Chồng không muốn đóng góp tiền cho gia đình, vì sợ nếu ly hôn sẽ trắng tay

05/04/2022 - 09:00

PNO - Hy vọng sẽ có những biến cố nào đó trong cuộc sống, khiến anh ấy tự nguyện thay đổi thái độ, tư duy, cách đánh giá của mình về gia đình.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Em gặp và yêu chồng em bây giờ khi anh ấy còn là một sinh viên, và em đã đi làm. Gia đình anh sống ở quê nghèo, nên con đường học tập của anh cũng không mấy dễ dàng. Em đã giúp đỡ anh rất nhiều khi anh còn đi học. Đối với em, chuyện anh giàu hay nghèo không quan trọng. Quan trọng là tính anh hiền hậu, vui vẻ và thương em.

Sau khi anh ra trường khoảng bốn năm thì tụi em cưới nhau. Trước khi cưới, em đã mua một căn nhà tương đối khang trang ở một quận gần trung tâm. Vì thế, cưới nhau xong là tụi em có nhà ở ngay.

Em cứ nghĩ điều đó làm anh vui và yên tâm cùng em chung tay lo cho gia đình. Thế nhưng, mọi việc hoàn toàn ngược lại. Anh ra trường đi làm được vài năm, lương rất thấp. Em nghĩ đưa em một, hai triệu thì đâu có ý nghĩa gì, nên thôi, để anh tự chi tiêu lo cho mình, còn em thì lo nhà cửa, con cái.

Nhưng đến khi anh làm lương khá hơn, hơn chục triệu một tháng, anh cũng chỉ đưa cho em mỗi tháng một, hai triệu. Em vì tự ái và cũng không thiếu tiền, nên không hỏi anh bao giờ, dù trong bụng lấy làm khó chịu.

Đến khi em bắt đầu gặp những khó khăn trong tài chính, và nhất là thấy anh có vẻ không hề  muốn chia sẻ sự lo lắng, bất an của em, em bắt đầu đặt vấn đề yêu cầu anh có trách nhiệm, nghĩa vụ với gia đình. Không ngờ anh nói thẳng ra với em: "Đất đai nhà cửa đều mang tên em, đều đã có trước hôn nhân. Giờ anh bỏ tiền vào mua gì, lỡ có việc gì thì anh ra đi tay trắng à?" 

Em nghe anh nói mà thấy trời đất như sụp đổ. Em hỏi anh: "Thì em có cần anh lo gì cho em đâu. Chỉ cần góp sức cùng em lo cho con ăn học". Anh trả lời: "Con cũng là con em. Hễ có gì, tòa thường xử con theo mẹ. Mà tụi nó xưa giờ cũng chỉ theo em chứ có theo anh đâu".

Em đau điếng cả người, không hiểu vì sao vợ chồng đang sống êm ấm, mà anh có thể nghĩ như vậy. Trong lúc còn đang hoang mang thì em được biết thêm một thông tin từ cô em dâu: "Mẹ anh dạy các con trai như vậy đó chị ạ. Em nghe bà nói anh phải làm sức ép, để chị cho tên anh vào nhà đất thì anh mới có tương lai".

Chị ơi, em phải làm thế nào mới có thể giữ được gia đình cho các con em, để anh thật sự trở thành người chủ gia đình, người cha của các con em hả chị?

Minh Lý

Em Minh Lý thân mến,

Đọc thư em mà chính chị cũng muốn... choáng váng theo. Em có một người chồng quá ích kỷ, lại được hướng dẫn, dạy dỗ bởi một người mẹ chắc cũng... trùm ích kỷ.

Lập gia đình, có nhà để ở, có người lo cho hết mọi việc, mà không thấy vui mừng, không thấy mình may mắn, để mà thương vợ, nỗ lực góp sức cùng vợ lo cho cuộc sống tốt hơn. Chỉ thấy tính toán, đòi hỏi cho bản thân.

Em hỏi rằng nếu em làm như anh ta và mẹ anh ta muốn: Cho cùng đứng tên trên tài sản, thì liệu em có được sự yên tâm của anh ta hay không? Chị nghĩ rằng điều quan trọng ở đây không phải là căn nhà của em, mà là tính cách, tư duy của anh ta, và tình yêu thương của anh ta dành cho em, cho các con và gia đình này.

Như vậy thì chỉ có một cách duy nhất có thể thay đổi được anh ta: Làm sao cho chính chồng em hiểu rằng được làm chồng, làm cha của một gia đình hạnh phúc mới là điều quý giá nhất, rằng vợ con mới là tài sản đảm bảo tốt nhất cho cuộc đời một con người. 

Hãy trò chuyện thẳng thắn với chồng em về điều em mong muốn ở anh, điều các con mong muốn ở cha mình. Hãy tác động vào anh ấy bằng mọi cách, mọi kênh và mọi nỗ lực của em. Có thể, em cũng có những bất cẩn nào đó trong suy nghĩ và cư xử của mình, hãy tìm hiểu và giải tỏa những khúc mắc trong tâm lý chồng.

Bên cạnh đó, dù gì đi chăng nữa, anh ta cũng chưa rời bỏ gia đình, vẫn chung sống cùng mẹ con em, và chỉ "thủ" chứ chưa bỏ chạy, thì em hãy vẫn cứ cứng rắn giao cho anh ta những nhiệm vụ kinh tế, trách nhiệm với gia đình cụ thể. Đừng để anh ta được sống ơ hờ như chỉ gắn tạm vào gia đình như từ trước tới nay.

Hy vọng đó là một cách để anh ta cảm nhận được ý nghĩa gia đình hơn. Bởi người ta khi chăm sóc cái gì, tình thương và sự gắn bó sẽ nảy sinh. Cùng với nỗ lực đó của em để thay đổi anh ta, hy vọng là sẽ có những biến cố nào đó trong cuộc sống khiến anh ấy tự nguyện thay đổi thái độ, tư duy, cách đánh giá của mình về gia đình.

Nếu tất cả đều không có tác dụng thì chị nghĩ em chỉ còn một cách duy nhất: thẳng thắn hỏi anh ta xem anh ta chọn cùng em vun đắp gia đình, hay muốn "thủ" cho mình, gầy dựng cho riêng mình để được an toàn?

Nếu đến phút chót anh ta vẫn chỉ chọn bản thân mình, thì em cũng đành phải chấp nhận mình sai lầm khi đặt lòng tin và một người như vậy. Em sẽ không làm gì được nếu người ta không chọn gia đình, ngay cả khi gia đình đó luôn là của người ta.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Tâm An 05-04-2022 17:02:13

    Thôi, bỏ đi chị, có khi còn nhẹ gánh hơn

  • Hoapham 05-04-2022 16:58:29

    Em yêu cầu anh ta đóng tiền thuê nhà và tiền ăn, không đóng mời anh cút.Con nếu anh không đóng tiền nuôi con thì ký vào tờ giấy để em đi đổi con theo họ mẹ. Em mới có chút khó khăn mà anh ta đã như vậy.Sống với anh ta lúc em bệnh tật thì làm sao đây.

  • Đào Trang 05-04-2022 16:20:36

    Đã bao lâu nay chị một mình nuôi con, lo cho con thì chị có thể quyết định một điều là chị và con cũng chẳng cần người tính toán với gia đình như vậy đâu chị.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI