Kỷ niệm 30 năm ngày mất của Thiếu tướng Nguyễn Thị Định - nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (26/8/1992 - 26/8/2022)

Cô Ba Định - niềm tự hào của xứ dừa, của Việt Nam

24/08/2022 - 06:39

PNO - Tôi về Bến Tre trong những ngày cuối tháng Tám. Bến Tre là quê ngoại của tôi. Những ngày này, không chỉ người dân của xã Lương Hòa, của huyện Giồng Trôm mà cả tỉnh Bến Tre đang hối hả chuẩn bị các nghi thức, các phần hội để tưởng niệm 30 năm ngày mất của nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Lãnh đạo phong trào Đồng khởi

Từ truyền thống của gia đình và sự dìu dắt từ người anh ruột, cô Ba Định tham gia phong trào Đông Dương đại hội bằng cách rải truyền đơn, làm liên lạc, vận động bà con chống lại sự áp bức, bóc lột của bọn cường hào tại địa phương. Năm 1938, cô Ba được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1945, cô Ba tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Bến Tre. Tháng 3/1946, cô tham gia đoàn cán bộ miền Nam ra Bắc và được gặp Bác Hồ, xin chi viện vũ khí và cuối năm đó, cô làm trưởng đoàn thuyền chở vũ khí về Nam. 

Bà Nguyễn Thị Định trò chuyện với  đại biểu dự đại hội tỉnh Sơn La  năm 1987
Bà Nguyễn Thị Định trò chuyện với đại biểu dự đại hội tỉnh Sơn La năm 1987

Phong trào Đồng khởi năm 1960 đã tạo nên một mốc son chói lọi trong cuộc đời hoạt động cách mạng của cô Ba, cũng như trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Cô Ba là người chỉ đạo trực tiếp phong trào tại H.Mỏ Cày Nam hiện nay và sau đó, phong trào này lan khắp miền Nam. 

Sau khi cô mất, khu tưởng niệm được lập tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, H.Giồng Trôm. Trong đền thờ chính, có tượng đồng chân dung cô do Bộ Quốc phòng tặng. Nhân dân Hát Môn (TP.Hà Nội) cũng rước bát hương cô về thờ trong khu đền thờ Hai Bà Trưng. Tên của cô cũng được đặt cho nhiều tuyến đường và trường học ở nhiều địa phương. Ở Cuba, có một làng mang tên Nguyễn Thị Định. Hình ảnh cô khi xuất hiện ở nước ngoài đã góp phần làm nổi bật hình ảnh phụ nữ Việt Nam.

Về Bến Tre những ngày này, tôi thấy mình như sống lại những ký ức về một thời hào hùng, về những chiến tích lẫy lừng của đội quân tóc dài mà gắn liền với nó là tên tuổi của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Hằng năm, ngày giỗ của cô do UBND huyện và xã tổ chức. Năm nay, kỷ niệm 30 năm ngày mất (năm tròn) nên UBND tỉnh sẽ tổ chức lớn hơn với nhiều hoạt động tưởng nhớ ấm áp. 

Trước đây, tôi may mắn có dịp trò chuyện với bà Út Thắng - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo đấu tranh chính trị tỉnh Bến Tre - về phong trào Đồng khởi. Ngoài 80 tuổi, bà Út Thắng vẫn nhớ rõ về những ký ức hào hùng năm xưa. Đó là vào năm 1959, bà được cấp trên điều chuyển từ H.Châu Thành qua H.Mỏ Cày để tiếp tục đấu tranh. Bà kể: “Có lần bị giặc càn, tôi cùng bà Ba Định phải xuống hầm. Nhưng hầm không có lỗ thông hơi, rất nguy hiểm. Khi đó, bà Ba Định nhanh trí lấy chiếc khăn mùi xoa kê nắp hầm, may là địch không phát hiện ra”.

Đêm 17/1/1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bến Tre, nhân dân H.Mỏ Cày đã nhất tề nổi dậy khởi nghĩa, mở đầu cho một cao trào đấu tranh mới. Với cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cô Ba Định vừa chỉ đạo lực lượng vũ trang đánh địch chống càn, vừa huy động lực lượng quần chúng đấu tranh binh vận, đấu tranh chính trị với phương châm “3 mũi giáp công” và thành lập nên đội quân tóc dài. Tên tuổi của cô gắn với phong trào Đồng khởi Bến Tre, với đội quân tóc dài kể từ đó.

Chủ tịch Hội đồng Nhà Nước Cuba Fidel Castro đón tiếp bà Nguyễn Thị Định sang thăm Cuba ngày 18/7/1974 - ẢNH: TƯ LIỆU

Chủ tịch Hội đồng Nhà Nước Cuba Fidel Castro đón tiếp bà Nguyễn Thị Định sang thăm Cuba ngày 18/7/1974 - ẢNH: TƯ LIỆU

 

Bà Nguyễn Thị Bình (trái- Nguyên Phó Chủ tịch nước) và bà Nguyễn Thị Định trong Chiến tranh chống Mỹ. Nguồn: TTXVN.

Bà Nguyễn Thị Bình (trái- Nguyên Phó Chủ tịch nước) và bà Nguyễn Thị Định trong chiến tranh chống Mỹ. Nguồn: TTXVN.

Bà Út Thắng luôn nhấn mạnh, cô Ba Định là một người bình dị, kiên cường, giàu tình cảm và rất quyết liệt. Sự quyết liệt thể hiện ở phương châm đấu tranh “một tấc không đi, một ly không rời”. Cô Ba Định ăn mặc rất đơn giản, chỉ luôn vận bộ bà ba, quấn khăn rằn.

Thắng lợi ban đầu của phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã nhanh chóng lan rộng khắp các địa phương lân cận, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam. Thắng lợi này đánh dấu bước trưởng thành về phương pháp và nghệ thuật chỉ đạo đấu tranh cách mạng của các cấp ủy đảng cũng như trình độ giác ngộ của quần chúng nhân dân miền Nam.

Đội quân tóc dài bất khuất

Khi còn sống, bà ngoại tôi thường kể cho con cháu nghe những giai thoại về đội quân tóc dài mà bà và mấy dì trực tiếp

Bà Nguyễn Thị Định (Ba Định) sinh ngày 15/3/1920 tại xã Lương Hòa, H.Giồng Trôm ngày nay và mất vào ngày 26/8/1992 tại TP.HCM. Bà còn có các bí danh Bích Vân, Ba Tấn, Ba Nhất, Ba Hận, là nữ thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam đầu tiên và nữ chính trị gia Việt Nam. Bà từng giữ các chức vụ Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV, V, VI, đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII. Với những cống hiến của mình, bà được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (1990), Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; được Chính phủ Cuba trao tặng Huân chương Hiron, Liên Xô trao tặng Giải thưởng Hòa bình Lênin.

tham gia dưới sự chỉ huy của cô Ba Định. Lúc đó, đội quân tóc dài đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “3 mũi giáp công” gồm chính trị, binh vận, vũ trang để tấn công quân Mỹ, ngụy. 

Ở xã Lương Hòa, H.Giồng Trôm, có đội lân nữ đã từng phục vụ cho kháng chiến. Đội lân đã mượn tiếng đàn, hát, tiếng trống lân rộn ràng nhằm che mắt địch để tập hợp lực lượng đấu tranh chính trị. Bà Võ Thị Kiển - thành viên của đội lân xã Lương Hòa - bị địch phát hiện, tra tấn dã man, đứa con tám tháng trong bụng mẹ tử vong. Dù vậy, bà vẫn nén nỗi đau, tiếp tục đi tuyên truyền chính trị. Bà là một trong hàng ngàn phụ nữ ở miền Nam bị địch bắt bớ, giam cầm, tra khảo trong những năm Đồng khởi.
Cùng với phong trào Đồng khởi năm 1960, sự phát triển của đội quân tóc dài tỉnh Bến Tre do cô Ba lãnh đạo là sự thể hiện độc đáo của phong trào chống Mỹ ở miền Nam. Nhớ lại những năm tháng đấu tranh ấy, bà Năm Đời (xã Châu Bình, H.Giồng Trôm) cho biết, hai lần bị giặc bắt khi tham gia đấu tranh chính trị trực diện nhưng bà vẫn khiến kẻ địch khiếp sợ trước sự kiên trung của mình. Khi bị địch bắt, chúng tra tấn, bắt bà phải dẫn đi tìm cơ sở cách mạng, bà Năm Đời đã dẫn bọn địch vào bãi mìn. Bị mìn nổ, địch tổn thất nặng, còn bà chỉ bị thương. Kế hoạch tìm cơ sở cách mạng thất bại, chúng tức tối túm tóc bà lôi đi khoảng 5km khiến da đầu bà rách toạc, máu chảy đầm đìa. Đến nay, ở chỗ bị thương, tóc vẫn không mọc được.

Thời gian đang trôi qua nhanh, dù 30 năm hay trăm năm sau nữa, hình ảnh về một nữ tướng xứ dừa, về đội quân tóc dài vẫn còn đó trong lòng mọi người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Đây là niềm hãnh diện của một dân tộc không khuất phục trước bất cứ quân xâm lược nào. Thắp ba nén hương trước vong linh cô Ba, tôi nghe như hào khí năm nào đang vọng về nơi đây. Tấm gương của cô Ba Định luôn được các thế hệ học tập và phát huy linh hoạt. Tôi tin vào điều đó. 

Hoàng Liên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI