Chuyện cũ sao vẫn phải thí điểm?

07/08/2022 - 21:17

PNO - Chuyện thư viện mua sách cho học sinh mượn đã được thực hiện từ hàng chục năm trước, cớ gì nay lại phải mang ra thí điểm?

 

Trích ngân sách mua sách cho học sinh mượn dùng là việc nên làm, song cái gốc câu chuyện vẫn là giá sách giáo khoa và độ ổn định của chương trình
Trích ngân sách mua sách cho học sinh mượn dùng là việc nên làm, song cái gốc câu chuyện vẫn là giá sách giáo khoa và độ ổn định của chương trình

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, năm học mới sẽ bắt đầu, nhưng câu chuyện (giá) sách giáo khoa vẫn chưa ngã ngũ. Sau nhiều ý kiến, chỉ đạo, giá sách giáo khoa cho năm học mới các lớp 3, 7, 10 vẫn sẽ tăng - mức tăng “sốc” với nhiều gia đình.

Trong buổi làm việc với TPHCM về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm mảng khoa giáo và văn hóa - xã hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gợi ý TPHCM sẽ tiên phong dùng ngân sách để mua sách giáo khoa cho học sinh sử dụng, tái sử dụng ở các năm sau, đối với các khóa sau.

Phải khẳng định ngay rằng, chuyện học sinh mượn sách giáo khoa không phải là chuyện mới. Từ hàng chục năm trước chúng ta đã làm và đã làm rất tốt. Tôi còn nhớ, đến tận những năm 1990, ở bậc trung học phổ thông, tôi và bè bạn vẫn mượn sách từ thư viện trường để học. Sách ngày đó tuy cũ, kỹ thuật in cũng không đẹp, giấy ngà, nhưng những điều đó có hề gì khi điều quan trọng nhất là hàm lượng tri thức của sách - những thứ không liên quan gì đến “khổ to, giấy đẹp”. Điều quan trọng không kém là bằng cách mượn sách từ thư viện, gia đình chúng tôi sẽ đỡ một khoản tiền trong bối cảnh đầu năm học, trăm thứ phải mua, nhất là với các gia đình đông con.

Tiếng là mượn sách song thực tế chúng tôi vẫn đóng một khoản tiền nhỏ để trường có kinh phí bảo dưỡng sách, mua thêm sách và/hoặc mua bổ sung những cuốn sách hỏng. Không một phụ huynh nào thắc mắc về số tiền này, bởi nó không đáng kể. Thậm chí, nếu có học sinh nào làm hỏng sách mượn từ thư viện thì đóng tiền “đền” một cuốn sách vẫn rẻ hơn nhiều so với mua cả bộ như hiện nay ta đang làm.

Tái sử dụng sách giáo khoa là việc đáng làm, nên làm và ta đã từng làm hiệu quả trong nhiều năm, đặc biệt trong xã hội văn minh ngày nay - khi mọi người được khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm, giảm tác hại đến môi trường. Hẳn ai cũng biết, sản xuất giấy (để in sách) đồng nghĩa với chặt hạ cây xanh. Một sản phẩm chỉ có hạn sử dụng một năm học, rồi bỏ khi học sinh lên lớp là cực kỳ lãng phí. Cứ cho là đời sống người dân Việt Nam hôm nay sung túc hơn thì việc tiết kiệm cho mỗi gia đình một khoản tiền đầu năm học mới có hại gì đâu nếu không muốn nói là đang góp phần giúp giảm bớt khó khăn cho người dân sau đại dịch.

Không cần phải thí điểm nữa. Mô hình, cách làm của việc cho mượn sách đã có. Nếu hôm nay ta không làm được điều nhiều thập niên trước ta đã làm thì chỉ có nghĩa là ta dở hơn chính ta của những ngày tháng còn khó khăn. Theo tính toán, mỗi năm chúng ta tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa, chia cho 63 tỉnh thành là con số không lớn. Con số càng nhỏ khi ở năm học sau ta không phải mua lại toàn bộ sách mà chỉ mua bổ sung những cuốn sách hỏng hoặc sách mới thay vì mỗi năm lại là 2.000 tỷ đồng.

Câu chuyện mua sách cho học sinh mượn không cần phải bàn cãi nữa. Cái đến nay vẫn vướng và nên được xử lý là hạ giá sách giáo khoa, bởi kể cả khi dùng ngân sách mua sách đưa vào thư viện thì đó vẫn là tiền của người dân, doanh nghiệp (song có sự chia sẻ giàu - nghèo), dựa trên thuế. Cho mượn sách là chuyện tốt, nhưng vẫn là câu chuyện ở phần ngọn. Cái gốc là giá sách. Ngoài ra, các nhà cải cách giáo dục cần soạn một chương trình học đủ ổn định, chứ nếu dùng ngân sách mua sách mà mỗi năm mỗi đổi chương trình, thêm thêm bớt bớt; sách chưa khấu hao xong đã có sách mới, theo chương trình mới thì cũng chẳng giải quyết được gì cả.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI