Cây anh đào nhỏ lệ

20/11/2021 - 06:49

PNO - Cùng với cây anh đào ngàn tuổi ở thành phố Fukushima (Nhật Bản), cây anh đào Matabei ở thành phố Uda, tỉnh Nara nổi tiếng không kém dù chỉ mới 300 năm.

Bạn đã bao giờ nghe nói về trận chiến Sekigahara xảy ra vào năm 1600? Cây anh đào Matabei có mối liên hệ chặt chẽ với một chiến binh từ trận chiến đó.

Đây là loại anh đào cành rủ mang tên "Taki-zakura" hay "Matabei Sakura", được trồng trong thời kỳ Sengoku, hiện có đường kính lên đến 3m và cao 13m. Hoa thường nở rộ vào tháng Tư, cánh màu hồng phai nổi bật trên màu xanh tươi mát của núi rừng và những cây anh đào khác có cánh màu hồng tươi, hoa mộc lan, hoa thủy tiên, hoa cải… nở rộ xung quanh.

Thân cây cứng cỏi nhưng dáng cành rủ xuống và nở đầy hoa, trông vừa hùng vĩ vừa dịu dàng. Đặc biệt, những nhánh đào Matabei được ví như đang nhỏ lệ hoặc mềm mại như thác nước Ishigaki. Những người ngắm hoa còn ví Matabei trông hệt như chấm pháo hoa khổng lồ tô điểm cho bầu trời đêm mùa hè.

Dọc theo bờ sông Houno, cách Matabei 10 phút lái xe, 100 cây anh đào được trồng trải dài khoảng 500m tạo thành một thế giới hư ảo diễm lệ. Chẳng trách mỗi năm, Uda thu hút 60.000 - 70.000 du khách. Người ta say mê vẻ đẹp của hoa đào, hẳn rồi. Thế nhưng, khắp nước Nhật, đâu mà chẳng có hoa đào. Hóa ra người ta còn đến vì câu chuyện bi tráng phía sau nó.

Sau khi Hideyoshi Toyotomi - người cai trị Nhật Bản qua đời, cuộc chiến dữ dội giữa các chiến binh của quân đội phía Tây (những người muốn hỗ trợ con trai của Hideyoshi) và các chiến binh của quân đội phía Đông (những người muốn hỗ trợ Ieyasu Tokugawa) nổ ra. Một trận quyết chiến đã xảy ra tại cánh đồng Sekigahara, miền Trung Nhật Bản.

Kết quả, Ieyasu Tokugawa giành chiến thắng. Tuy nhiên, Sekigahara không phải là trận chiến cuối cùng. Cho đến khi lâu đài Osaka ở phía Tây bị phóng hỏa, gia tộc Toyotomi bị tiêu diệt trong chiến dịch Mùa hè của cuộc vây hãm năm 1615, cuộc chiến mới kết thúc.

Tên của cây anh đào Matabei bắt nguồn từ tên của vị chỉ huy samurai - Matabei Goto. Ông là một chiến binh dũng cảm và có kỹ năng dùng giáo tuyệt vời. Trong cuộc vây hãm tại thành Osaka của quân đội phía Đông, Matabei bị thương nặng. Một số ghi chép cho rằng ông đã tự sát theo tinh thần samurai.

Tuy nhiên, một truyền thuyết khác lại kể rằng ông vẫn còn sống và tìm đến thành phố Uda, trở thành một nhà sư. Cây anh đào tuyệt đẹp này do chính tay ông trồng.

Không biết thực hư truyền thuyết này ra sao nhưng quanh Uda ngày nay vẫn có một số gia đình mang họ Uda và cây anh đào Matabei này mọc trên đất do gia đình Goto làm chủ. Điều này càng củng cố cho truyền thuyết kia và khiến cây anh đào càng trở nên nổi tiếng.

Theo người dân địa phương, sự hiện diện của cây anh đào là minh chứng cho quá trình con người chiến thắng thiên nhiên và là ước vọng cho sự hồi sinh, trường tồn.

Đài truyền hình NHK Nhật Bản đã dùng cây anh đào khóc làm hình ảnh mở đầu cho một bộ phim, đưa Uda chính thức trở thành địa điểm ngắm hoa đào nổi tiếng như hiện tại. 

Văn Khoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI