Chuyện vợ chồng 'vào dễ ra khó'

22/02/2020 - 10:12

PNO - Ông xã “vào được không ra được”, phải đợi một lúc mới “thoát”, phải làm sao bây giờ?

Tôi có cô bạn gặp chuyện hy hữu trong chuyện vợ chồng là ông xã “vào được không ra được”, phải đợi một lúc mới “thoát”. Đi khám, được biết cô ấy mắc chứng “co thắt” nặng, phải uống thuốc thường xuyên. Bạn tôi rất lo sợ chuyện này ảnh hưởng đến hạnh phúc.

 Th.Thành (TP. HCM)

Các lớp cơ vòng quanh âm đạo có vai trò “đắt xắt ra miếng” trong đời sống tình dục của phụ nữ. Sức co bóp từ chúng bảo đảm mức “tương tác” toàn diện nhất giữa người cho kẻ nhận, từ đó khoái cảm tìm được cơ hội tối ưu. Nếu những bó cơ “vàng” này bị làm sao, các cô khó mà ăn ngon ngủ yên. Hầu hết các tai nạn này là nạn giãn cơ sau cuộc sinh khó, phá thai to, ăn nằm bạo lực... 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tình huống ngược lại, không giãn mà co, cũng ể mình không  kém. Phổ biến là sự biến “nội bất xuất ngoại bất nhập” trong đêm tân hôn, của các tân nương lạ lẫm xác thịt hoặc nâng khăn sửa túi nhầm gã đàn ông chẳng màng tiếc ngọc thương hoa. 

Cớ sự được quy cho tâm lý sợ hãi, xấu hổ, đau đớn, vô tình kích hoạt phản ứng co thắt mãnh liệt của các lớp cơ vòng âm đạo. Đa phần, màn co người thủ thế này đủ mạnh để vô hiệu hóa mọi cố gắng “xâm nhập” hoặc sinh ra một biến thể khác “vào được, ra không được”. 

Khác với trạng huống đầu, nếu kịch bản “đi cũng dở ở chẳng xong” xảy ra, nhiều người cho rằng, chẳng việc gì phải xoắn, bởi chỉ cần hai bên “tắt máy thả trôi” một chốc tất thiên hạ thái bình. Thực tế không đơn giản, bởi cú co thắt có thể như chiếc thòng lọng thắt chặt yết hầu, ngăn máu quy hồi tuần hoàn, khiến đương sự phải trầy trật lắm mới thoát thân, lắm khi còn không thể. Quãng thời gian “câu lưu” này càng kéo dài, càng nguy cấp cho nạn nhân, với nguy cơ phù nề, hoại tử chực chờ. 

Rõ ràng, lành dữ nằm ở chỗ các bó cơ vòng âm đạo tung tẩy thế nào, mức độ ra sao, kéo dài bao lâu... 
Không thể coi thường sự thể, nhất là khi nó xảy ra với các bà, các cô, cách đêm “ban sơ mới về” xa lắc xa lơ. Không còn là cú sập cửa do lạ lẫm, sợ hãi nữa mà chuyện hẳn đã lớn hơn, đâu đó từ vấn đề tâm lý, thần kinh, cơ bắp, chuyển hóa...

Việc chữa trị hẳn cần không ít thời gian. Việc của hai bên là bình tĩnh bởi sau cơn mưa trời lại sáng. Uống thuốc theo toa, giải tỏa tâm lý nếu cần nhưng đừng quên “sinh hoạt” đều đặn. Với kiểu sự cố này, đi xuyên qua vấn đề thường mang lại hiệu quả hơn là lấm lét nhìn từ xa.

 Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI