Cho vay ứng lương giúp người lao động tránh tín dụng đen

02/03/2021 - 07:07

PNO - Một số công ty công nghệ tài chính (fintech) như Interloan, Nano, Weway, Gimo đang liên kết với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đưa ra các gói vay có mức vay gấp đôi lương hằng tháng của người lao động, giúp các đối tượng này tránh tín dụng đen.

Quy trình vay khá đơn giản: người lao động có thể vay qua website của các công ty fintech bằng cách đăng ký tài khoản, chọn đề nghị vay ứng lương online và thao tác theo hướng dẫn. Hạn mức vay phổ biến bằng 1-2 lần mức lương tháng với điều kiện người lao động có thời gian làm việc trên sáu tháng tại doanh nghiệp, lương chuyển khoản trên 3 triệu đồng/tháng. Thời gian ứng lương từ 1-6 tháng, lãi suất từ 16,5 - 19%/năm, bằng lãi suất vay tiêu dùng tại các ngân hàng hiện nay, thấp hơn cả một số công ty tài chính.

Có khoảng 3,4 doanh nghiệp cho vay dưới hình thức ứng lương
Có khoảng 3,4 doanh nghiệp cho vay dưới hình thức ứng lương


 Một số công ty như Weway, Gimo không tính lãi vay với người lao động mà chỉ tính phí, mức phí phổ biến là 1% trên khoản tiền tạm ứng. Tuy nhiên, mức cho vay ứng lương của các ứng dụng này khá thấp, thường chỉ bằng một phần ba mức lương tháng của người lao động. Chẳng hạn, tại Gimo, người lao động có thu nhập 3,6 triệu đồng/tháng, có thể được ứng lương với mức 1,1 triệu đồng, mức phí ứng là 27.500 đồng; nếu có thu nhập 12 triệu đồng/tháng, sẽ được ứng 5 triệu đồng, mức phí ứng là 187.000 đồng. 
Theo ông Trần Đại Dương - Giám đốc Công ty Interloan - qua khảo sát của công ty với 2.000 lao động tại TP.HCM, có đến 90% có nhu cầu ứng lương trong sáu tháng gần nhất và công ty gần như không thể đáp ứng được nhu cầu này. “Chúng tôi giữ vai trò trung gian kết nối nhà đầu tư với người lao động. Người lao động có thể chọn ứng lương (từ 1-5 triệu đồng) chịu phí 3% số tiền ứng và phải trả ngay trong kỳ lương tiếp theo mà không phải chịu lãi, hoặc có thể vay ứng lương 4-6 tháng, lãi suất 16,5 - 19%/năm và các nhà đầu tư vào Interloan được hưởng mức lãi này” - ông Dương giải thích. 
Đại diện Weway cho biết, công ty này ứng lương từ nguồn vốn của mình, sau đó gửi bảng kê sang doanh nghiệp để nhận hoàn ứng từ quỹ lương. Với giải pháp này, doanh nghiệp không cần phải bỏ vốn mà vẫn giữ chân được người lao động, tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian tuyển dụng; người lao động cũng bớt lo lắng do biết mình có thể nhận lương khi cần gấp, giúp họ gắn kết hơn với doanh nghiệp. 
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, hình thức cho vay ứng lương đang dần nhận được sự chú ý, đã phát triển rất mạnh ở nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Ấn Độ, Singapore… Tại Việt Nam, hình thức này mới ra mắt nhưng lượng doanh nghiệp tham gia đã tăng đáng kể. Chẳng hạn, hiện đã có 20 doanh nghiệp kết nối với Interloan, trong đó có những tên tuổi khá nổi tiếng như McDonald’s, 7-Eleven, Mắt Bão BPO, BHD Star, các sàn việc làm Viec.co, Liên minh chuyển đổi số DTS… Gimo cũng mới tham gia nhưng hiện đã kết nối được hơn 10 doanh nghiệp.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI