Chuyên gia nói gì về đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”?

25/11/2021 - 12:44

PNO - GS. Trần Ngọc Thêm đề nghị chấm dứt dùng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để thúc đẩy tư duy phản biện, sáng tạo trong giáo dục.

Chia sẻ quan điểm về đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục - Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc truyền tải tri thức, người thầy còn phải truyền cảm hứng, gieo khát vọng cho học trò. 

“Nếu chỉ vì cho rằng câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” tập trung quá nhiều vào người thầy trong khi hiện tại chúng ta phát huy tư duy sáng tạo, phản biện của học trò nên bỏ khẩu hiệu này, thì có phần khiên cưỡng. Bởi lẽ, nhìn rộng ra thì giáo dục đào tạo là giáo dục cả tri thức và nhân cách cho đứa trẻ, muốn thế cũng phải dạy con biết lễ phép với thầy cô, người lớn, biết nhường nhịn em nhỏ...

Quan điểm cá nhân tôi thì không cần thiết phải bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” mà làm sao bỏ được suy nghĩ ăn sâu trong tâm trí nhiều người thầy rằng họ chính là đại diện cho tri thức.

Và đương nhiên, nếu thầy không phải là độc tôn tri thức thì mối quan hệ thầy trò cũng cởi mở hơn, học sinh có thể phát huy sự sáng tạo, tư duy phản biện với các vấn đề được học”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - cho rằng gốc cơ bản của mỗi người là “đức”. Trong khi đó, đổi mới giáo dục không phải đổi mới khẩu hiệu, điều quan trọng nhất là giáo viên nắm rõ nội dung chương trình giảng dạy và có cách thức truyền đạt mới mẻ, hấp dẫn, kích thích sự sáng tạo.

“Nói cách khác, muốn khuyến khích học sinh gia tăng kỹ năng phản biện, không cần bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" mà người thầy phải áp dụng nhiều phương pháp dạy học linh động hơn, thầy trò cùng trao đổi vấn đề. Các em được quyền thể hiện cái tôi trong giới hạn cho phép. Hơn thế, mục tiêu lớn nhất của giáo dục chính là hình thành nên những thế hệ học sinh có sự phát triển hài hòa giữa trí tuệ và nhân cách, biết tư duy sáng tạo nhưng đồng thời cũng phải thấu hiểu đạo lý. Bản thân tôi dù ở cương vị là giáo viên hay học trò thì vẫn luôn tôn kính người thầy và đối đáp nhau một cách trân trọng với người”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết.

Tại hội thảo giáo dục với chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo", GS Trần Ngọc Thêm - Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM - nêu quan điểm: "Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động".

Theo GS Trần Ngọc Thêm, để có con người chủ động, cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi".

"Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo... Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển", GS Trần Ngọc Thêm khẳng định.

Đại Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI