Chuyện tình người giữ rừng lịch sử

01/05/2016 - 18:35

PNO - Khó mà hình dung một người cựu chiến binh, một ông phó giám đốc trường Đảng, chủ tịch “đủ thứ” hội lại là một ông nông dân đang pha trà...

Tôi đến thăm vợ chồng cựu chiến binh Hoàng Phi Hùng (SN 1950) - Nguyễn Thị Tuyết (SN 1952), người đã bám trụ với mảnh đất kiên trung: căn cứ Huyện ủy Tòa Thánh - còn gọi là căn cứ Năm Trại (xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) vào những ngày con đường đất đỏ nắng bụi mưa lầy đi vào căn cứ đã hoàn thành những hạng mục cuối cùng. Nếu không được biết trước, tôi khó hình dung một người cựu chiến binh, một ông phó giám đốc trường Đảng, chủ tịch “đủ thứ” hội lại là một ông nông dân đang pha trà, bưng bê cà phê, nước ngọt trong quán giải khát nhỏ xíu ven đường.

Bên ly trà nóng giữa buổi trưa thanh vắng bên rừng lịch sử căn cứ Năm Trại, người cựu chiến binh trầm ngâm kể: “Tôi không phải dân Tây Ninh gốc, quê tôi ở Long An, tham gia Đoàn Thanh niên Nhân dân cá ch mạ ng Hồ Chí Minh (nay là Đoàn TN Cộng sản Hồ Chí Minh) từ năm 16 tuổi. Hồi đó thanh niên nam nữ nào lớn lên cũng vậy, không có lựa chọn nào khác. Không có nhiều trường học để chọn như bây giờ.

Chuyen tinh nguoi giu rung lich su
Vợ chồng người giữ rừng lịch sử

Nhà nghèo, chiến tranh, không đi học được nữa, quanh quẩn ở nhà rồi tới tuổi quân dịch cũng phải đi và phải chết thôi, mình phải chọn cái chết nào cho “ngon ngon” một chút - đó là tham gia cách mạng, ban ngày đi lao động sản xuất, ban đêm bí mật vào các ấp chiến lược giáo dục, vận động thanh niên địa phương tham gia lực lượng vũ trang của huyện, rồi đi thanh niên xung phong phục vụ chiến trường.

Rồi tự dưng từ Long An số phận đẩy mình lên Tây Ninh và bám ở đây hơn bốn chục năm nay. Vợ tôi cũng là thứ dữ à nghen, con gái Tây Ninh mà! Hồi đó quen nhau bả đã là cán bộ Hội Phụ nữ huyện. Lúc đó thương rồi mà có cưới được đâu. Vì nhiệm vụ phải đi chặp nữa. Cực mà vui. Bây giờ dễ gì tuổi trẻ chịu được”.

Mắt ông dõi xa xăm về hướng căn cứ, cách nhà ông chỉ mươi bước chân. Ở đó, trong tầng tầng lá cây và âm âm tiếng gió, hình như đang có tiếng nói cười của những đồng đội thuở thanh xuân: “Năm 1969-1970 giặc càn quét khu Năm Trại rất dữ, quyết biến nơi này thành “vành đai trắng” nhằm cô lập, tiêu diệt bộ đội địa phương, cũng là chặt đứt đường đi của bộ đội chủ lực. Cấp trên họp, quyết định dù có khó khăn gì cũng phải giữ rừng Năm Trại, bởi giặc tuy đông, vũ khí hiện đại nhưng rất ngán “Trảng ông Tên”- là đường vào căn cứ. Bốn mùa quanh năm nước sâu tới ngực, nhiều đoạn đất chân không chẳng biết đâu mà lần.

Người dân đi ruộng thì đi bằng xe bò hoặc long mình qua trảng. Còn giặc, dù đồn Trường Lưu, cách căn cứ có hơn 3km, nhưng “kẹt” trảng này nên chúng ít khi dám bước tới. Thảng hoặc có vài tốp lính muốn lập công thì đi ven ven rìa trảng, thấy quân cách mạng cắm bảng “tử địa” thì nhổ bảng về lập công. Thật ra lúc đó quân ta ít vũ khí, muốn “hù” chúng nên bộ đội chỉ lèn tro bếp vô lon sữa bò, gài kíp nổ. Bảng nhổ lên, nổ sầm nhưng chỉ thấy tro bay mịt mù. Chúng càng cười dữ. Mấy lần sau, bộ đội gài trái thật, chết chùm mấy lần chúng mới ngán”.

Chuyen tinh nguoi giu rung lich su
Vợ chồng ông Hùng với công việc hàng ngày

Sau ngày 30/4/1975, ông Hùng không còn công tác ở bộ đội địa phương nữa, mà chuyển qua công tác Đoàn, xem như “cá về với nước”, công việc cũ mà nơi công tác mới: Huyện Đoàn Hòa Thành. Huyện Đoàn bấy giờ cách Hội Phụ nữ huyện chỉ mấy gian phòng, nhưng đôi uyên ương Hùng-Tuyết vẫn chưa tính được ngày chung nhà bởi công việc còn “lu xu bu” lắm. Dù mấy lần các chị của Hội Phụ nữ “hăm” ông không rước Tuyết thì sẽ có mấy hàng người đăng ký, nhưng dễ gì “hù” được anh cán bộ Huyện Đoàn, bởi anh biết Tuyết cũng nghĩ như mình, chuyện nước yên thì chuyện nhà mới bền vững.

Nhiều tháng trời, cặp đôi Tuyết - Hùng song hành bên nhau từ nơi làm việc về lại thăm nhà, rồi cùng vận động quần chúng, thanh niên nam nữ tham gia công tác Hội. Cùng chia ngọt sẻ bùi với bao đoạn đường sình lầy đất đỏ. Cả hai cùng mơ ước, ngôi nhà chung của mình ma này phải ở một nơi nào đó thật bình yên, đường sá thật cao ráo… Nhưng, đó chỉ là mơ ước, vì sau ngày giải phóng không lâu, anh cán bộ Đoàn Hoàng Phi Hùng được giao chức vụ tổng đội trưởng Thanh niên xung phong. Không sao kể hết những khó khăn phải đối mặt, cả lời ong tiếng ve âm ỉ sự nản lòng của một số người vì không hiểu hết nhiệm vụ thiêng liêng của mình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI