Máy móc, con người đều hiện đại
Vừa bước vào Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thủ Đức, TPHCM, bà Phan Thị Hoa không khỏi ngỡ ngàng khi thấy 2 người máy (robot) di chuyển nhịp nhàng trong khuôn viên trung tâm, đọc các lời hướng dẫn. Bà còn được đoàn viên thanh niên chỉ cách điền thông tin để làm thủ tục hưởng trợ cấp xã hội và chứng thực hồ sơ đi học cho đứa cháu. Mọi việc diễn ra chỉ trong 10-20 phút. Bà phấn khởi: “Tôi rất hài lòng vì trung tâm này có không gian rộng, có nhiều máy móc hiện đại, cán bộ nói chuyện nhỏ nhẹ, hướng dẫn rất nhiệt tình”.
 |
Người dân làm thủ tục hành chính bằng các phương tiện hiện đại ở phường Tây Hồ, TP Hà Nội - Ảnh: Anh Ngọc |
Sự hiện diện của 2 robot tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thủ Đức những ngày qua đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân. Không chỉ mang đến cảm giác mới lạ, 2 “trợ lý thông minh” này còn làm được việc, như lấy số thứ tự tự động, hướng dẫn người dân đến đúng bộ phận làm thủ tục, phát lời chào, phục vụ nước uống và phát tài liệu. Robot không chỉ góp phần tối ưu hóa quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính mà còn khẳng định bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc xây dựng hình ảnh trung tâm hành chính công hiện đại, thân thiện, hiệu quả.
Tại phường Tân Phú, TPHCM, sau 1 tuần vận hành chính thức, Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường đã tiếp và hướng dẫn cho hơn 3.500 lượt người, tiếp nhận hơn 1.000 hồ sơ, gồm 725 hồ sơ trực tiếp và 346 hồ sơ trực tuyến, tất cả đều được giải quyết đúng hạn. Anh Phạm Thanh Lộc cho biết, vừa bước vào trung tâm để làm căn cước công dân cho con trai, anh được hỏi han, hướng dẫn tận tình và nhanh chóng hoàn tất việc đăng ký theo hình thức trực tuyến.
16g30 thứ Sáu, sau khi tan làm, chị Vũ Phương Linh đến Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tây Hồ, TP Hà Nội xin giấy xác định tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đất đai. Chưa đầy 10 phút, chị đã cầm trên tay giấy hẹn lấy kết quả vào ngày hôm sau. Chị Linh khá bất ngờ về sự chuyên nghiệp của cán bộ trung tâm: khi chị còn chưa biết bắt đầu các thủ tục như thế nào, đã có người hướng dẫn chị khai báo điện tử. Chị nhận xét: “Mọi hồ sơ được tổ chức tiếp nhận khoa học, thao tác online nhanh gọn, chỉ cần làm theo đúng hướng dẫn trên Cổng dịch vụ công quốc gia rồi tải mẫu đơn, đặt lịch hẹn, quét QR‑Code lấy số tự động rồi chờ kết quả. Cán bộ trực quầy vui vẻ, hướng dẫn từng bước”.
Lan tỏa tinh thần phục vụ dân
Từ khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, UBND các phường, xã chủ động hơn trong việc quản lý các dịch vụ hành chính và giải quyết các vấn đề của người dân. Ông Đặng Hoàng Ân - Phó giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tân Phú, TPHCM - thông tin, trung tâm có trang thiết bị và hạ tầng nội bộ hoạt động ổn định, thông suốt. Trung bình mỗi ngày, trung tâm tiếp khoảng 650 lượt người đến làm các thủ tục hành chính qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.
 |
Người dân sử dụng máy tính bố trí tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tây Hồ, TP Hà Nội để làm thủ tục trực tuyến - Ảnh: Anh Ngọc |
Ông cho hay, trung tâm bố trí 18 quầy giao dịch, 1 ki ốt lấy số thứ tự và 6 ki ốt điện tử để truy cập thông tin, tra cứu hồ sơ và hướng dẫn quy trình thực hiện thủ tục hành chính, 1 quầy để hỗ trợ người dân đăng ký dịch vụ công trực tuyến. Trung tâm đã niêm yết 363 loại thủ tục hành chính cấp xã có tích hợp mã QR, liên kết trực tiếp đến Cổng dịch vụ công quốc gia. Chỉ cần quét mã, người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu và tự đăng ký thủ tục cần thiết qua điện thoại di động. Đây là bước tiến rõ rệt trong việc số hóa dịch vụ công, hướng đến xây dựng chính quyền số, công dân số.
Theo ông, việc ứng dụng công nghệ vào công tác điều hành và vận hành bộ máy đã giúp năng suất làm việc của cán bộ tăng lên, người dân được giải quyết yêu cầu nhanh hơn. Trung bình mỗi cán bộ của trung tâm tiếp và giải quyết các thủ tục hành chính cho khoảng 35-40 lượt người/ngày. Ông cho rằng, để phát huy hiệu quả hoạt động của trung tâm, điều quan trọng là mỗi cán bộ, công chức phải tự nâng tầm mình, nắm vững quy định pháp luật, sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng. Đồng thời, người dân cũng cần làm quen với các nền tảng số, từ đó hình thành thói quen chủ động tương tác với chính quyền.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Chủ tịch UBND phường Tây Hồ, TP Hà Nội - cho biết, UBND phường chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và bố trí cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm làm việc tại điểm phục vụ hành chính công. Đội ngũ cán bộ này đã được đào tạo về kỹ năng giao tiếp, xử lý hồ sơ và nắm rõ quy trình pháp lý. Phường Tây Hồ được sáp nhập từ toàn bộ diện tích và dân cư của phường Bưởi và một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường Thụy Khuê, Xuân La, Quảng An, Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ cũ), phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy cũ), có tổng cộng 30.280 hộ, 100.720 dân. Số hồ sơ hành chính cần giải quyết tăng lên gấp nhiều lần nhưng ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, mọi hồ sơ đều được giải quyết nhanh, không bị tồn đọng.
Tăng mức độ hài lòng của công dân Việc ứng dụng công nghệ thông tin ở trụ sở UBND các phường giúp dân thuận tiện trong việc tiếp cận các dịch vụ công. Người dân không còn phải tốn thời gian xếp hàng, chờ đợi hay di chuyển đến các cơ quan hành chính mà có thể giải quyết mọi thủ tục ngay tại nhà qua các cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc ứng dụng di động. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức. Các quy trình hành chính được tự động hóa, giảm các thao tác thủ công, hạn chế sai sót, giúp giải quyết nhanh các yêu cầu của người dân, từ đó làm tăng sự hài lòng của công dân đối với chính quyền. Hơn nữa, công nghệ giúp tăng cường sự minh bạch trong công tác quản lý hành chính. Người dân có thể dễ dàng theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ của mình, giám sát các quyết định hành chính, giúp giảm tình trạng tham nhũng. Công nghệ thông tin mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng việc triển khai và áp dụng trong công tác tiếp dân ở các phường, xã cũng còn không ít thách thức. Một trong những vấn đề lớn là khả năng tiếp cận công nghệ của người dân, đặc biệt là những người chưa quen sử dụng công nghệ. Bên cạnh đó, việc duy trì và nâng cấp hệ thống công nghệ cũng là một vấn đề quan trọng. Chính quyền cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, cũng như bảo mật thông tin để tránh rủi ro. Ông Nguyễn Việt Cường - Phó chủ tịch UBND phường Tây Hồ, TP Hà Nội |
Trang Nguyễn - Anh Ngọc