc gác của mình. Thậm chí, cha mẹ cô còn tham gia cộng đồng những người nhận con nuôi ở Việt Nam. Khi Iris Dager 10 tuổi, cô được cha mẹ nuôi đưa về Việt Nam cùng các gia đình nhận con nuôi người Việt khác. Càng lớn, những câu hỏi về thân phận của mình càng khắc khoải trong lòng Iris Dager, nhất là những lần đi khám sức khỏe, bác sĩ thường hỏi tiền sử bệnh tật của gia đình và cô không thể trả lời được.

“Tôi luôn muốn biết tôi là ai, đến từ đâu, người sinh ra tôi thực sự trông như thế nào, tại sao lại bỏ rơi tôi, bây giờ cha và mẹ ruột của tôi có còn ở bên nhau, gia đình ruột thịt của tôi như thế nào… tôi có rất nhiều câu hỏi nhưng không ai có thể cho tôi câu trả lời” - cô tâm sự.

25 tuổi, khi Iris Dager cùng gia đình chuyển đến Iceland, cô mới tìm thấy bản thông tin về tên khai sinh, ngày sinh của mình, tên người đã sinh ra mình. Chưa bao giờ cô tưởng tượng ra được mẹ ruột mình trông như thế nào, liệu mình có thể nhận ra mẹ hay những người thân khi tình cờ chạm mặt nhau trên một con phố nào đó?

Thấy rất rõ mình là người Việt Nam

Nguyễn Mai Thanh khi trưởng thành - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyễn Mai Thanh khi trưởng thành - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phải đến đầu năm 2023 Iris Dager mới có thể bắt đầu hành trình tìm mẹ. Từ cuối tháng Ba đến cuối tháng Tư vừa qua, cô đã về Việt Nam. 

Suốt 1 tháng, cô cùng người phiên dịch chạy khắp nơi trên chiếc xe máy thuê để tìm mẹ. Cô đã gặp nhiều người, gồm những bác sĩ, y tá ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, những người có cùng họ tên Ngô Thị Dung hoặc “trông có vẻ giống Mai Thanh”. Cô cũng cậy nhờ cả Công an huyện Gia Lâm, UBND huyện Gia Lâm, công an và UBND 22 xã của huyện Gia Lâm, Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm, Công an quận Long Biên, UBND quận Long Biên, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Cục Con nuôi, nhưng chưa có kết quả.

Cô chia sẻ: “Khi đến huyện Gia Lâm, tôi không thực sự có cảm giác khác lạ nào. Thông tin ở bệnh viện ghi mẹ ruột của tôi ở huyện Gia Lâm nhưng đó có thể là thông tin đúng, cũng có thể không, vì lúc sinh ra tôi, mẹ chỉ khoảng 18 tuổi. Trong giấy thỏa thuận cho con, có ghi “người mẹ không muốn liên lạc lại sau khi rời bệnh viện”. Tôi hiểu hoàn cảnh của mẹ khi đó. Tôi cũng hy vọng, bây giờ mẹ tôi đã nghĩ khác. Tôi không có cảm giác gì khi đến huyện Gia Lâm nhưng khi ở nội thành TP Hà Nội, tôi luôn có cảm giác gia đình ruột thịt của mình đang ở quanh đây”.

Chưa tìm được mẹ nhưng chuyến trở về này đã cho Mai Thanh cảm giác cô là người Việt Nam. Iris Dager vốn kén ăn nhưng khi ăn đồ ăn Việt, cô thích ngay. Cô tâm sự: “Từ khi chưa trở về tìm mẹ, mỗi khi gặp người Việt Nam hoặc đi qua nhà hàng Việt Nam, tôi đều có cảm giác xao xuyến. Điều này chưa từng xảy ra khi tôi nghĩ về quốc gia khác. Tôi từng nghĩ mọi người đều thân thiện như tôi. Nhưng khi gặp nhiều người, trong nhiều chuyến đi khắp các quốc gia, họ nói rằng tôi cởi mở, nói nhiều và thân thiện hơn những người mà họ gặp trong chuyến đi của họ. Và tôi bắt đầu nghĩ rằng, những điều đó có thể do nguồn gốc Việt Nam của tôi”.

“Chỉ mong được ôm mẹ một cái”

Nguyễn Mai Thanh khi 12-13 tuổi - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyễn Mai Thanh khi 12-13 tuổi - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Iris Dager đã trở lại Iceland, tiếp tục công việc trong ngành cảnh sát. Từ Iceland, cô viết thư cho chúng tôi, kể: “Tôi luôn thấy thật tuyệt trong mỗi chuyến đi xa, và thấy thật thoải mái khi trở về châu Âu. Nhưng lần này, ngay khi đáp xuống sân bay ở Frankfurt (Đức) để nối chuyến về Iceland, tôi đã không cảm thấy điều đó”. 

Theo cô, có lẽ đó là do cô đã không thể hoàn thành mục tiêu của chuyến trở về Việt Nam, và do cô đã thấy mình thực sự hòa vào nhịp sống và con người Hà Nội, đã có những người bạn thực sự tuyệt vời ở Việt Nam mà nay lại phải rời đi. “Những người bạn đã dẫn tôi đi chơi và hỗ trợ tôi trong suốt hành trình tìm mẹ. Tôi rất nhớ họ. Nên nếu tôi không tìm lại được mẹ thì với tôi, họ đã trở thành gia đình của tôi ở Việt Nam, để tôi có thể ghé thăm mỗi lần trở lại” - cô nói.

Iris Dager - Nguyễn Mai Thanh chưa biết khi nào mới trở lại Việt Nam, bởi cô còn chờ thông tin, sự giúp đỡ từ Cục Con nuôi, từ chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” cũng như thông tin lan tỏa từ các báo, đài. Dẫu thế, cô chưa từng nghĩ đến việc dừng lại khi những câu hỏi và những day dứt về nguồn gốc của mình vẫn còn luôn cháy bỏng trong cô. 

Nguyễn Mai Thanh lúc nhỏ  - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyễn Mai Thanh lúc nhỏ - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô nói, cố gắng làm mọi thứ vẫn tốt hơn là chỉ ngồi và chờ đợi. Cô chưa từng dám tưởng tượng ra ngày đoàn tụ của mình với mẹ, bởi cơ hội quá mong manh. Cô trở về Việt Nam với rất ít sự kỳ vọng, nhưng lại có hy vọng rất lớn về một phép màu nào đó có thể xảy ra. 

Cô nhắn nhủ với mẹ mình: “Dù con đã chuẩn bị tinh thần cho mọi kịch bản có thể xảy ra khi tìm mẹ, nhưng con vẫn không thể tưởng tượng được mẹ đã phải trải qua những gì khi quyết định để lại con ở bệnh viện. Tất cả những gì con mong muốn là mẹ có một cuộc sống đầy đủ yêu thương, hạnh phúc. Con cũng mong mẹ không bị ám ảnh bởi những ký ức đau buồn hay lo lắng về con. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ điều gì có thể ngăn cản mẹ, bằng cả trái tim mình, con thực sự hy vọng mẹ sẽ liên lạc để tìm lại con. Điều này rất có ý nghĩa với con vì con thực sự chỉ mong được gặp mẹ, được ôm mẹ một cái”. 

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI